Mảnh ghép đa sắc màu về đời sống nông thôn Bắc Bộ

Trong số những cái tên được xướng lên trong lễ trao giải của Hội Nhà văn Việt Nam năm 2019, Nguyễn Hải Yến còn khá xa lạ với cộng đồng độc giả yêu văn chương.

Đặc biệt, sự kiện này còn nhận được sự quan tâm chú ý bởi sau hai năm liên tiếp 2017 và 2018, Hội Nhà văn Việt Nam để trống hạng mục văn xuôi vì chưa tìm được tác phẩm xứng đáng để trao giải. Một tác giả trẻ với tập truyện ngắn đầu tay Quán Thủy Thần (NXB Văn hóa-Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, 2019) được vinh danh như một hiện tượng khuấy lên dư luận đời sống văn học Việt Nam sau quãng bình lặng. Bên cạnh những cây viết gạo cội về truyện ngắn đã khẳng định tên tuổi và phong cách như Phan Triều Hải, Lê Minh Khuê, Nguyễn Thị Thu Huệ, Lưu Sơn Minh, Phan Thị Vàng Anh, Võ Thị Xuân Hà, Y Ban, Nguyễn Ngọc Tư, Đỗ Bích Thúy… sự xuất hiện bất ngờ và ấn tượng của Nguyễn Hải Yến là một tín hiệu vui, và hơn nữa có thể là "cú huých" cho sự phát triển văn học Việt Nam trong tương lai.

10 truyện ngắn được gói gọn trong chưa đầy 200 trang của Quán Thủy Thần là những mảnh ghép đa sắc màu về đời sống nông thôn đồng bằng Bắc Bộ. Trong đó Nguyễn Hải Yến triển khai trên hai lối viết: Lối viết đậm chất hiện thực với Nhân gian một cõi, Hoa đại đỏ, Gió lên thả ngọn đèn trời, Lục bát về gõ cửa mùa xuân; và lối viết mang màu sắc huyền ảo với Giếng Mắt Rồng, Đi giữa trời xanh mây trắng, Phía trước có dàn mơ dại, Cây mẫu đơn hoa trắng, Quán Thủy Thần, Dành dành cánh kép. Câu chuyện về làng trong cái nhìn thao thiết, nữ tính, đầy suy tư, trăn trở của Hải Yến mở ra những không gian sinh thái, văn hóa, không gian tinh thần, tâm linh vừa gần gũi, thân thuộc vừa lạ lẫm, linh thiêng. Trong khí quyển làng quê tưởng chừng như êm đềm, thanh bình đó luôn hiện hữu nhiều góc khuất; tình trạng trọng nam khinh nữ, bạo lực gia đình; bỏ làng ra phố, phiêu dạt mưu sinh; những giá trị truyền thống ngàn đời bị rạn vỡ, có nguy cơ biến mất. Từng gương mặt với bao phận đời nổi trôi cùng những biến cố, thăng trầm của dân tộc hiện ra chân thực, sắc nét, sinh động. Mỗi nhân vật của chị vừa ý thức được sự hiện tồn của bản ngã, đồng thời luôn bị giăng mắc, bủa vây với những ký ức, hoài niệm từ một miền xa thẳm. Dường như quá khứ, truyền thống đã chế ngự, can thiệp vào số phận và cấu trúc tâm lý của con người hôm nay. Tất cả đan dệt nên những gương mặt người có khi rạng rỡ, hạnh phúc, có lúc nhàu nhĩ, đau khổ. Họ cảm nhận rõ hơn bao giờ hết cõi người bé nhỏ, còn cõi trời thì rộng lớn; kiếp nhân sinh lắm gian truân, lầm lạc, nhưng luật vũ trụ lại minh triết, công bằng. Nhân vật của chị luôn đứng trước những lằn ranh giữa là mình và không là mình, miền sáng tối nội tâm và thế giới tâm linh bí ẩn; được đặt định trong các tình huống đa đoan, nghiệt ngã, trớ trêu. Đó là cách chị buộc họ phải bộc lộ bản chất, nhân tính, và cuối cùng bừng ngộ, thấu triệt về lẽ sống, lòng nhân. Cái nhìn nhân văn cùng niềm tin vào Đất mẹ bao dung, nhân gian vị tha, con người hướng thiện đã giúp truyện của Nguyễn Hải Yến lấp lánh tinh thần lạc quan. Nơi đó những hận thù, đau đớn được hóa giải, xoa dịu; bao bất hạnh, uất ức được đền bù, giải thoát; những bất nhân, bội bạc bị trả giá, thức tỉnh. Mỗi truyện ngắn của nữ nhà văn luôn vang lên thông điệp về tình yêu thương, sự vị tha, lòng trắc ẩn, và đặc biệt sự hài hòa, cân bằng giữa con người với thiên nhiên, lý trí và tình cảm, ý thức và vô thức, bản ngã và tâm linh.

Có thể nói, điểm đặc sắc nhất trong truyện của Nguyễn Hải Yến là lối viết đan cài thực-ảo, dệt nên hệ thi pháp hiện thực huyền ảo xuyên suốt trong từng thành tố tư duy, phương thức nghệ thuật của tác phẩm. Nhà văn đã đánh thức một vùng ký ức nguyên thủy của người đọc về vùng đất thiêng, ẩn chứa nhiều lớp trầm tích văn hóa, lịch sử, tâm linh. Mỗi con đường, ngõ hẻm, mái nhà, gốc cây; mỗi dòng sông, gò đồi, triền đê, bãi hoang đều chìm ẩn một đời sống riêng. Chạm vào đâu, nhìn nơi nào cũng vang động những câu chuyện bí ẩn, diệu kỳ. Nhà văn đã khéo léo đưa chất liệu dân gian vào từng truyện kể của mình. Các truyện ngắn của chị là sự chắp nối các mảnh vỡ huyền thoại, cổ tích tồn tại trong tư duy nhân loại: Huyền thoại về cõi hỗn mang, về trận đại hồng thủy, về vùng đất bị phù phép; huyền thoại về mẫu hệ, về tình yêu, về sự cứu rỗi. Biên độ không gian được giãn nở tối đa, thời gian bị mờ hóa vô định, trở về điểm mút của sự tồn tại, nơi mọi ranh giới dường như bị xóa nhòa, chỉ có thể cảm nhận bằng trực giác, linh giác.

Ngôn ngữ kể chuyện của Nguyễn Hải Yến vừa tự nhiên, mộc mạc nhưng cũng đầy lảng bảng, ảo diệu. Cùng với đó là sự biến ảo, đa thanh của giọng điệu: Khi thủ thỉ, thiết tha, lúc hóm hỉnh, minh triết; khi trầm tư, chiêm nghiệm... Câu chuyện tưởng như thường nhật, giản đơn hóa ra là những vấn đề mang tầm phổ quát của nhân sinh, nhân tính, nhân vị vốn chứa đựng nhiều đa đoan, trần ai, phức tạp. Ký ức luôn hiện hữu trong đời sống tinh thần của con người hôm nay. Họ vừa thụ hưởng các giá trị vừa chịu nhiều hệ lụy từ những gì đã qua. Đó là cách Nguyễn Hải Yến khiến mỗi người trong chúng ta phải suy tư, trăn trở, kết nối và định hình bản ngã, bản sắc trong vũ trụ nhân sinh bao la, rộng lớn.

Có thể nói rằng, tập truyện ngắn Quán Thủy Thần của nữ nhà văn trẻ Nguyễn Hải Yến phần nào đáp ứng sự kỳ vọng của độc giả về một hiện tượng mới của làng văn Việt Nam đương đại.

Tiến sĩ NGUYỄN VĂN HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/van-hoc-nghe-thuat/manh-ghep-da-sac-mau-ve-doi-song-nong-thon-bac-bo-617292