Mang hạnh phúc đến với người lao động có hoàn cảnh khó khăn ở TP.HCM
Các cặp cô dâu, chú rể tham gia lễ cưới tập thể đều là công nhân lao động tại doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, đến từ nhiều tỉnh, thành, có hoàn cảnh khó khăn và khó hơn khi có dịch COVID-19.
“Vui mừng, rạng rỡ và có chung niềm hạnh phúc vô cùng khi lần đầu tiên khoác lên mình chiếc áo cưới truyền thống trong lễ cưới tập thể đoàn viên công đoàn, công nhân lao động thành phố.”
Đó là cảm nhận chung 7 đôi cô dâu, chú rể có hoàn cảnh khó khăn tại lễ cưới tập thể do tổ chức Công đoàn thành phố cùng Hội Liên hiệp Thanh niên quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh, tổ chức tại Trung tâm Hội nghị Long Biên Palace, tối 4/10.
Các cặp cô dâu, chú rể tham gia lễ cưới tập thể đều là công nhân lao động tại doanh nghiệp khu vực ngoài Nhà nước, đến từ nhiều tỉnh, thành khác nhau, có hoàn cảnh khó khăn và khó hơn khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, không có điều kiện để tổ chức lễ cưới.
Lễ cưới tập thể được tổ chức trên tinh thần xây dựng nếp sống văn minh, tiết kiệm, tôn vinh những nét đẹp truyền thống trong lễ cưới của dân tộc Việt Nam; thể hiện sự quan tâm chăm lo của tổ chức Công đoàn đối với đoàn viên, người lao động; giúp thanh niên công nhân có hoàn cảnh khó khăn hưởng trọn niềm vui, cuộc sống hạnh phúc của vợ chồng.
Bà Nguyễn Thị Bạch Yến, Chủ tịch Liên đoàn Lao động quận Gò Vấp chia sẻ: Lễ cưới được tổ chức trang trọng, ấm cúng, tràn đầy tình yêu thương bởi những lời chúc phúc từ các cấp ngành, tổ chức doanh nghiệp cùng gia đình người thân, bạn bè đồng nghiệp. Đây cũng là điều khiến cho những người làm công tác tổ chức ấm lòng và hạnh phúc hơn vì đã làm được điều nhiều người luôn mơ ước.
Do xa quê đi làm, nhiều công nhân lao động không có điều kiện tổ chức đám cưới, tạm gác lại niềm vui, hạnh phúc gia đình. Đó cũng là hoàn cảnh của vợ chồng anh Nguyễn Văn Dũng và chị Nguyễn Thị Kim Huyền đã đến với nhau gần 30 năm nhưng chưa một lần mặt áo cưới...
Chị Kim Huyền cho biết ban đầu nghĩ rằng tổ chức lễ cưới tập thể đơn giản, nhưng thực tế, khác rất nhiều, vượt ngoài suy nghĩ của hai vợ chồng. Các anh chị Công đoàn thật chu đáo từ khâu quay phim, chụp ảnh ngoại cảnh đến việc tổ chức tiệc cưới, có thể nói là tuyệt vời. Bản thân mình thật sự hạnh phúc bởi lễ cưới có sự chứng kiến của cha, mẹ, chú, thím, các con cùng bạn bè, đồng nghiệp... đã có mặt chúc phúc cho hai vợ chồng, chị Huyền xúc động cho biết.
Cùng hoàn cảnh, cô dâu Trương Thị Thanh Tuyền và chú rể Nguyễn Văn Tâm càng khó khăn hơn khi người quê ở Đắk lắk, người ở Thanh Hóa gặp nhau trên bước đường mưu sinh ở Thành phố Hồ Chí Minh. Đôi vợ chồng trẻ không ngờ có được đám cưới trang trọng, đủ đầy từ trang phục, tiệc cưới đến nghi lễ cưới.
“Bản thân chúng em lo lắng rất nhiều, nhưng thật không ngờ rất mừng và vui khi có được lễ cưới sang trọng như thế này. Chúng em cám ơn anh chị trong ban tổ chức, Công đoàn, Hội cùng các đơn vị, doanh nghiệp đã hỗ trợ tận tình, chu đáo; vợ chồng em sẽ cố gắng sống thật tốt, luôn yêu thương chăm sóc nhau, chăm chỉ trong lao động để có cuộc sống tốt và ổn định hơn,” đôi vợ chồng trẻ chia sẻ.
Theo Ban tổ chức, toàn bộ lễ cưới tập thể bao gồm: nhẫn cưới, trang phục, trang điểm, trang trí, tiệc cưới, chụp ảnh lưu niệm… đều được tổ chức Công đoàn, Hội Liên hiệp Thanh niên cùng các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tặng các cặp đôi cô dâu chú rể.
Ngoài ra, Liên đoàn Lao động thành phố, Quận ủy-Ủy ban Nhân dân và các tổ chức đoàn thể quận Gò Vấp, Công đoàn và Công ty cổ phần Garmex Sài Gòn, Công ty Cổ phần Đầu tư Long Biên, Ngân hàng Aribank chi nhánh Phan Đình Phùng… còn trao tặng tiền mặt, sổ tiết kiệm, dụng cụ gia đình cùng nhiều phần quà có ý nghĩa cho các cô dâu chú rễ trong ngày cưới.
Theo Ban tổ chức, để tham gia lễ cưới, các cặp đôi phải trong độ tuổi kết hôn, có giấy chứng nhận kết hôn được pháp luật công nhận; không mang bệnh truyền nhiễm, không có quan hệ huyết thống được quy định tại Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2014 và có nguyện vọng tổ chức lễ cưới tập thể./.