Mặn lên sớm, giá tôm cao, có nên thả nuôi tôm sớm?
Năm nay, mặn về sớm và cùng với đó là giá tôm hiện vẫn còn giữ ở mức cao, sẽ là điều kiện kích thích người nuôi tôm tiến hành thả nuôi sớm, nhất là đối tượng tôm thẻ. Tuy nhiên, theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, người nuôi nên thận trọng trong quyết định thời điểm thả nuôi để tránh rủi ro thiệt hại đáng tiếc.
Theo kết quả quan trắc môi trường ngày 27-11 cho thấy, độ mặn tại các điểm đo đã lên sớm hơn cùng kỳ năm 2018 từ 5 - 16‰, chủ yếu tại các khu vực của huyện Trần Đề, Cù Lao Dung và TX. Vĩnh Châu. Cụ thể: tại đầu vàm Trà Niên (điểm giao xã Hòa Đông và Vĩnh Hải) độ mặn được ghi nhận là 10‰, cống Sáu Quế 1 14‰, cống Tầm Vu 6‰, cống Xà Mách 10‰, vàm Ông Tám 5‰, bến đò Nông trường 30-4 là 16‰… Cùng với độ mặn về sớm, giá tôm hiện vẫn giữ ở mức cao, nên tại một số vùng nuôi, nông dân bắt đầu cải tạo ao và thả giống nuôi sớm.
Theo các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu tôm trong tỉnh, sau thời gian tăng mạnh, gần đây, giá tôm thẻ cỡ lớn đã có dấu hiệu chững lại do hầu hết các doanh nghiệp đã thu gom đủ lượng hàng theo hợp đồng đã ký kết. Theo đó, tôm thẻ cỡ từ 15 - 25 con/kg được ghi nhận có mức giảm từ 2.000 - 3.000 đồng/kg, nhưng giá tôm thẻ cỡ vừa và nhỏ lại đang có dấu hiệu tăng, nhất là tôm thẻ cỡ từ 45 - 70 con/kg do nguồn cung không đáp ứng kịp nhu cầu thu mua của các nhà máy. Theo bảng giá tôm thẻ được Công ty Cổ phần Thủy sản Sóc Trăng (Stapimex) công bố ngày 29-11, tôm thẻ loại 45 con/kg có giá từ 138.000 – 150.000 đồng/kg và tôm thẻ loại 70 con/kg giá từ 119.000 – 130.000 đồng/kg, tức tăng khoảng 2.000 đồng/kg so với tuần trước. Riêng tôm thẻ loại 100 con/kg cũng có giá gần 100.000 đồng/kg.
Với những thuận lợi về độ mặn, môi trường và giá tôm như hiện nay, tại một số vùng nuôi, người dân đang tính đến chuyện lấy nước vào thả nuôi sớm để tranh thủ cơ hội. Tuy nhiên, theo ông Võ Văn Phục – Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy sản sạch Việt Nam, vấn đề quan trọng hiện nay là làm sao kiểm soát tốt dịch bệnh trên tôm, nhất là bệnh chậm lớn do vi bào tử trùng (EHP) để đảm bảo thắng lợi cho vụ tôm năm sau. Ông Phục chia sẻ: “Việc thiếu hụt nguồn tôm phục vụ chế biến gần đây có nguyên nhân không nhỏ từ dịch bệnh EHP. Không chỉ gây thiệt hại cho các ao đang nuôi, dịch bệnh này còn gây lo ngại khiến nhiều diện tích, người nuôi không dám thả nuôi, làm sụt giảm nguồn cung ở giai đoạn cuối của mùa vụ. Nếu không có giải pháp phòng trị bệnh EHP sớm và hiệu quả, người nuôi tôm tiếp tục gặp khó và nhiều khả năng sẽ lại thiếu nguyên liệu trong vụ tôm tới”.
Cũng theo ông Phục, bệnh EHP thường phát triển mạnh vào mùa mưa do có nhiều nguồn nước thải đổ ra hệ thống sông, rạch. Hiện bệnh này vẫn chưa có thuốc đặc trị nên một khi chúng bùng phát, người nuôi sẽ bị thua lỗ nặng do tôm ăn nhiều, nhưng chậm lớn, chết từ từ. Ông Phục đặt nghi vấn: “Thật ra bệnh này khả năng đã xuất hiện từ lâu, nhưng do không chết nhanh, chết nhiều nên chúng ta không nhận ra, trong khi từ năm 2015, một số nước đã có hội thảo chuyên đề về giải pháp phòng trị bệnh này”.
...và bắt đầu ương giống thả nuôi vụ mới.
Liên quan đến tình hình bệnh EHP trên tôm, mới đây, tại hội thảo do Công ty Cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam (gọi tắt là CP) tổ chức tại tỉnh Bến Tre, TS. Prakan Chiaratkhongman, một chuyên gia thủy sản cấp cao của Tập đoàn CP cho biết, khi EHP kết hợp với 2 loại vi khuẩn yếm khí dưới đáy ao sẽ gây thêm bệnh phân trắng cho tôm. Dẫn nguồn thông tin kết quả phân tích mẫu bằng phương pháp PCR của TS. Trần Hữu Lộc – Trường Đại học Nông Lâm TP. Hồ Chí Minh trong các tháng 5, 7 và 9, TS. Prakan Chiaratkhongman cho biết tỷ lệ lưu hành EHP tại vùng nuôi tôm Việt Nam bình quân của 3 tháng trên lên đến 70%. Riêng tại tỉnh Bạc Liêu gần như 100% mẫu nước đều có sự hiện diện của EHP.
Nguồn gốc của bệnh EHP theo các nhà khoa học và người nuôi tôm lâu năm chủ yếu là từ con giống và môi trường. Vì vậy, các kiến nghị cho rằng, ngành chức năng cần tăng cường kiểm soát EHP ngay từ khâu nhập khẩu tôm bố mẹ cho đến khâu lưu thông, phân phối tôm post về vùng nuôi để kịp thời ngăn chặn có hiệu quả dịch bệnh này. Mặt khác, cũng cần đưa EHP vào chỉ tiêu quan trắc môi trường, cùng với đó là kiểm soát tốt các nguồn xả thải ra sông, rạch, nhất là nguồn từ các cơ sở chăn nuôi và hướng dẫn người nuôi các biện pháp ngăn ngừa. Còn theo TS. Prakan Chiaratkhongman, việc quản lý nguồn chất thải, nước thải ra môi trường tại các vùng nuôi là đặc biệt quan trọng trong phòng chống EHP. TS. Prakan Chiaratkhongman chia sẻ: “Nếu các trang trại, hộ nuôi tôm thâm canh hoặc nuôi ứng dụng công nghệ cao không có hệ thống ao chứa để xử lý bùn trước khi thải ra môi trường thì nguy cơ EHP bùng phát mạnh trong tương lai sẽ ngày càng cao, người nuôi tôm sẽ gặp rất nhiều khó khăn”.
Trước diễn biến thuận lợi lẫn khó khăn trên, theo Chi cục Thủy sản Sóc Trăng, người nuôi không nên vội lấy nước nuôi tôm mà nên tập trung cải tạo nền đáy ao cho thật kỹ để diệt các mầm bệnh như vi rút, vi khuẩn và vật chủ trung gian như hến, ốc đinh... để vừa cải tạo ao tốt vừa có thời gian ngừng nghỉ để giảm tải cho ao nuôi, cắt vụ, cắt mầm bệnh, thả các loại cá như cá rô phi, cá chẽm, cá trê… để làm sạch ao nuôi, chuẩn bị tốt hơn cho vụ tôm nước lợ sắp tới. Đây là khuyến cáo cần thiết để người nuôi cân nhắc, quan tâm nhiều hơn đến các yếu tố tác động đến tôm nuôi, chứ không chỉ quan tâm mỗi độ mặn và giá cả.