Malaysia đang thu quả ngọt từ chính sách thu hút đầu tư công nghệ cao?
Tập đoàn bán dẫn hàng đầu châu Âu là Infineon, vừa khai trương nhà máy sản xuất chip lớn nhất từ trước đến nay tại Malaysia, đánh dấu chiến thắng cho quốc gia Đông Nam Á, khi họ cố gắng tham gia nhiều hơn vào chuỗi cung ứng hàng điện tử toàn cầu.
Nhà máy tại Kulim khai trương tháng 8/2024 dự kiến sẽ sản xuất chip silicon carbide (SiC) nhiều nhất thế giới, khi đạt công suất tối đa trong năm năm tới.
Infineon đang để mắt đến nhu cầu từ lĩnh vực năng lượng tái tạo và các ứng dụng điện khí hóa, như xe điện và trung tâm dữ liệu trí tuệ nhân tạo.
Tổng giám đốc Infineon, ông Jochen Hanebeck cho biết, sản xuất có thể bắt đầu trước vài tháng so với kế hoạch, một phần nhờ kết nối điện tử của nhà máy này với trung tâm phát triển và sản xuất chính của công ty tại thành phố Villach ở Áo.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim cũng tham dự buổi lễ ra mắt, nhấn mạnh cam kết của Chính phủ trong việc thu hút thêm đầu tư vào chip, cũng như đào tạo lực lượng lao động công nghệ.
“
Sự kiện hôm nay đánh dấu 1 cột mốc quan trọng, để chứng minh rằng, chúng tôi có thể thu hút các khoản đầu tư đẳng cấp thế giới. Chúng tôi đã chuẩn bị nguồn nhân lực từ lâu để đón đầu, nhấn mạnh đến kỹ năng công nghệ và ngoại ngữ. Ngoài ra, các chính sách cũng được hỗ trợ tối đa, từ thủ tục giấy tờ đến bảo vệ môi trường và xuất nhập cảnh.
Thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim
Malaysia hiện là nơi đặt cơ sở sản xuất chip lớn nhất của Infineon tại châu Á, cũng như các hoạt động đóng gói và lắp ráp chip lớn nhất thế giới.
Ông Ng Kok Tiong, phó chủ tịch cấp cao kiêm giám đốc điều hành Infineon Kulim cho biết, Infineon có khoảng 15.000 nhân viên tại Malaysia, nhiều hơn bất kỳ nơi nào trên toàn cầu, bao gồm cả ở Đức – quê hương của công ty.
Là đơn vị dẫn đầu thị trường về chip và vi điều khiển, Infineon đang để mắt đến nhiều loại chất bán dẫn có băng thông rộng, cho các giải pháp điện tử thế hệ tiếp theo, như loại được xây dựng trên kiến trúc SiC và gali nitride (GaN).
Chất bán dẫn băng thông rộng, có khả năng chịu nhiệt độ và điện áp cao hơn, so với loại được chế tạo trên các tấm wafer silicon thông thường.
Chip SiC rất quan trọng với các ứng dụng, như giải pháp sạc xe điện công suất cao và cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo, trong khi chip GaN sở hữu mật độ năng lượng cao, có thể sử dụng làm bộ sạc và bộ chuyển đổi năng lượng.
Ông Raj Kumar, phó chủ tịch cấp cao về công nghệ và R&D tại Infineon Kulim nói với các phóng viên: “So với giải pháp năng lượng dựa trên silicon, thì với SiC, chúng tôi có thể tăng gấp đôi mật độ năng lượng trong cùng một kích thước, hoặc chúng tôi có thể đưa cùng một công suất vào một nửa kích thước.”
Trong năm tài chính 2024, kết thúc vào tháng 9/2024, Infineon dự báo doanh thu ít nhất là 600 triệu euro từ các giải pháp liên quan đến SiC.
Nhu cầu ngày càng tăng về hiệu quả năng lượng và công suất đầu ra, đang thúc đẩy khách hàng mua thiết bị bán dẫn có khoảng cách băng rộng, trong nhiều lĩnh vực khác nhau như xe điện, cơ sở hạ tầng 5G và bộ chuyển đổi năng lượng.
Theo công ty nghiên cứu Gartner, thị trường bán dẫn băng thông rộng dự kiến sẽ đạt 13 tỷ USD vào năm 2028, mở rộng với tốc độ tăng trưởng kép hàng năm là 29,9% từ 2023 đến 2028.
Tuy nhiên, một số giám đốc điều hành trong ngành cho biết, chip SiC cho các giải pháp năng lượng vẫn đắt hơn ba đến bốn lần, so với giải pháp dựa trên silicon. Vật liệu này giòn và khó xử lý, cần được sản xuất trong một quy trình duy nhất ở nhiệt độ lên tới 2.000 độ C. Các chip SiC tiên tiến nhất, chỉ mới bắt đầu chuyển sang nền tảng 8 inch, trong khi các chip xử lý tiên tiến khác đã được chế tạo dựa trên nền tảng wafer 12 inch.
Kế hoạch mở rộng của công ty như Infineon, đã mang lại lợi ích cho Malaysia, nơi chứng kiến sự gia tăng đầu tư trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc lên cao.
Malaysia báo cáo khoản đầu tư nước ngoài kỷ lục là 329,5 tỷ ringgit (tương đương 73,5 tỷ USD) vào năm 2023, tăng hơn 24% so với năm 2022. Quốc gia này cũng đang thu hút đầu tư vào các trung tâm dữ liệu, một trong những phân khúc nóng nhất của ngành công nghệ. Theo Cơ quan Phát triển Đầu tư Malaysia, hơn 45% đầu tư nước ngoài năm 2023, liên quan đến lĩnh vực điện - điện tử, thông tin và truyền thông.
Ông Keat Yap, đồng giám đốc khu vực Châu Á - Thái Bình Dương về hoạt động và hiệu suất tại Kearney, một công ty tư vấn của Hoa Kỳ cho biết, vai trò của Malaysia trong chuỗi cung ứng chip sẽ được mở rộng. Quốc gia này đã thu hút được khoản đầu tư đáng kể, và tự hào có nguồn nhân tài, hệ sinh thái và sự hỗ trợ mạnh mẽ của Chính phủ. Tuy nhiên, sự cạnh tranh để thu hút đầu tư trong lĩnh vực chất bán dẫn rất khốc liệt. Malaysia đối mặt với áp lực phải đạt được mục tiêu đầy tham vọng, đồng thời nắm bắt cơ hội tăng trưởng để duy trì lợi thế cạnh tranh. Nhìn chung, đây là cuộc chạy marathon, không phải chạy nước rút. Hai đến 3 năm tới là thời gian để củng cố vị thế của Malaysia, như trung tâm sản xuất chất bán dẫn nổi bật trên toàn cầu.