Ly hôn vì vợ… xăm chân mày

Anh cho rằng chị tự ý đi xăm chân mày không hỏi ý kiến anh nên vợ chồng mới xảy ra mâu thuẫn dẫn đến ly hôn.

TAND huyện Châu Thành, Bến Tre vừa đưa ra xét xử vụ án ly hôn giữa anh T. và chị C.

Tại tòa, hai anh chị đã trình bày các lý do khiến vợ chồng mâu thuẫn dẫn đến phải ra tòa ly hôn khác nhau hoàn toàn. Ngoài ra, cả anh và chị cũng đều quyết liệt giành để được nuôi con gái bốn tuổi và không cần phải cấp dưỡng. Ai cũng cho rằng chỉ mình mới đủ điều kiện được nuôi con.

Ly hôn vì hở ra là cãi nhau

Chị C. trình bày trong đơn ly hôn của mình rằng chị và chồng là anh T. yêu nhau và tiến hành kết hôn vào đầu năm 2013. vợ chồng chung sống chưa đầy năm thì bắt đầu phát sinh mâu thuẫn.

Chị trình bày giữa chị với anh T. không hợp nhau, tính ý mỗi người một khác, bất đồng quan điểm trong cuộc sống. Vợ chồng hở ra là cãi nhau. Những lúc anh T. nhậu vô còn đánh chị, rồi cầm dao dọa chị, làm tinh thần chị hoang mang lo lắng. Nghĩ tình nghĩa vợ chồng chị cũng khuyên ngăn nhưng anh T. vẫn không thay đổi. Vì vậy đầu năm 2017 chị bỏ về bên mẹ ruột sống.

Trong khoảng thời gian đó, anh T. nhiều lần đến năn nỉ chị quay về nhưng chị cương quyết không quay lại mà quyết định ly hôn với anh T. Chị muốn khi ly hôn được nuôi con gái (sinh tháng 12-2013), con chung của chị với anh T. và không cần phải cấp dưỡng.

Chị trình bày có đủ điều kiện để nuôi con. Hiện chị bán shop quần áo ở TP Vĩnh Long, sáng đi, chiều về khoảng 20 km. Những lúc ấy, con gái được mẹ chị chăm sóc đầy đủ. Công việc của chị tuy có vất vả nhưng có thu nhập ổn định, khoảng 5 triệu đồng/tháng nên đủ điều kiện nuôi con. Và lúc con gái sống với chị, bé luôn vui vẻ, tinh thần thoải mái. Chị còn cho bé học ở trường mầm non gần nhà. Còn lúc ở với anh T. có lần con gái phải nhập viện vì bị bệnh. Về tài sản chung, nợ chung không có nên chị không yêu cầu giải quyết.

Hay rạn nứt tình nghĩa vì cái… chân mày?

Phủ nhận toàn bộ, anh T. cho rằng nguyên nhân mâu thuẫn mà chị C. trình bày hoàn toàn không đúng. Thực sự anh chưa từng cầm dao dọa vợ bao giờ.

Anh T. thừa nhận nguyên nhân vợ chồng mâu thuẫn là do bắt nguồn từ chị C. mà cụ thể là lần chị C. đi xăm chân mày mà không hề hỏi ý kiến anh và cũng không cho anh biết trước. Từ đó vợ chồng phát sinh mâu thuẫn, cự cãi thì chị C. bỏ về bên mẹ ruột. Tuy vậy anh nghĩ vì nghĩa tình chồng vợ nên anh đã nhiều lần đến năn nỉ rước chị về nhưng chị cương quyết không về, lại còn nộp đơn đòi ly hôn với anh.

Theo anh T., nếu vợ đã kiên quyết vậy rồi thì có muốn vợ chồng hòa thuận sum họp trở lại cũng không thể được nên anh đồng ý ly hôn. Tuy nhiên, anh cũng muốn được nuôi con gái và không cần chị C. cấp dưỡng sau khi ly hôn.

Anh T. cũng cho rằng anh có đủ điều kiện về vật chất cũng như tinh thần để nuôi con. Anh trình bày bản thân có nhà riêng, có hơn 1.000 m2 đất trồng dừa đang cho trái ổn định. Công việc làm thêm của anh là ở vựa dừa cũng gần nhà. Thời gian làm việc từ 16 giờ đến 22 giờ, thu nhập khoảng 7 triệu đồng/tháng. Những lúc ấy con gái sẽ do bà nội chăm sóc vì nhà bà nội ngay sát nhà anh. Anh T. cho rằng nếu tòa giải quyết cho anh được nuôi con thì anh có đủ điều kiện vật chất cũng như thời gian chăm sóc con nhiều hơn chị C.

Ai có nhiều thời gian cho con thì được nuôi con

Tại tòa, HĐXX nhận định chị C. vẫn cương quyết muốn ly hôn chồng. Anh T. cũng đồng ý ly hôn với chị C. Điều này cho thấy đời sống hôn nhân giữa chị C. và anh T. không còn hạnh phúc, mục đích hôn nhân không đạt được, quyền và nghĩa vụ của vợ chồng không được đảm bảo. Tại tòa, chị C. cũng cho rằng tình cảm vợ chồng giữa chị với anh T. không thể hàn gắn được nữa. Nếu có chung sống lại với nhau cũng không thể mang lại hạnh phúc cho nhau nên tòa chấp nhận yêu cầu xin ly hôn của chị C.

Về con chung, cả hai đều yêu cầu được nuôi. Tuy nhiên, xét về điều kiện thì anh T. đủ điều kiện hơn chị C. Anh T. có nhà riêng, có đất dừa, có công việc ở vựa dừa cũng ở gần nhà, thời gian làm việc là lúc tối nên ban ngày có thời gian chăm sóc con nhiều hơn so với chị C. Tại tòa, anh T. còn trình bày rằng trong thời gian sống chung, chị C. hằng ngày đi bán quần áo lưu động khắp nơi tại các chợ. Thời gian đó, anh là người trực tiếp chăm sóc con và làm công việc nhà.

Như vậy, xét về điều kiện nuôi con của cả hai như đã trình bày thì việc giao con cho anh T. nuôi là phù hợp nên yêu cầu của anh T. được tòa chấp nhận.

Việc trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con sau khi ly hôn

1. Sau khi ly hôn, cha mẹ vẫn có quyền, nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên, con đã thành niên mất năng lực hành vi dân sự hoặc không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình theo quy định của luật này, Bộ luật Dân sự và các luật khác có liên quan.

2. Vợ, chồng thỏa thuận về người trực tiếp nuôi con, nghĩa vụ, quyền của mỗi bên sau khi ly hôn đối với con; trường hợp không thỏa thuận được thì tòa án quyết định giao con cho một bên trực tiếp nuôi căn cứ vào quyền lợi về mọi mặt của con; nếu con từ đủ bảy tuổi trở lên thì phải xem xét nguyện vọng của con.

3. Con dưới 36 tháng tuổi được giao cho mẹ trực tiếp nuôi, trừ trường hợp người mẹ không đủ điều kiện để trực tiếp trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con hoặc cha mẹ có thỏa thuận khác phù hợp với lợi ích của con.

(Điều 81 Luật Hôn nhân và gia đình 2014 có hiệu lực từ ngày 1-1-2015)

VĂN TÂM

Nguồn PLO: http://plo.vn/phap-luat/ly-hon-vi-vo-xam-chan-may-745859.html