Lý giải Truyện Kiều bằng… ngôn ngữ ballet

'Truyện Kiều' được đưa lên sân khấu ballet với kỳ vọng sẽ trở thành vở ballet nổi tiếng của Việt Nam.

Các nghệ sĩ tập luyện cho vở ballet Kiều

Các nghệ sĩ tập luyện cho vở ballet Kiều

“Truyện Kiều” từng được chuyển thể trên nhiều sân khấu với các loại hình nghệ thuật, nhưng lần đầu tiên, tác phẩm văn học này được đưa lên sân khấu ballet với kỳ vọng sẽ trở thành vở ballet nổi tiếng của Việt Nam.

Ba năm “cháy” 90 phút

Sau khi hoàn thành vở múa đương đại “Con tạo xoay” vào năm 2014 và nhận được nhiều đánh giá cao, NSƯT - biên đạo Tuyết Minh đã nghĩ tới việc lý giải “Truyện Kiều” bằng ngôn ngữ ballet. Suốt những năm qua, chị bắt tay nghiên cứu, chuyển thể tác phẩm của Đại thi hào Nguyễn Du và đến năm 2017, kịch bản Kiều trên sân khấu ballet đã được hoàn thành. Đối với biên đạo Tuyết Minh, một tác phẩm thơ như “Truyện Kiều” mang tới nhiều điều thuận lợi khi chuyển thể sang ngôn ngữ múa, vì thơ vốn giàu hình ảnh và ý. Hơn nữa, tác phẩm rất rõ ràng về nội dung và các tuyến nhân vật, tính cách đặc trưng của từng nhân vật. Trong khi đó, với nghệ thuật múa, điều quan trọng nhất là thể hiện được tính cách của nhân vật và nêu được ý nghĩa muốn truyền tải.

Sau khi xong kịch bản, nữ nghệ sĩ bắt đầu âm thầm tập hợp ê-kíp và tiến hành chuẩn bị cho sự ra đời của ballet Kiều. Với 3 hồi, 15 cảnh, nội dung vở diễn sẽ khắc họa hình ảnh 3 lần Kiều gặp hồn ma Đạm Tiên và diễn biến của toàn bộ vở được ước lệ xoay quanh 4 lần Kiều đánh đàn. Để có thể tạo nên những tiếng đàn nhiều cung bậc cảm xúc, hai nhạc sĩ Việt Anh và Chinh Ba phải mất nhiều thời gian nghiên cứu, sáng tạo cho phần âm nhạc. Theo đó, âm nhạc của ballet Kiều sẽ là sự kết hợp giữa nhạc giao hưởng cổ điển và âm nhạc truyền thống như ca trù, xẩm, chèo…

Bên cạnh đó, thiết kế sân khấu cũng được chú trọng để bắt mắt nhất về mặt thị giác. Sân khấu có sự kết hợp giữa bài trí, phông cảnh, décor sân khấu đi theo ý đồ của tác phẩm và có sử dụng công nghệ hologram để bổ trợ cho phần hiệu ứng. Mặc dù, chi phí để thuê công nghệ rất đắt đỏ, nhưng công nghệ không được tận dụng trong toàn vở diễn mà chỉ dùng ở hai phân cảnh đặc biệt là Kiều trầm mình xuống sông Tiền Đường và gặp hồn ma Đạm Tiên. Việc hạn chế sử dụng công nghệ nhằm tạo được hiệu quả chung và không phá đi chất bác học của tác phẩm.

Mặc dù đây là vở diễn do Hội Nghệ sĩ múa Việt Nam chỉ đạo nội dung, nhưng được biết kinh phí cho vở diễn khá tiết kiệm. Không tiết lộ cụ thể về con số kinh phí đầu tư, nhưng theo biên đạo Tuyết Minh chi phí cho ballet Kiều chỉ bằng 1/3 kinh phí các vở diễn mang tính nghệ thuật cao mà Nhà nước thường đặt hàng. Nhiều khi, chi phí được cấp không đủ cho các nghệ sĩ di chuyển từ Hà Nội, Đà Nẵng… vào TP HCM để tập luyện. Tuy nhiên, điều đó không làm các nghệ sĩ nản chí. Họ vẫn dành tâm huyết, quyết tâm để mang tới một tác phẩm có giá trị nghệ thuật, muốn cống hiến để người xem có thể nhìn lại những giá trị tinh thần, cốt lõi của người Việt Nam.

Vở diễn cũng không có nhà tài trợ. “Toàn bộ kinh phí đưa vở diễn ra ngoài Bắc vào tháng 8/2020 đều do tôi bỏ tiền túi, còn diễn trong TP HCM đã có Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TP HCM lo liệu”, NSƯT Tuyết Minh - Tổng đạo diễn vở ballet chia sẻ. Chị cũng khẳng định, lần này sẽ không phát vé mời mà quyết tâm bán vé để đo khán giả, tìm hướng đi cho những vở diễn nghệ thuật lớn trong tương lai.

“Chơi khó” diễn viên

Thiết kế sân khấu cũng được chú trọng để bắt mắt nhất về mặt thị giác

Thiết kế sân khấu cũng được chú trọng để bắt mắt nhất về mặt thị giác

Đối với hầu hết mọi người, nhân vật Kiều trong “Truyện Kiều” là một đại mỹ nhân với vẻ đẹp “sắc sảo mặn mà” hay “hoa ghen thua thắm liễu hờn kém xanh”. Tuy nhiên, trong vở ballet Kiều lại không chú trọng điều này.

Lý giải về điều này, nghệ sĩ Tuyết Minh cho biết, cái đẹp của múa là chuyển động cơ thể của diễn viên và động tác. Ngoài ra, cái đẹp mà Đại thi hào Nguyễn Du muốn gửi gắm trong tác phẩm không chỉ là vẻ bề ngoài mà là tâm hồn, sự thanh khiết, cốt cách tinh thần và sự nỗ lực vượt qua những éo le trong cuộc sống. Do đó, đảm nhận vai Thúy Kiều là NSƯT Hoàng Yến - nghệ sĩ có kinh nghiệm từng tham gia biểu diễn với vai trò soloist trong các tác phẩm ballet và múa đương đại của HBSO như: Hồ Thiên Nga, Carmen, Cô bé lọ lem, Cô bé búp bê, Kẹp hạt dẻ… Cô được đánh giá là người có cơ thể đẹp, kỹ thuật múa quy chuẩn và đang ở độ chín trong nghề.

Cùng đó, vở có hai nhân vật đặc biệt là nam đóng vai nữ. Nam diễn viên múa Minh Tâm vào vai bóng ma Đạm Tiên - một bóng ma được cách điệu hóa và thể hiện trên giày mũi cứng. Như vậy, Minh Tâm có thể là nam vũ công đầu tiên của Việt Nam múa trên giày mũi cứng. Một người khác là Sùng A Lùng - diễn viên múa người H’Mông diễn hai vai là vai người dẫn chuyện và vai Tú Bà. Tú Bà trong vở ballet này không chỉ là một người đàn bà trong lầu xanh, mà còn đại diện cho một thế lực mua vui trên thân xác những người phụ nữ.

Đối với Sùng A Lùng, đây là một thách thức không nhỏ. Anh tâm sự từ khi nhận kịch bản tới nay, anh vẫn phải dày công tập luyện từng ngày. Mỗi khi về nhà, anh đều nhìn vào gương rèn từng nét mặt, động tác biểu diễn cho giống một nữ giới ở lầu xanh.

“Tôi từng nghĩ mình không làm được vai diễn này, nhưng đạo diễn và các bạn diễn đều động viên tôi cố gắng. Tôi phải uốn éo lại cơ thể, có thể dù không phải quá điệu đà nhưng phải toát lên được dáng vẻ và phẩm chất gian ác của Tú Bà. Tôi nghĩ mình sẽ làm được, cho tới ngày công diễn vở”, Sùng A Lùng tâm sự. Anh cũng khẳng định, bản thân không ngại bị so sánh với những mẫu Tú Bà trong các phiên bản sân khấu khác vì ballet Kiều là một phiên bản loại hình nghệ thuật hoàn toàn khác.

Hồ An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/ly-giai-truyen-kieu-bang-ngon-ngu-ballet-d467335.html