Lý giải nguồn cơn cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng ở Ecuador

Bạo loạn tại Ecuador tăng đột biến trong tuần qua buộc Tổng thống Daniel Noboa phải ban bố tình trạng khẩn cấp trong 60 ngày, đồng thời liệt kê 22 băng nhóm khủng bố và cử quân đội trấn áp. Cuộc khủng hoảng an ninh nghiêm trọng này cho thấy thách thức mà Chính phủ Ecuador phải đối mặt khi tội phạm có tổ chức hoành hành vượt quyền kiểm soát.

Cảnh sát đứng gác bên ngoài nhà tù Turi, thành phố Cuenca, phía Nam Ecuador - nơi nhiều nhân viên trại giam đang bị bắt giữ làm con tin

Trại giam “tự trị”

Hai trại giam có tên Penitenciaria del Litoral và Khu Vực nằm trong cùng một khu nhà ở thành phố ven biển Guayaquil. Đây là những nhà tù đông phạm nhân nhất Ecuador giam giữ khoảng 10.000 người (chiếm hơn 1/4 tổng số tù nhân của quốc gia Nam Mỹ này). Tuy nhiên, những kẻ bị kết án lại đang nắm quyền kiểm soát. Họ không chỉ điều hành 15 đơn vị bên trong nhà tù mà còn kiểm soát hoạt động buôn bán ma túy và tội phạm có tổ chức diễn ra ở bên ngoài. Chính họ là người quyết định ai được vào, ai không, thậm chí còn có chìa khóa phòng giam của riêng mình. Bất cứ ai đi ngang qua đường chính đều có thể nhìn thấy hoạt động đang diễn ra ở trại giam Khu Vực vì cách bố trí lộ thiên. Các sĩ quan cảnh sát và quân nhân đang canh gác vòng an ninh đầu tiên ở lối vào cũng vậy. Nhưng nhìn vậy mà không phải vậy. “Nhà tù là thành phố do tù nhân điều hành. Họ có công việc kinh doanh riêng” - một sĩ quan cảnh sát từng làm việc ở cả 2 nhà tù thừa nhận.

Trong trại Khu Vực, ngay từ cửa đã có các gian hàng phục vụ gà nướng và xe bán đồ ăn. Đây là những doanh nghiệp nuôi dưỡng cấu trúc bên trong. Câu hỏi là làm thế nào mà những con gà, xe chở thức ăn, bình gas, vũ khí, đạn dược, bom, ma túy và rượu, gần như mọi thứ bị cấm lại lọt vào đây? Đó chính là sự tham nhũng có hệ thống do cơ quan chính phủ điều hành. Nhà nước bỏ bê hệ thống nhà tù trong nhiều năm cũng như không có chính sách hình sự toàn diện nên dẫn đến sự “tự trị” trong các cơ sở giam giữ này.

Mỗi nhà tù sẽ có một người quản lý, người này sẽ báo cáo với thủ lĩnh băng nhóm. Ví dụ, ông trùm Jose Adolfo Macias (hay còn gọi là Fito, thủ lĩnh băng Los Choneros ở trại Khu Vực) không nhất thiết phải tìm hiểu chuyện gì đang xảy ra ở một trong những gian hàng của trại Penitenciaria. Lý do là bởi những kẻ cầm đầu băng nhóm hay cộng tác với băng Los Choneros trong mỗi gian hàng đã thông báo cho ông ta.

Mỗi phòng giam có kích thước 2 x 2m, có thể chứa từ 1 đến 8 hoặc 10 người, tùy thuộc vào số tiền họ có thể trả. Nếu muốn có phòng tốt, những kẻ buôn bán ma túy phải trả tới 1.500 USD/tháng, những phòng giam đó thậm chí còn có máy điều hòa. Nếu chọn phòng giam 2 giường tầng dành cho 4 người thì trung bình mỗi tù nhân có thể phải trả khoảng 300 USD/tháng. Nguồn tin cảnh sát cho biết: “Ai không trả tiền sẽ phải ngủ trên sàn nhà”. Các gian hàng kinh doanh có thể phải nộp 20.000 USD/tháng. Do đó, xung đột giữa các băng nhóm tội phạm chủ yếu là tranh giành quyền kiểm soát các gian hàng và phòng giam.

Các nhà tù nói trên nằm dưới sự quản lý của 7 băng nhóm tội phạm, nổi bật nhất là băng Los Choneros ở trại Khu Vực. Tại Penitenciaria, 12 tòa nhà đã được phân chia cho các băng nhóm Chone Killers, Aguilas, Fatales, Latin Kings, Lobos, Tiguerones và Mafia. Chính nơi đây đã châm ngòi cho vụ thảm sát trong nhà tù đầu tiên vào ngày 23-2-2021, nơi 79 tù nhân bị chặt đầu. Đó là sự khởi đầu của một cuộc khủng hoảng an ninh đã leo thang dữ dội, gây khó khăn cho 3 chính quyền liên tiếp ở Ecuador mà không chính phủ nào giành lại được quyền kiểm soát bên trong các nhà tù. Khi chính quyền Ecuador nhận ra ông trùm Fito đã mất tích thì cũng là lúc thủ lĩnh của các tập đoàn tội phạm thách thức chính phủ của Tổng thống Daniel Noboa bằng làn sóng tấn công bắt đầu vào ngày 7-1.

Các binh sĩ tuần tra tại một khu chợ ngoài trời ở Portoviejo, Ecuador, hôm 11-1-2023

Ông trùm Fito là ai?

Fito (44 tuổi, đang thụ án 34 năm tù về tội buôn bán ma túy và giết người, là tội phạm khét tiếng nhất Ecuador) đã biến mất khỏi phòng giam hôm 7-1, chỉ vài giờ trước khi hắn được chuyển đến một cơ sở an ninh tối đa. Với tai mắt nằm rải rác trong chính phủ và cơ quan cảnh sát quốc gia Ecuador, Fito đã được báo trước về việc chuyển đổi này và… mất tích.

Tiến sĩ John Henry Murdy ở Đại học Chicago (người đang nghiên cứu về các băng đảng và nhà tù Ecuador) cho biết, Fito đã điều hành băng đảng của mình từ phía sau song sắt và được các tù nhân có trang bị súng trường bảo vệ. Phải nói thêm rằng, tại khu trại giam, Fito còn xây dựng một hồ bơi và đưa bạn gái vào sống 1 tuần. Thậm chí ông trùm này còn xuất hiện trong video ca nhạc do cô con gái biểu diễn. Trong video âm nhạc đó, Fito có vẻ hơi thừa cân - một dấu hiệu cho thấy tên tội phạm khét tiếng nhất Ecuador không giống phạm nhân thông thường. Chính quyền Ecuador không loại trừ khả năng ông trùm vẫn đang trốn ở đâu đó trong nhà tù Guayaquil, sau khi Tổng thống ban bố tình trạng quân sự vào ngày 9-1.

Đáng nói, Fito có liên quan đến tập đoàn ma túy Sinaloa của Mexico và đã từng gây chú ý hồi tháng 8 năm ngoái khi ứng cử viên Tổng thống Fernando Villavicencio bị ám sát. Theo đó, trước khi bị sát hại, chính ứng viên tổng thống đã cho hay, Fito đe dọa ông là sẽ khó bảo toàn tính mạng nếu tiếp tục nhắc đến băng nhóm của hắn.

Theo giới chuyên gia, Fito buôn bán cocaine và kiếm được hàng triệu USD từ vận chuyển ma túy, bắt cóc tống tiền. Hoạt động của băng nhóm Los Choneros nghe có vẻ giống với các băng đảng Mexico và Colombia trong những năm 1980 - 1990. Ông Ernesto Castaneda - Giám đốc nghiên cứu Mỹ Latinh tại Đại học Mỹ cho biết, Ecuador đã trở thành điểm dừng ngày càng quan trọng đối với những kẻ buôn bán ma túy từ Nam Mỹ.

Binh sĩ Ecuador kiểm soát nhà tù Khu 8, bang Guayaquil, sau khi Tổng thống Ecuador Daniel Noboa ban bố tình trạng khẩn cấp kéo dài 60 ngày

Ứng phó với làn sóng bạo lực mới

Các băng nhóm tội phạm chính của Ecuador đang tranh giành quyền kiểm soát các tuyến vận chuyển ma túy và gây chiến với chính quyền, gieo rắc nỗi kinh hoàng trên khắp đất nước. Đặc biệt, bạo lực tại Ecuador tăng đột biến trong tuần qua, bao gồm vụ tấn công đài truyền hình, các vụ nổ không rõ nguyên nhân ở nhiều thành phố và vụ bắt cóc các sĩ quan cảnh sát trên cả nước. Kể từ ngày 9-1, 158 giám thị và 20 nhân viên hành chính đã bị bắt làm con tin tại ít nhất 7 nhà tù. Hiện Ecuador chỉ có khoảng 2.600 giám thị trên toàn quốc để quản lý 32.000 tù nhân, chưa tính các trung tâm giam giữ thanh thiếu niên.

Giáo sư Benjamin Lessing tại Đại học Chicago cho rằng, hoạt động công khai của các băng đảng tội phạm Ecuador là hình thức “vận động hành lang bạo lực” - thứ được thực hiện để gửi thông điệp tới những người nắm quyền. Trong trường hợp này là Tổng thống Daniel Noboa, người đã lên tiếng chống lại các tập đoàn tội phạm và công khai đề nghị dỡ bỏ lệnh cấm dẫn độ. Bạo lực đã leo thang đến mức Tổng thống Daniel Noboa (mới nhậm chức cuối tháng 11-2023) đã phải thừa nhận sự tồn tại của cuộc “xung đột vũ trang nội bộ”. Đất nước 18 triệu dân ở Nam Mỹ này hiện có lệnh giới nghiêm vô thời hạn từ 23h hôm trước đến 5h sáng hôm sau. Phương tiện truyền thông địa phương cho biết, binh sĩ đang giành quyền kiểm soát các trung tâm của 2 thành phố lớn nhất là Quito và Guayaquil.

Trong thông cáo phát đi hôm 12-1, Văn phòng Tổng thống cho biết, Ecuador sẽ xây thêm các trại giam có chế độ an ninh tối đa để giam giữ ít nhất 700 thủ lĩnh băng đảng. Việc xây dựng các cơ sở này “là bước khởi đầu cho quá trình tái thiết khẩn cấp hệ thống nhà tù”, đồng thời củng cố hệ thống luật pháp cứng rắn hơn, thẩm phán trung thực và khả năng dẫn độ tội phạm bị truy nã ra nước ngoài cũng là điều cần thiết. Đáng nói, tình trạng khẩn cấp do Tổng thống Daniel Noboa ban hành tuần qua trong nỗ lực trấn áp tội phạm có tổ chức không phải là lần đầu tiên. Cựu Tổng thống Guillermo Lasso đã áp dụng biện pháp tương tự 20 lần chỉ trong 2,5 năm cầm quyền.

Cuộc khủng hoảng an ninh ở Ecuador có dấu hiệu xấu đi trong thời kỳ đại dịch Covid-19, khi các băng nhóm tội phạm nổi lên với sự tiếp tay của các băng đảng Sinaloa và CJNG của Mexico. Mục tiêu của chúng là giành quyền kiểm soát khu vực đô thị Guayaquil - thành phố đông dân nhất và là cảng quan trọng cho các tuyến buôn lậu ma túy quốc tế vốn bắt nguồn từ các khu rừng rậm ở Colombia tới Mỹ và châu Âu.

Theo El Pais/Daily Beast

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/ly-giai-nguon-con-cuoc-khung-hoang-an-ninh-nghiem-trong-o-ecuador-post564257.antd