'Lưỡng quốc nguyên soái' Konstantin Rokossovsky (1896-1968): Dũng mãnh và hào hoa

Không phải nguyên soái Georgi Zhukov mà chính ông mới được coi như 'gương trăng vằng vặc' trên bầu trời của các dũng tướng thời Xôviết. Những người lính dưới quyền ông đã không chỉ kính trọng mà còn rất yêu quý ông. Khi ông gặp nạn oan uổng phải sa vào vòng lao lý, ông không hề lỡ một lời khai nào để những người khác vô tội mà phải liên lụy.

Sau Chiến tranh thế giới thứ hai, khi có không ít quân nhân cấp cao Xôviết chở chiến lợi phẩm ùn ùn về từ nước Đức, ông đã không tơ hào bất cứ thứ gì. Và khi thế sự đổi dời trong Điện Kremlin, ông cũng đã không xoay theo chiều gió để lấy lòng các nhà lãnh đạo mới mà sàm ngôn đối với những lãnh tụ cũ. Ông là Konstantin Rokossovsky, nguyên soái Liên Xô từ năm 1944 và nguyên soái Ba Lan từ năm 1949.

Nhà quý tộc cần lao

Theo những gì Rokossovsky tự khai tháng 4-1940, cha ông là lái xe lửa người Ba Lan, còn mẹ ông là một cô giáo tiếng Nga người Belarus. Một mẫu lý lịch vô sản điển hình cho những vị tướng. Thực ra, cha ông là quan thanh tra ngành đường sắt, xuất thân từ một dòng họ quý tộc Ba Lan…

Cậu bé Konstantin sớm phải mồ côi: cha mất năm 1902, mẹ mất năm 1911. Vị nguyên soái tương lai từng học trong một trường dạy nghề, từng làm thợ phụ trong xưởng bánh kẹo, từng giúp việc cho bác sĩ nha khoa và thậm chí còn làm thợ đẽo đá giúp cho một ông chú là nhà điêu khắc ở Warsaw. Khi Chiến tranh thế giới lần thứ nhất bùng nổ, Konstantin đã gia nhập quân đội Sa hoàng và mau chóng lập được những chiến công để được nhận nhiều huân chương. Năm 1917, Rokossovsky đã chuyển sang Hồng quân, tích cực chiến đấu trong nội chiến và đã được tặng hai Huân chương Cờ đỏ. Năng lực của Rokossovsky đã được thể hiện xuất sắc ở mọi cương vị và tới năm 1935, khi trong Hồng quân bắt đầu đặt ra chế độ cấp bậc, ông đã được phong làm sư trưởng. Hai năm sau, ông trở thành tư lệnh quân đoàn kỵ binh số 5 đóng ở Pskov. Tới tháng 8-1937, vì bị một đơn thư vu khống nên vị chỉ huy đang lên như diều gặp gió Rokossovsky đã bị bắt với lời buộc tội có liên lạc với tình báo Ba Lan và Nhật Bản.

Theo tài liệu của các nhà sử học, ông đã bị đánh đập một cách dã man, thậm chí bị dọa tử hình, nhưng đã kiên định không khai ra những lời “ăn không nói có” để làm liên lụy tới những người vô tội. Rốt cuộc là tới ngày 22-3-1940, Rokossovsky đã được trả lại tự do và được phục chức.

Cũng trong năm 1940, ông thậm chí còn được phong quân hàm Thiếu tướng. Ông được cử làm tư lệnh quân đoàn cơ giới số 9 ở Novograd-Volynsk tại quân khu đặc biệt Kiev. Một ngày trước khi quân đội phát xít Đức tấn công Liên Xô, ngày 21-6- 1941, Thiếu tướng Rokossovsky đã tiến hành họp phân tích các buổi tập trận đêm và sau đó, mời các chỉ huy sư đoàn cùng đi câu cá vào lúc bình minh.

Trong cuốn sách “Hồi ký không kiểm duyệt”, Rokossovsky viết: “Buổi tối (21-6-1941), có ai đó từ bộ tham mưu của chúng tôi nhận được thông báo theo đường liên lạc của bộ đội biên phòng về việc một binh nhất của quân đội Đức, một người gốc Ba Lan, đã đào ngũ sang và nói rằng, ngày 22-6, lính Đức sẽ tấn công Liên Xô. Thế là tôi quyết định bãi bỏ kế hoạch đi câu cá. Và gọi điện thoại cho các chỉ huy sư đoàn, chia sẻ thông tin đã nhận được từ bộ đội biên phòng. Chúng tôi đã bàn bạc với nhau cả ở bộ tham mưu. Và quyết định sẵn sàng đối phó…”.

Và Tướng Rokossovsky đã ứng phó rất hiệu quả trong những điều kiện vô cùng khó khăn của giai đoạn đầu chiến tranh, thể hiện rõ tầm cao tư duy và hành động thực tế của một nhà cầm quân lỗi lạc… Nhờ những đóng góp quan trọng trong việc bảo vệ thủ đô Moscow, Tướng Rokosovsky đã được tặng Huân chương Lenin. Năm 1942, ông đã bị thương nặng nên đã phải vào chữa trị tại quân y viện đặt ở học viện nông nghiệp mang tên Timiryazev, Moscow… Trong trận Stalingrad, Tư lệnh Rokosovsky đã chỉ huy phương diện quân Sông Đông tác chiến thắng lợi, phá tan tập đoàn quân số 6 của thống chế Đức Friedrich Paulus, dẫn đến chiến thắng quan trọng bậc nhất của Liên Xô trongcuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại. Ông cũng đã hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ trong những chiến dịch quan trọng tiếp theo của Hồng quân và dược phong hàm Nguyên soái ngày 29-6-1944…

Cuối tháng 4-1945, lực lượng Hồng quân do Nguyên soái Rokossovsky chỉ huy đã có mặt trong đoàn quân của Đồng Minh tiến vào Berlin, phá tan chế độ phát xít Hitler.

Chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, Nguyên soái Rokossovsky đã được chọn làm người chỉ huy lễ duyệt binh mừng chiến thắng ngày 24-5-1945 tại Quảng trường Đỏ, Moscow… Sau đó, ông lại tiếp tục là tư lệnh các lực lượng vũ trang Xôviết đóng tại Ba Lan. Khi chính phủ của những người cộng sản được thành lập ở Ba Lan tháng 10-1949, Rokossovsky được cử làm Bộ trưởng Quốc phòng Ba Lan, đồng thời cũng được phong quân hàm nguyên soái của nước cộng hòa. Tới năm 1952, ông trở thành Phó chủ tịch Hội đồng bộ trưởng Ba Lan. Tuy nhiên, trái tim ông vẫn luôn hướng về đất nước Xôviết mà ông đã gắn bó từ tuổi niên thiếu.

Năm 1956, Rokossovsky rời Warsaw về Moscow giữ chức Thứ trưởng Quốc phòng Liên Xô và Tư lệnh quân khu Ngoại Kavkaz. Mặc dù nhà lãnh đạo Liên Xô lúc đó là Nikiata Khrushchev rất muốn ông đưa ra những nhận xét tiêu cực về lãnh tụ Stalin nhưng ông vẫn rất mực bộc lộ thái độ kính trọng đúng mực đối với người đã đưa Liên bang Xôviết tới chiến thắng trong cuộc Chiến tranh thế giới lần thứ hai (Cũng cần phảinói rằng, trong bối cảnh chính trị phức tạp của Liên Xô thời đó, ngay cả Nguyên soái Zhukov cũng đã có những thời điểm không giữ được đúng mình và đã hùa theo thời cuộc để bôi lem lãnh tụ Stalin). Năm 1958, Rokossovsky bị đưa sang làm tổng thanh tra Bộ Quốc phòng rồi nghỉ hưu từ tháng 4-1962.

Nguyên soái Rokossovsky mất ngày 3- 8-1968 và được mai táng tại chân tường của Điện Kremlin.

Vị nguyên soái hào hoa

Là một người hào hoa, Nguyên soái Rokossovsky luôn là hình ảnh lý tưởng trong con mắt của mọi phụ nữ được tiếp cận gần với ông. Và chính vì thế nên đã xuất hiện nhiều câu chuyện gần như huyền thoại về các mối tình của ông trong chiến tranh. Cho đến nay ở Nga vẫn lưu truyền huyền thoại về mối quan hệ của Rokossovsky với nữ diễn viên Valentina Serova, người từng là nàng thơ của tác giả “Đợi anh về” Konstantin Simonov. Theo đó, đầu xuân năm 1942, nghệ sĩ kịch Serova đã tham gia đội văn nghệ cơ động biểu diễn cho các thương bệnh binh đang chạy chữa tại quân y viện dã chiến nằm trong Học viện Nông nghiệp ở Moskva. Và chị đã gặp bệnh binh Rokossovsky ở đó.

Các tin đồn cho rằng, giữa hai người đã bùng nổ cơn sóng tình yêu. Nhưng nếu vị nguyên soái tương lai dù si tình nhưng vẫn điềm tĩnh vì biết mình là “phương diện quốc gia” thì nữ nghệ sĩ đã đắm vào biển tình đến mức sẵn sàng vứt bỏ tất cả mọi sự trên đời để đi theo người yêu. Trong thời chiến, các chuyện tình ngoài luồng của các sĩ quan cao cấp không phải là chuyện hiếm và rất dễ được Điện Kremlin bỏ qua, nhưng mối quan hệ giữa cô nghệ sĩ nổi tiếng với Rokossovsky đã trở thành một chủ đề nhạy cảm thời đó vì nhân vật nữ chính ở đây lại là biểu tượng của tình yêu và lòng chung thủy, dù không chính thức nhưng vẫn là vợ của một nhà thơ lừng lẫy…

Nữ nghệ sĩ I. Makarova nhớ lại: “Pavel Shpringfeld, bạn diễn lâu năm của chị ở nhà hát TRAM và trong phim “Trái tim bốn người”, đã kể rằng, một lần, Valentina Serova đánh cuộc với anh là, đúng 5 giờ chiều, sẽ có một xe hơi ZIM dành cho cán bộ cấp cao dừng lại dưới cửa sổ nhà chị và sẽ có một quân nhân bước ra, đứng nghiêm tại đó mấy phút. Nói xong, chị kéo mành cửa và Pavel nhìn thấy có một xe hơi tiến tới rồi một người đàn ông cao lớn đường bệ bước ra. Và đúng như Valentina Serova đã nói, người đàn ông này đã đứng nghiêm nhìn lên cửa sổ nhà chị. Pavel kịp nhận ra đôi quân hàm nguyên soái trên vai người đàn ông và đôi mắt buồn bã của ông dưới vành mũ kê pi. Đó chính là Konstantin Rokossovsky!”. Mối tình giữa hai người chỉ kết thúc khi Rokossovsky chuyển công tác sang Ba Lan làm Bộ trưởng Quốc phòng…

Ở lại Moskva, Valentina Serova đã buộc phải quên đi người tình trong mộng…

Bất chấp những đồn đại như thế, Rokossovsky vẫn luôn được gia đình ông đánh giá là người yêu vợ thương con. Mãi tới cuối những năm 2000, xã hội Nga mới biết được là ngoài người vợ chính thức, trong chiến tranh, Nguyên soái Rocossovsky còn có “người bạn gái chiến trường”. Đó là bác sĩ quân y Galina Talatova, người đã sinh cho ông một người con gái. Chính nữ bác sĩ quân y này đã theo các nẻo đường chiến dịch tới tận Berlin. Khi chiến tranh kết thúc, Rokossovsky đã quay lại với người vợ chính thức và cô con gái Ada của mình.

Sau này, Galina Talantova tâm sự, ngay từ đầu, bà đã hiểu rằng câu chuyện tình của họ không thể nào có một kết cục suôn sẻ. Ở thời điểm đó cũng có nhiều người đàn ông yêu thương bà. Và sau chiến tranh, bà đã trở thành vợ phi công thử nghiệm Kudryatsev. Hai vợ chồng có một cô con gái. Gia đình chuyển về sống ở vùng ven Baltik. Tuy nhiên, hạnh phúc của họ đã không được dài lâu: Kudryatsev đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ. Người vợ góa trở về Moscow, làm việc trong quân y viện mang tên Burdenko. Đã có không ít người đàn ông tỏ tình với Talantova nhưng bà đã không tái giá thêm lần nào nữa.

Con gái của Nguyên soái Rokossovsky với bà Talantova, bà Nadezhda Konstantinovna, là giảng viên ở Học viện Ngoại giao Moscow (MGIMO). Sau khi lấy chồng là nhà báo Aleksandr Urban, bà đã đổi sang họ chồng. Tuy nhiên, sau đó, bà đã quyết định quay trở về với họ của cha đẻ.

Các cháu ngoại chính thức của Nguyên soái Rokossovsky cũng đã hành động như thế: hai người con trai của bà Ada là Konstantin và Pavel khi trưởng thành cũng lấy họ của mình là họ của ông ngoại. Theo báo chí Nga, bà Nadezhda và hai người cháu ngoại của Rokossovsky đã làm quen với nhau 20 năm sau khi ông qua đời, vào năm 1988 và từ đó đã duy trì quan hệ tốt đẹp với nhau…

Hồng Thanh Quang

Nguồn ANTG: https://antgct.cand.com.vn/nhan-vat/luong-quoc-nguyen-soai-konstantin-rokossovsky-1896-1968-dung-manh-va-hao-hoa-i668869/