Lùng nhùng chuyện tranh chấp đất đai ở Thượng Yên Công

Cho rằng chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm trong giải quyết tranh chấp đất đai của gia đình, ông Nguyễn Văn Thái, trú tại thôn Nam Mẫu I, xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí, đã phản ánh đến Trung tâm Truyền thông tỉnh.

Theo phản ánh của người dân, chính quyền địa phương không có biện pháp kiên quyết nên hộ ông Đôn đã xây dựng công trình đưa vào sử dụng trên phần đất đang có tranh chấp.

Theo phản ánh của ông Thái, năm 2009 ông mua đất của bà Thủy, được UBND TX Uông Bí (nay là TP Uông Bí) cấp GCNQSDĐ với diện tích 330,7m2, chiều rộng của thửa đất là 10m. Sau đó ông xây dựng nhà ở trên một phần diện tích với chiều rộng 5m kéo dài hết thửa đất. Phần diện tích còn lại với chiều rộng 5m (giáp với phần đất nhà ông Trương Quý Đôn) gia đình dự tính chuyển nhượng, lấy vốn phát triển kinh tế, tuy nhiên phần diện tích này hiện đang phát sinh tranh chấp ranh giới với hộ ông Đôn.

Ông Thái cho biết: “Xã đã tiến hành làm việc 3 lần xác định ranh giới giữa hai gia đình. Lần đầu ranh giới đều xác định đúng, đủ diện tích gia đình tôi được cấp GCNQSDĐ, nhưng hộ ông Đôn không chấp nhận. Trong khi đó, lần xác định thứ hai, xã đã cắm mốc vượt qua mốc giới xác định ban đầu, sang phần đất của gia đình tôi thì ông Đôn lại vin vào đó, thuê máy xúc, xúc theo lần cắm mốc này, rồi xây tường bao. Không đồng ý với kết quả đo lần hai, tôi kiến nghị, xã tiếp tục tổ chức làm việc, xác định mốc giới thửa đất. Lần đo này, vị trí ranh giới được xác định ngoài thực địa theo như lần đo đầu tiên. Việc cắm mốc ngoài thực địa ngày 26/4/2019 có thể hiện gia đình ông Đôn đang sử dụng vào một phần diện tích đất của gia đình tôi nhưng UBND xã không kết luận cụ thể tại biên bản, đồng thời không có biện pháp đình chỉ việc xây dựng trái phép của ông Đôn, yêu cầu trả lại phần đất đã lấn chiếm cho gia đình tôi.

Theo biên bản làm việc ngày 21/7/2015 giữa UBND xã và hai hộ gia đình, thửa đất của hộ ông Thái có cạnh giáp ranh với thửa đất của hộ ông Đôn là 33,91m; điểm mốc phía trước (giáp đường đi) trùng với mép cột điện hiện có, ranh giới cách cột điện cũ là 1,07m.

Trong khi đó, theo biên bản hồi 8h ngày 26/4/2019 kiểm tra xác định mốc giới đất ở giữa hộ ông Thái và hộ ông Đôn (theo biên bản xác định ngày 13/4/2017), xác nhận mốc ranh giới phía cuối phần đất, tính từ góc tường phía cuối gia đình ông Thái đến mốc giới giáp ranh là 1,18m. Phía trước, từ cột điện công cộng được cắm trên phần đất nhà ông Đôn đến hết phần đất nhà ông Đôn, giáp ranh với đất nhà ông Thái là 2,6m (bờ đất hiện tại).

Tuy nhiên, cũng trong ngày 26/4/2019, UBND xã Thượng Yên Công có một biên bản làm việc khác về việc kiểm tra, xác định ranh giới hiện trạng đất ở giữa hộ ông Thái và hộ ông Đôn. Biên bản này xác định 4 mốc giới thửa đất của hộ ông Thái, trong đó có 2 mốc giới giáp với phần đất nhà ông Đôn nhưng không được hộ ông Đôn thừa nhận.

Khi đề cập đến việc đo vẽ sai sót lần hai theo phản ánh của người dân, ông Nguyễn Mạnh Hùng, công chức địa chính xã, cho biết: “Bởi vì hồ sơ bản đồ địa chính năm 2000 không có mốc giới tại thực địa, nên xác định bằng thước dây là không chính xác, phải thuê đơn vị đo đạc. Năm 2017, theo đề xuất của ông Thái, UBND xã mời Xí nghiệp Tài nguyên và Môi trường 3 (Công ty Tài nguyên và Môi trường Việt Nam) là đơn vị đang thực hiện cập nhật hiện trạng bản đồ địa chính trên địa bàn thời điểm đó hỗ trợ đo đạc”.

Ông Hùng khẳng định, qua kết quả đo tại hiện trường, nhà ông Đôn đang sử dụng lấn sang đất nhà ông Thái, tuy nhiên vị này lại cho rằng lần đo vẽ thứ hai không xác định là đo sai (?!). Bởi theo ông Hùng, sau khi đo các gia đình vẫn thống nhất các mốc giới. Còn về phía ông Thái cho biết ông thực hiện cắm ranh giới theo chỉ đạo của cán bộ xã chứ không đồng ý với mốc giới được cắm lần 2.

Theo ông Nguyễn Mạnh Hùng, công chức địa chính-xây dựng xã Thượng Yên Công, hộ ông Đôn đang sử dụng lấn một phần diện tích đất nhà ông Thái.

Nêu quan điểm về vụ việc, luật sư Tô Phương Thảo, Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh, cho biết: “Do hai hộ gia đình đang có tranh chấp đất đai và đã có đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai gửi đến UBND cấp xã nơi có đất nên theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai 2013, UBND xã có trách nhiệm tổ chức việc hòa giải tranh chấp đất đai tại địa phương. Việc hòa giải tranh chấp đất đai phải được lập thành biên bản và được thực hiện theo trình tự, thủ tục quy định tại Điều 202 Luật Đất đai. Ngoài ra, qua các buổi làm việc cũng cho thấy việc hòa giải tranh chấp không thành, tức là đất đang còn tranh chấp, nhưng khi có phản ánh về việc hộ ông Đôn xây dựng công trình trên đất đang tranh chấp, xã lại không có biện pháp cương quyết đình chỉ công trình xây dựng, dẫn đến việc hộ ông Đôn tiếp tục hoàn thiện công trình và đưa vào sử dụng, gây nhiều khó khăn trong việc giải quyết vụ việc sau này”.

Theo ông Thái, mặc dù biết rằng thẩm quyền giải quyết của xã là dừng ở việc hòa giải, hiện gia đình cũng đang làm các thủ tục để khởi kiện theo quy định, nhưng việc kết luận vội vàng, không đồng nhất của chính quyền xã qua các lần đo đạc, cắm mốc giới đã gây tốn kém rất nhiều về kinh tế và thời gian của gia đình. Mỗi lần mời đo đạc do xã chỉ định, chúng tôi đều phải thanh toán. Chính vì lần đo đạc sai sót thứ hai của xã, ông Đôn đã vin vào cớ đó lấn sang phần đất của nhà tôi.

Trần Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202010/lung-nhung-chuyen-tranh-chap-dat-dai-o-thuong-yen-cong-2505043/