Lục Ngạn: Hơn 171 nghìn cử tri bỏ phiếu về sắp xếp đơn vị hành chính
Ngày 21/4, UBND huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) tổ chức lấy ý kiến cử tri tại 29 xã, thị trấn về Đề án sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn, huyện Sơn Động để thành lập thị xã Chũ, huyện Lục Ngạn (mới) và huyện Sơn Động; thành lập các phường thuộc thị xã Chũ; thành lập các thị trấn thuộc huyện Lục Ngạn.
Ngay từ sáng sớm, đông đảo cử tri trên địa bàn đã có mặt tại các điểm bỏ phiếu thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình. Tại trung tâm các xã, thị trấn rực rỡ cờ, biểu ngữ, băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền về sự kiện có ý nghĩa quan trọng này.
Theo đó, hơn 171 nghìn cử tri đã tham gia đóng góp ý kiến tại 322 điểm bỏ phiếu. Đối tượng lấy ý kiến là cử tri có đăng ký thường trú, tạm trú trên địa bàn huyện đủ 18 tuổi (tính đến ngày 21/4/2024).
Nội dung lấy ý kiến về Đề án sắp xếp, điều chỉnh địa giới hành chính huyện Lục Ngạn, huyện Sơn Động để thành lập thị xã Chũ, huyện Lục Ngạn (mới) và thành lập các phường thuộc thị xã Chũ, thành lập các thị trấn thuộc huyện Lục Ngạn. Ngoài ra, lấy ý kiến cử tri trên địa bàn thị trấn Chũ và các xã: Phượng Sơn, Trù Hựu, Thanh Hải, Hồng Giang về việc thành lập phường thuộc thị xã Chũ; lấy ý kiến cử tri xã Phì Điền về thành lập thị trấn Phì Điền; lấy ý kiến cử tri xã Biển Động về thành lập thị trấn Biển Động thuộc huyện Lục Ngạn; lấy ý kiến cử tri trên địa bàn xã Thanh Hải và Biên Sơn về điều chỉnh địa giới hành chính thôn Khuân Rẽo, xã Thanh Hải để nhập về xã Biên Sơn.
Để phục vụ cho buổi lấy ý kiến cử tri, trước đó, cơ quan chức năng, chính quyền địa phương tuyên truyền sâu rộng sự cần thiết của việc thực hiện Đề án, thời gian tổ chức lấy ý kiến... Đồng thời cung cấp các tài liệu liên quan phục vụ cử tri nghiên cứu, tìm hiểu.
UBND các xã, thị trấn đã rà soát, lập danh sách cử tri có hộ khẩu thường trú, tạm trú theo từng thôn, tổ dân phố. Niêm yết công khai bản tóm tắt Đề án tại trụ sở UBND các xã, thị trấn, nhà văn hóa thôn, tổ dân phố hoặc nơi sinh hoạt chung của cộng đồng…
Thông tin từ UBND huyện, nhờ làm tốt các bước chuẩn bị, việc tổ chức lấy ý kiến cử tri trên địa bàn diễn ra công khai, thuận lợi, nhanh chóng, an toàn, bảo đảm thời gian và chất lượng. Ngay trong buổi sáng cùng ngày, các cử tri cơ bản hoàn thành việc bỏ phiếu.
Việc thành lập thị xã Chũ và huyện Lục Ngạn (mới) xuất phát từ đặc điểm vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên, KT-XH và công tác quản lý hành chính lãnh thổ của huyện Lục Ngạn hiện nay.
Về đặc điểm địa hình, huyện Lục Ngạn hình thành 2 vùng phát triển có tính chất khác biệt: Vùng đồi thấp (vùng trung tâm), gồm thị trấn Chũ và các xã: Hồng Giang, Thanh Hải, Trù Hựu, Phượng Sơn, Quý Sơn, Nam Dương, Mỹ An, Kiên Lao, Kiên Thành của huyện Lục Ngạn (nằm trong phạm vi quy hoạch chung đô thị Chũ).
Đây là vùng có nhiều điều kiện thuận lợi để phát triển công nghiệp chế biến hoa quả, tiểu thủ công nghiệp, du lịch sinh thái kiểu miệt vườn, hình thành đô thị hiện đại với hạt nhân là thị trấn Chũ.
Vùng thứ hai là đồi núi cao, gồm 19 xã còn lại của huyện Lục Ngạn. Vùng này có địa hình chia cắt mạnh, độ dốc lớn, tiềm năng có thể phát triển kinh tế rừng, chăn nuôi đại gia súc và trồng cây ăn quả.
Theo Đề án, thị xã Chũ khi được thành lập sẽ có diện tích tự nhiên 251,55 km2, dân số gần 127,9 nghìn người, 10 đơn vị trực thuộc, gồm 5 phường (Chũ, Hồng Giang, Thanh Hải, Trù Hựu, Phượng Sơn) và 5 xã (Quý Sơn, Nam Dương, Mỹ An, Kiên Lao, Kiên Thành). Tỷ lệ đô thị hóa đạt 58,33%.
Huyện Lục Ngạn có diện tích tự nhiên hơn 856 km2 và hơn 126,6 nghìn người, 19 xã, thị trấn (gồm 2 thị trấn Biển Động, Phì Điền và 17 xã.
Tin, ảnh: Nguyễn Hưởng