Lực lượng vũ trang ứng trực, giúp nhân dân vượt khó
Mấy ngày qua, các tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) phải đối mặt với triều cường dâng cao bất thường. Không chỉ ảnh hưởng đến sản xuất nông nghiệp ở những vùng nông thôn, triều cường còn 'nhấn chìm' nhiều khu vực nội ô khiến việc đi lại, sinh hoạt của bà con bị xáo trộn.
Sống tại khu vực 3, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều (Cần Thơ) hơn 40 năm, gần như năm nào gia đình ông Nguyễn Thành Lâm cũng chịu cảnh ngập lụt do triều cường dâng cao. Để ứng phó, ông cùng nhiều hộ dân trong khu vực đã chủ động gia cố bao cát, đắp đất quanh các ao cá, vườn cây ăn trái. Tuy nhiên, do triều cường năm nay vượt báo động 3 nên gây ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt và sản xuất không chỉ riêng gia đình ông Lâm. “Nhà tôi ở gần sông Hậu nên năm nào cũng ngập nước. Những năm trước nước ngập khoảng 1m nhưng giờ thì ngập sâu 1,5-2m. Như mọi năm, triều cường gây ngập nhanh thì cũng rút nhanh. Tuy nhiên, do khu vực này mới được giao cho nhà đầu tư làm dự án bất động sản, phía ngoài được công ty bao chắn để bơm cát nên nước thoát ra rất chậm”, ông Lâm bộc bạch.
Chịu áp lực lớn từ triều cường dâng cao bất thường, một đoạn đê cạnh sông Hậu, thuộc khu vực 3, phường Cái Khế, quận Ninh Kiều (Cần Thơ) bị vỡ, chiều dài gần 2m. Theo nhiều hộ dân nơi đây cho biết, trước đó hai ngày khi mưa lớn, mực nước dâng cao, đoạn đê trên đã có dấu hiệu vỡ. Đến tối ngày 29-9 triều cường tiếp tục dâng cao khiến đoạn đê bị vỡ và tiếp tục lan rộng. Ông Võ Thanh Bình, Phó chủ tịch UBND phường Cái Khế cho hay: “Mặc dù hằng năm, ngành chức năng đều tiến hành gia cố hệ thống đê điều nhưng mực nước sông Hậu năm nay cao hơn những năm trước nên bờ bao gần như vô hiệu. Hiện tại, trên địa bàn có khoảng 2m bờ bị sạt và một số đoạn bờ bao bị tràn do triều cường dâng cao. Ngay khi sự cố xảy ra, gần 20 dân quân của phường đã có mặt tại hiện trường phối hợp với lực lượng tại chỗ nhanh chóng giúp bà con di dời đồ đạc, gia cố đê bao, khắc phục sự cố. Ngoài ra, chúng tôi cũng cử lực lượng túc trực 24/24 giờ để kịp thời ứng phó khi có sự cố xảy ra”.
Tại Bến Tre, triều cường dâng cao trong hai ngày qua cũng gây tràn, sạt lở một số đoạn đê bao, đường giao thông nông thôn và làm ngập một số nơi. Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Chợ Lách cho biết: “Triều cường đã ảnh hưởng đến các xã: Vĩnh Bình, Phú Phụng, Tân Thiềng, Long Thới, Hòa Nghĩa, Sơn Định và thị trấn Chợ Lách, làm nước tràn hơn 1.000m bờ đê, đê bao cục bộ và hơn 100ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp bị ngập nước...
Không chỉ gây ngập nhà, vườn cây, ao cá mà triều cường dâng cao khiến nhiều tuyến đường tại các tỉnh, thành phố trong vùng ĐBSCL bị ngập sâu, nhiều chỗ nước ngập quá nửa bánh xe khiến việc đi lại của người dân khó khăn. Theo ông Nguyễn Văn Thành, Cục trưởng Cục Quản lý đường bộ IV (Tổng cục Đường bộ) cho biết: “Do triều cường kết hợp lũ nên hiện toàn vùng ĐBSCL có 31 điểm ngập trên các quốc lộ, như quốc lộ 53, 54, 30, 1. Trong đó, Quốc lộ 1 nhiều đoạn qua tỉnh Vĩnh Long, Sóc Trăng và Bạc Liêu có nhiều điểm ngập từ 20 đến 50cm. Đơn vị đang đang triển khai lực lượng thường xuyên kiểm tra các điểm ngập để bảo đảm an toàn giao thông và triển khai xây bờ chắn ngập, lắp cống thoát nước và chuẩn bị thi công nâng nền đường ở một số điểm xung yếu”.
Để hạn chế thiệt hại do triều cường gây ra đối với các cơ sở giáo dục và bảo đảm an toàn cho học sinh, Sở Giáo dục và Đào tạo TP Cần Thơ ra thông báo đề nghị các cơ sở giáo dục bị ảnh hưởng bởi triều cường chủ động cho học sinh được nghỉ học ngày 1-10.
Trước diễn biến phức tạp của triều cường lên cao, hôm qua (30-9), UBND TP Hồ Chí Minh đã ban hành công văn khẩn số 160/PCTT tập trung triển khai các biện pháp phòng, chống và ứng phó. Thành phố thông tin kịp thời diễn biến của triều cường đến người dân, doanh nghiệp, huy động sự vào cuộc của các ngành, các cấp, LLVT trong triển khai các giải pháp chủ động ứng phó được tập trung thực hiện.
Cũng trong ngày 30-9, ghi nhận của phóng viên Báo Quân đội nhân dân, LLVT quận 8 (TP Hồ Chí Minh) cùng các cơ quan chức năng tích cực khắc phục sự cố bờ kè chân cầu Kênh Ngang số 3 (đường Mễ Cốc, phường 15) bị vỡ một đoạn khoảng 30m do triều cường lớn, gây ngập nghiêm trọng vào tối 29-9. Sự cố làm ngập cục bộ một phần diện tích phường 15 từ chân cầu Kênh Ngang số 3 đến hết đường Mễ Cốc và một phần đường Lưu Hữu Phước (khu phố 7 và khu phố 8). Thiếu tá Lê Đức Nhân, Chính trị viên phó Ban CHQS quận 8 thông tin: “Ngay sau khi nhận thông tin sự cố vỡ đoạn bờ kè, LLVT quận 8 đã huy động gần 200 chiến sĩ dân quân của các phường cơ động đến hiện trường phối hợp khắc phục bằng các bao cát. Trong ngày 30-9, lực lượng dân quân còn gia cố nhiều vị trí khác trên tuyến kè bao này. Hiện LLVT quận cũng yêu cầu Ban CHQS các phường chủ động nắm tình hình triều cường, bảo đảm quân số sẵn sàng cơ động ứng phó khi có tình huống xảy ra trên địa bàn”.