Luật sư: Cần khởi tố ngay vụ án đốt pháo sáng, làm loạn trên SVĐ Hàng Đẫy
Nhiều luật sư cho rằng cần sớm khởi tố vụ án CĐV Nam Định làm loạn ở SVĐ Hàng Đẫy, khiến 1 nữ CĐV và 1 chiến sĩ CSCĐ bị thương, để thu thập tài liệu chứng cứ, giám định thương tật của nạn nhân bị thương tích, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, tạo sức răn đe cho những trường hợp tương tự.
Sáng 13-9, một lãnh đạo Công an quận Đống Đa (TP Hà Nội) cho biết đơn vị vẫn đang tích cực điều tra vụ 1 cổ động viên (CĐV) bị thương nặng do CĐV đốt, bắn pháo sáng trong trận đấu bù vòng 21 V.League 2019 giữa 2 đội CLB Hà Nội và CLB Nam Định chiều 11-9 trên sân vận động (SVĐ) Hàng Đẫy.
Theo quan điểm của Luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng Văn phòng Luật sư Đồng Đội (Đoàn luật sư TP Hà Nôị̣), pháo sáng mà cổ động viên thường mang vào các sân bóng đá để cổ vũ không thuộc các loại pháo, sản phẩm pháo được Chính phủ cho phép sử dụng quy định tại Điều 5 Nghị định 36/2009/NĐ-CP về quản lý, sử dụng pháo. Hành vi cổ động viên đốt pháo sáng vào tối ngày 11-9 vừa qua tại SVĐ Hàng Đẫy, Hà Nội là một hành vi trái pháp luật hết sức nguy hiểm, có thể bị xử phạt hành chính hoặc thậm chí truy cứu trách nhiệm tùy thuộc vào mức độ hậu quả.
Theo Khoản 2 Điều 10 Nghị định 167/2013/NĐ-CP, hành vi sử dụng các loại pháo không được phép thì bị phạt hành chính từ 1 triệu đến 2 triệu đồng. Về mặt trách nhiệm hình sự, căn cứ Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi năm 2017, đối tượng đốt pháo sáng có thể sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội "Gây rối trật tự công cộng" với mức phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Nếu có tình tiết tăng nặng như có tổ chức; dùng vũ khí, hung khí hoặc có hành vi phá phách; gây cản trở giao thông nghiêm trọng hoặc đình trệ hoạt động công cộng; hành hung người can thiệp bảo vệ trật tự công cộng,... thì có thể bị phạt tù từ 2 - 7 năm.
Trường hợp ném pháo sáng gây thương tích cho người khác cần xem xét yếu tố lỗi. Nếu đủ căn cứ chứng minh hành vi tấn công người khác gây thương tích trên 11% do lỗi cố ý thì có thể xử lý về tội “Cố ý gây thương tích” theo Điều 134 Bộ luật này. Nếu xác định được lỗi vô ý mà gây thương tích trên 31% thì có thể xử lý về tội “Vô ý gây thương tích” theo Điều 138 Bộ luật này.
Ngoài ra, Cơ quan điều tra cũng cần làm rõ những đối tượng CĐV tham gia hành hung người thi hành công vụ làm chiến sĩ Cảnh sát cơ động bị thương khi làm nhiệm vụ để xử lý về tội "Chống người thi hành công vụ" theo Điều 330 Bộ luật này, hình phạt cao nhất đến 7 năm tù.
Luật sư Tiền cho rằng lỗi trong vụ việc này không chỉ thuộc về các CĐV ném pháo sáng mà còn có trách nhiệm của Ban tổ chức trận đấu trong các khâu quản lý, ứng phó với sự cố trên sân. Ban tổ chức trận đấu để xảy ra sự việc đốt pháo nổ, thuốc pháo nổ có thể bị phạt tiền từ 20 đến 70 triệu đồng theo quy định tại khoản 2, Điều 68 Quyết định số 72/QĐ-LĐBĐVN ngày 5-3-2018 về kỷ luật của Liên đoàn Bóng đá Việt Nam. Qua vụ việc đáng tiếc trên, có thể thấy những hành vi bạo lực tại các sân vận động nơi tổ chức các trận đấu bóng đá Việt Nam đang làm xấu xí hình ảnh của thể thao trong mắt người hâm hộ nước nhà nói riêng mà còn trong mắt bạn bè quốc tế nói chung.
"Cơ quan chức năng cần sớm có các biện pháp nâng cao công tác quản lý, tổ chức trận đấu, chuẩn bị kỹ lưỡng trong công tác ứng phó đối với những trận cầu "nóng", thường xuyên có cổ động viên quá khích. Cùng với đó, cơ quan điều tra cần sớm khởi tố vụ án để thu thập tài liệu chứng cứ, giám định thương tật của nạn nhân bị thương tích, xử lý nghiêm đối tượng vi phạm, tạo sức răn đe cho những trường hợp tương tự" - Luật sư Tiền nêu quan điểm.
Ngoài Luật sư Trần Xuân Tiền, nhiều Luật sư khác cũng bày tỏ quan điểm cần khởi tố ngay vụ án để điều tra, xử lý nghiêm khắc các đối tượng coi thường pháp luật.
Nữ CĐV bị thương được xác định là chị Tô Huyền A. (SN 1985), đang công tác tại Báo Nhi Đồng. Ngay sau khi gặp nạn, chị Huyền A. đã được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Xanh Pôn để cấp cứu. Vết thương của chị Huyền A. dài khoảng 20 cm, rách vào đến tận xương. Ca mổ được tiến hành ngay trong đêm 12-9. Hiện, bệnh nhân đang được theo dõi tại Khoa Bỏng trong tình trạng tỉnh táo, tiếp xúc tốt, đau vết thương nhiều. Một bác sĩ cho biết tới đây, bệnh nhân sẽ tiếp tục phải phẫu thuật ghép da. Dự kiến quá trình điều trị mất khoảng 15 ngày. Thời gian tới bệnh nhân tiếp tục được ghép da mỏng tự thân, đồng thời điều trị theo phác đồ.
Liên quan đến sự việc, Chủ tịch UBND TP Hà Nội đã giao Công an TP phối hợp với các đơn vị liên quan, điều tra làm rõ, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Làm rõ trách nhiệm các cá nhân liên quan đến công tác bảo vệ, để báo cáo UBND TP Hà Nội theo quy định.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Công an TP trong những trận đấu tiếp theo trên SVĐ Hàng Đẫy hay SVĐ Mỹ Đình, phải có phương án bảo đảm an ninh trật tự, không để các CĐV mang pháo sáng, pháo hoa... vào sân làm mất an ninh trật tự.