Luật Khám, chữa bệnh (sửa đổi): Tháo gỡ các vấn đề lớn của ngành y tế
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã có những quy định đầy đủ, chặt chẽ, công khai minh bạch, hài hòa lợi ích giữa Nhà nước, đầu tư, người bệnh và cộng đồng.
Hoàn thiện hành lang pháp lý trong khám chữa bệnh
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) được Quốc hội thông qua ngày 9/1 vừa qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ 2. Đạo luật này là một bước hoàn thiện hành lang pháp lý, để tháo gỡ các vấn đề lớn của ngành y tế hiện nay. Đó là quy định về tự chủ đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của Nhà nước; quy định về cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thực hiện tự chủ về tài chính được quyết định nội dung thu, mức thu của các dịch vụ, hàng hóa liên quan đến hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, cũng như cho phép các bệnh viện được quyết định nguồn thu và toàn quyền tuyển dụng nhân sự.
Với quy định về xã hội hóa trong hoạt động khám bệnh, chữa bệnh, Luật khám chữa bệnh còn quy định cụ thể về đầu tư theo phương thức đối tác công tư để thành lập cơ sở khám bệnh, chữa bệnh; vay vốn để đầu tư công trình hạ tầng, thiết bị y tế cho phép thanh toán chi phí chữa bệnh từ máy xã hội hóa; được mượn/thuê/cho thuê trang thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh, cho phép mua chậm/trả chậm trang thiết bị.
Lãnh đạo các bệnh viện cho rằng, khi nhà nước chưa có đủ ngân sách để đầu tư cho các bệnh viện công lập máy móc xét nghiệm, chẩn đoán hiện đại thì việc xã hội hóa nguồn lực này là cần thiết. Tuy nhiên, trước khi luật được bổ sung, sửa đổi thì chưa có văn bản quy phạm pháp luật nào quy định về vấn đề này khiến các bệnh viện, nhà đầu tư và người bệnh gặp nhiều khó khăn trong đầu tư, thanh quyết toán. Nhiều bệnh viện chậm phát triển, vì e ngại trong kêu gọi đầu tư bởi không có quy định của pháp luật.
Nâng cao chất lượng khám chữa bệnh với tinh thần "lấy người bệnh làm trung tâm"
Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) vừa được thông qua đã tháo gỡ những vướng mắc này với hành lang pháp lý rõ ràng.
Viện phí – giá dịch vụ của bệnh viện, kể cả tuyến tỉnh, tuyến trung ương chỉ được thu bằng mức bảo hiểm y tế và mức giá này ban hành đã rất lâu, lỗi thời.
Ví dụ như siêu âm ổ bụng tại Bệnh viện trung ương chỉ có là 43.900 đồng nhưng cơ sở ngoài công lập có thể thu tới 110.000-150.000 đồng. Chưa kể tại các bệnh viện Trung ương thì nhân sự để chẩn đoán hình ảnh của bệnh viện đều là các giáo sư, các chuyên gia đầu ngành.
Trong khí đó, giá vật tư tăng nhưng bệnh viện chỉ được áp dụng giá cũ nên nguồn tài chính, chênh lệch thu chi không có, đãi ngộ cho nhân viên thấp.
Tính đúng, tính đủ giá dịch vụ y tế là chìa khóa để đảm bảo quyền lợi của bệnh nhân, bệnh viện và cán bộ y tế.
Một điểm mới rất quan trọng của Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi lần này là phân cấp chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh cho từng tuyến.
Như vậy các cơ sở y tế sẽ được phân cấp chuyên môn thành 3 tuyến là Ban đầu, Cơ bản và Chuyên sâu.
Việc phân cấp chuyên môn được luật hóa nhằm giảm áp lực cho tuyến trên và phát triển y tế cơ sở. Đồng thời cho các bệnh viện tuyến cuối, tuyến trung ương tập trung phát triển chuyên sâu, đẩy mạnh nghiên cứu khoa học.
Tình trạng quá tải tại các bệnh viện tuyến cuối, tuyến trung ương nhiều năm qua cũng phản ánh là chất lượng các dịch vụ y tế ở các tuyến dưới còn yếu và chưa được đầu tư đúng mức dẫn đến người dân thường vượt tuyến khám chữa bệnh.
Ngành y tế đã và đang đứng trước nhiều thách thức khó khăn để phát triển trong thời gian qua. Và để giải quyết những vấn đề này thì Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều văn bản, quy định nhằm tháo gỡ những khó khăn này.
Trước khi Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực, Chính phủ vừa ban hành Nghị định số 07 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98 về quản lý trang thiết bị y tế; Nghị quyết 30 sửa đổi và bổ sung một số điều của Nghị quyết 144 về việc tiếp tục thực hiện các giải pháp bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế. Đây là các Nghị định tháo gỡ những nút thắt để giúp các cơ sở y tế nhanh chóng có được vật tư, thiết bị phục vụ công tác chăm sóc sức khỏe người dân
Cùng với đó, Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi) đã tạo ra sự thông thoáng và giúp rất nhiều cho các bệnh viện được quyền tự quyết nhưng đây cũng không phải là liều thuốc chữa bách bệnh cho các vấn đề của ngành y hiện nay liên quan đến khám chữa bệnh.
Luật đã có những quy định đầy đủ, chặt chẽ xác định các nguyên tắc trong vấn đề xã hội hóa, đó là nguyên tắc bảo đảm, công bằng hiệu quả phát triển, công khai minh bạch, hài hòa lợi ích giữa các bên: lợi ích của nhà nước, đầu tư, người bệnh và cộng đồng.
Nhưng để Luật Khám, chữa bệnh góp phần quan trọng vào việc giải quyết nhiều vấn đề và giảm bớt khó khăn của ngành y tế hiện nay qua đó nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh đúng với tinh thần "lấy người bệnh làm Ttrung tâm" thì còn nhiều việc phải làm.