Luật Giáo dục: 'Tính đúng tính đủ' vào học phí có hết lạm thu?

Băn khoăn với quy định tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ giáo dục đào tạo vào học phí trong dự thảo Luật Giáo dục trong khi các loại 'tiền trường' biến tướng vẫn tồn tại, đại biểu để nghị luật hóa thêm một số nguyên tắc xác định học phí…

Học phí "tính đúng tính đủ", tiền trường vẫn vô vàn biến tướng

Thảo luận tại Quốc hội về Luật Giáo dục ngày 15/11, đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đã đặc biệt quan tâm đến việc “tính đúng, tính đủ” giá dịch vụ đào tạo hay còn gọi là học phí.

Theo đại biểu Hiền, Khoản 1 Điều 97 quy định mức thu học phí được xác định theo lộ trình, tính đúng, tính đủ chi phí dịch vụ giáo dục đào tạo do Chính phủ quy định. Đồng thời tại khoản 3 điều này xác định chi phí của dịch vụ đào tạo bao gồm toàn bộ chi phí tiền lương, chi phí trực tiếp, chi phí quản lý, chi phí khấu hao tài sản cố định. Phục vụ trực tiếp và gián tiếp hoạt động giáo dục đào tạo theo chương trình giáo dục đào tạo.

“Như vậy, có thể hiểu học phí là giá của dịch vụ đào tạo. Tôi rất băn khoăn về việc hoàn thiện chính sách học phí theo hướng này khi đặt cạnh đường lối chỉ đạo của Nghị quyết 29” - đại biểu Hiền chia sẻ.

Theo bà Hiền, Nhà nước giữ vai trò chủ đạo trong đầu tư phát triển giáo dục và đào tạo. Ngân sách nhà nước chi cho giáo dục đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách và ngân sách nhà nước đầu tư cho giáo dục là tiền thuế của nhân dân đóng góp.

“Theo lộ trình, sẽ dồn hết các khoản chi phí tiền lương, chi phí quản lý và các chi phí khác vào học phí, tức là tiền túi của người dân thì có hợp lý không? Nhất là tình trạng lạm thu trong một số nhà trường còn rất phổ biến. Với đa số các bậc phụ huynh, khái niệm học phí ngày càng không còn ý nghĩa bởi sự tồn tại của một khái niệm rất ám ảnh, đó là tiền trường, cùng với vô vàn biến tướng về các khoản thu nép trong danh nghĩa tự nguyện, phí bổ trợ, phí nâng cao, nâng cấp cơ sở vật chất, v.v... Đa số cha mẹ học sinh luôn vào thế cực chẳng đã, gồng mình lo tiền trường” - đại biểu Hiền phản ánh.

“Do vậy, để có sự cân bằng, hợp lý, tôi đề nghị luật hóa thêm một số nguyên tắc xác định học phí. Đó là, mức thu học phí phải phù hợp với điều kiện kinh tế của từng địa bàn dân cư và khả năng đóng góp thực tế của người dân. Như vậy, cử tri cũng sẽ yên tâm hơn về khuôn khổ của lộ trình tính đúng, tính đủ học phí và Chính phủ cũng có cơ sở quy định chi tiết” - đại biểu tỉnh Hà Nam nói.

Đại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam)

Giáo dục cần chia làm 2 hướng: Hàn lâm và nghề nghiệp

Quan tâm đến phân loại, định hướng giáo dục, đại biểu Nguyễn Tuấn Anh - Long An cho biết, theo phân loại quốc tế về giáo dục cho thấy, hầu hết hệ thống giáo dục của các nước phân thành các cấp độ từ 0 đến 8, tương ứng với giáo dục mầm non, tiểu học, trung học bậc thấp, trung học bậc cao, trung học, cao đẳng, cử nhân hoặc tương đương, thạc sĩ hoặc tương đương, tiến sĩ hoặc tương đương.

Từ cấp độ 2 đến cấp độ 4 được coi là cấp độ giáo dục phổ thông, với các trình độ giáo dục được chia làm 2 hướng là giáo dục phổ thông và giáo dục nghề.

Từ cấp độ 5 đến 8 được gọi là cấp độ giáo dục đại học, với các chương trình giáo dục được chia làm 2 hướng, hàn lâm, hướng nghề nghiệp.

Còn ở Việt Nam, dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) đang quy định khối giáo dục nghề nghiệp nằm ở vị trí giáo dục trung học, dưới giáo dục đại học. Nếu người học muốn dự tuyển vào cao đẳng phải đồng thời vừa có bằng trung cấp, vừa có bằng trung học phổ thông hoặc đã học và đạt đủ điều kiện khối lượng kiến thức văn hóa phổ thông trung học phổ thông.

Các trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng trong khối giáo dục nghề nghiệp cũng không có sự liên thông thật sự. Nếu người học muốn từ cao đẳng chuyển lên đại học cũng gặp nhiều khó khăn vì có sự khác nhau về cấu trúc chương trình đào tạo do hai cơ quan quản lý khác nhau.

“Điều này là một trong những nguyên nhân dẫn đến không thực hiện được phân luồng trung học cơ sở trong nhiều năm qua. Việc chưa tạo ra cơ chế liên thông trong toàn hệ thống, làm cho nhiều học sinh thường chọn học lên đại học thay vì con đường khác” - đại biểu Tuấn Anh nói.

Từ những phân tích nêu trên, đại biểu Tuấn Anh kiến nghị dự thảo luật cần được chỉnh sửa theo hướng quy định phân hệ các trình độ đào tạo của hệ thống giáo dục quốc dân, bao gồm: Giáo dục mầm non, có nhà trẻ và mẫu giáo; Giáo dục tiểu học; Giáo dục trung học (có trung học cơ sở và trung học toàn phần, trong đó trung học toàn phần bao gồm 2 luồng: trung học phổ thông và trung học hướng nghiệp; Giáo dục nghề có dạy nghề sơ cấp, dạy nghề trung cấp và dạy nghề cao cấp; Giáo dục đại học đào tạo trình độ cao đẳng, trình độ cử nhân và tương đương, trình độ thạc sĩ và tương đương, trình độ tiến sĩ và tương đương.

Không thi tốt nghiệp THPT, ổn định việc học và thi

Góp ý cho dự thảo luật, đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ) thì cho rằng, Chương trình sách giáo khoa hiện nay quá nặng, học sinh khó tiếp thu; phức tạp hóa những vấn đề hết sức đơn giản.

Theo đại biểu tỉnh Phú Thọ, vấn đề này “có nguyên nhân từ người lớn.” và “Người lớn đã nghĩ ra quá nhiều điều để nhồi nhét vào bộ óc còn non nớt của trẻ, làm cho việc học tập trở thành áp lực, gánh nặng quá lớn.”

“Thử hỏi đã mấy học sinh giỏi văn quốc gia trở thành nhà văn, nhà thơ lớn? Cần phải hiểu rằng, trong một lớp, một trường, chỉ có một em trở thành nhà văn, một em trở thành nghệ sĩ, một em là vận động viên chứ không phải là tất cả. Hãy dạy và định hướng để học sinh phát huy năng lực của bản thân một cách hợp lý nhất” - đại biểu tỉnh Phú Thọ nhấn mạnh.

Đại biểu Cao Đình Thưởng (Phú Thọ)

Về thi cử, đại biểu Thưởng đề nghị tới đây không nên tổ chức thi trung học phổ thông quốc gia như hiện nay.

“Việc đánh giá và tổ chức thi tốt nghiệp trung học phổ thông nên giao cho các Sở Giáo dục và các trường phổ thông địa phương tự lo và đánh giá thi cử. Có chăng chỉ nên tổ chức một kỳ thi quốc gia để chọn học sinh vào các trường đại học. Việc này phải được tổ chức chặt chẽ từ khâu ra đề, coi thi, chấm thi, xét tuyển, làm thế nào để chọn đúng người, loại bỏ tiêu cực để người làm thi không thể tiêu cực, không dám tiêu cực và không muốn tiêu cực” - đại biểu Cao Đình Thưởng nói.

Hứa Thị Hà (Tuyên Quang) cũng băn khoăn về vấn đề thi cử để xét tốt nghiệp trung học phổ thông và tuyển sinh đại học. “Tôi chia sẻ sự khó khăn, phức tạp của Bộ Giáo dục và Đào tạo khi giải quyết vấn đề này trong những năm qua. Bộ đã rất cố gắng thay đổi, cải tiến, nhưng thực sự giáo viên, phụ huynh, học sinh đã rất khó khăn, bị động để bắt kịp với những thay đổi này. Việc dạy, học và thi cử cần có sự ổn định. Do đó, tôi đề nghị Ban soạn thảo cần nghiên cứu và cân chắc chi tiết hơn về vấn đề thi cử trong dự thảo luật” - đại biểu Hà nói.

Xuân Hưng

Nguồn VnMedia: http://vnmedia.vn/dan-sinh/201811/luat-giao-duc-tinh-dung-tinh-du-vao-hoc-phi-co-het-lam-thu-619520/