Luật Dữ liệu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7
Luật Dữ liệu được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp thứ 8, có hiệu lực thi hành từ ngày hôm nay (1/7). Luật Dữ liệu và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành có hiệu lực, đánh dấu một mốc quan trọng trong tiến trình hoàn thiện hành lang pháp lý về dữ liệu, thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia và kiến tạo Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số.
Chiều 1/7, Trung tâm Dữ liệu quốc gia, Bộ Công an tổ chức Lễ phát động triển khai Luật Dữ liệu và các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành.
Phát biểu tại lễ phát động, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia nhấn mạnh, Luật Dữ liệu là văn bản pháp lý đầu tiên của Việt Nam điều chỉnh toàn diện các vấn đề xây dựng, phát triển, bảo vệ, quản trị, xử lý, sử dụng dữ liệu. Với dấu mốc này, Việt Nam trở thành một trong số ít quốc gia trên thế giới sở hữu đạo luật riêng về dữ liệu, khẳng định quyết tâm kiến tạo hành lang pháp lý minh bạch, đồng bộ, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội dựa trên dữ liệu.

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương, Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia phát biểu tại lễ phát động.
Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia Nguyễn Ngọc Cương cho hay, để luật sớm đi vào cuộc sống, trung tâm đã tham mưu báo cáo lãnh đạo Bộ Công an trình Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ ban hành đồng bộ 4 văn bản quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành bao gồm: Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dữ liệu; Nghị định quy định về Quỹ Phát triển Dữ liệu quốc gia (Nghị định số 160/2025/NĐ-CP ngày 29/6/2025; Nghị định quy định hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành Danh mục dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng.

Các đại biểu tham dự buổi lễ phát động.
Hiện Trung tâm Dữ liệu quốc gia đã và đang đồng thời triển khai 5 “mặt trận” trọng yếu theo nhiệm vụ Đảng, Nhà nước giao như: Pháp lý; hạ tầng; dữ liệu, công nghệ và nguồn nhân lực; an ninh an toàn. “Việc đảm bảo an ninh an toàn cho Trung tâm Dữ liệu quốc gia là vấn đề “sống còn” của quốc gia, dân tộc trong kỷ nguyên số. Trung tâm tâm phải chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ dữ liệu, chống tấn công mạng, giám sát an toàn thông tin 24/7, đồng thời xây dựng cơ chế kiểm soát rủi ro, phục hồi sau sự cố và bảo vệ quyền riêng tư của tổ chức, cá nhân”- Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia Nguyễn Ngọc Cương nhấn mạnh.
Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Cương tin tưởng, với sự quyết tâm cao, hành động đồng bộ, sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành và sự đồng hành của doanh nghiệp, người dân thì Luật Dữ liệu sẽ được triển khai hiệu quả, góp phần xây dựng nền hành chính hiện đại, nền kinh tế số năng động và xã hội số phát triển.
Tại lễ phát động, Đại tá Nguyễn Thành Vĩnh, Phó Giám đốc Trung tâm Dữ liệu quốc gia đã giới thiệu một số nội dung cơ bản của Luật Dữ liệu và các văn bản hướng dẫn thi hành; công bố nền tảng Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia, hệ thống quản lý dữ liệu...
Trong khuôn khổ buổi lễ, đại diện các tổ chức, doanh nghiệp đã trao tặng Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia. Quỹ này được Chính phủ giao Bộ Công an thành lập nhằm thúc đẩy xây dựng hạ thầng dữ liệu, chuẩn hóa, kết nối, chia sẻ và khai thác hiệu quả dữ liệu trong toàn hệ thống, đồng thời hỗ trợ nghiên cứu, ứng dụng công nghệ dư liệu, đào tạo nhân lực và khuyến khích đổi mới sáng tạo.