Lừa đảo 46 tỷ đồng từ đường dẫn 'biệt tài tí hon'

Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn- Giám đốc CA tỉnh TT-Huế, ngày 20-10, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (viết tắt: Phòng An ninh mạng) phối hợp với Cục An ninh mạng phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (CNC)- Bộ CA, Phòng CSHS CA tỉnh phá thành công chuyên án, bắt giữ 3 đối tượng lừa đảo CNC chiếm đoạt 46 tỷ đồng của hàng trăm bị hại ở nhiều tỉnh, thành.

Chân dung 3 đối tượng lừa đảo hơn 46 tỷ đồng.

Đại úy Lưu Thanh Tùng- Phó Trưởng Phòng An ninh mạng CA tỉnh TT-Huế cho biết, thời gian gần đây, cơ quan CA liên tiếp nhận được đơn tố giác của các bị hại trình báo về việc, một số đối tượng chiếm đoạt tài khoản facebook bạn bè, người thân của họ rồi nhắn cho các bị hại này để mượn tiền. Nhưng không ngờ sau đó, hỏi ra mới phát hiện, những người thân, bạn bè này không hề nhắn tin mượn tiền. Trong đó, có bị hại bị chiếm đoạt số tiền lên đến cả hàng trăm triệu đồng, nhiều bị hại khác cũng bị chiếm đoạt từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Sau khi thu thập các chứng cứ, kiểm chứng thông tin; lực lượng An ninh mạng CA TT-Huế xác định, phản ánh của các bị hại là hoàn toàn có cơ sở. Xác định, nếu không sớm truy bắt các đối tượng thì sẽ còn rất nhiều bị hại sẽ bị mất tiền. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của Giám đốc CA tỉnh TT-Huế, chuyên án lừa đảo công nghệ cao đã được xác lập.

Chỉ trong thời gian rất ngắn, bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén và các chứng cứ thu thập được, Phòng An ninh mạng CA TT-Huế đã tìm ra chân dung của 3 đối tượng và tiến hành bắt giữ, gồm: Lê Minh Hướng (2000), Hoàng Như Linh (1988), Đoàn Quang Đăng (1993, cùng trú tỉnh Quảng Trị). Theo kết quả điều tra ban đầu, tháng 10-2019, đối tượng Lê Minh Hướng nảy sinh ý định chiếm đoạt tài sản của những người sử dụng facebook. Để thực hiện hành vi phạm tội, Hướng đã mua một đường dẫn có tên http://biettaitihon1202.wixsite.com và thiết kế giao diện website tương tự chương trình truyền hình VTV3 có tên “Biệt tài tí hon” và một số chương trình đã phát sóng; thiết kế phần đăng nhập thông tin tài khoản facebook gồm ô đăng nhập và mật khẩu.

Để các bị hại dễ dàng tin tưởng và nhập thông tin tài khoản của mình, đối tượng Hướng chọn các chương trình có lượng người xem lớn, có tiếng trong truyền thông. Khi đã đăng nhập thành công vào tài khoản facebook của người bị hại, đối tượng thay đổi mật khẩu, xóa các thông tin xác thực của bị hại, khai thác mối quan hệ của bị hại với các tài khoản facebook khác rồi dùng chính facebook chiếm đoạt được nhắn tin mượn tiền. Rất nhiều bị hại khi thấy tài khoản facebook mượn tiền là người thân, là bạn bè nên không hề suy nghĩ và đồng ý chuyển khoản ngay. Theo đối tượng Lê Minh Hướng, để có được các tài khoản cung cấp cho các bị hại khi gửi tiền, đối tượng này đã liên hệ với một tài khoản facebook tên là BTN và đề nghị cung cấp các tài khoản ngân hàng ảo với mục đích dùng tài khoản này để nhận tiền lừa đảo được. “Chúng tôi thỏa thuận ăn chia tỷ lệ 7:3, tôi nhận 70%, số tiền 30% còn lại thì chủ tài khoản facebook đó sẽ nhận”- đối tượng Hướng khai nhận.

Theo cơ quan điều tra, sau khi tiền được chuyển vào tài khoản ngân hàng mang tên “Bùi Văn Trọng”(đây là tài khoản ngân hàng mà chủ facebook BTN đã đưa cho đối tượng Hướng); đối tượng Hoàng Như Linh và Đoàn Quang Đăng tiếp tục chuyển số tiền này qua các sàn giao dịch điện tử rồi chuyển ngược lại vào tài khoản ngân hàng và rút ra tiền mặt. Bằng thủ đoạn đó, từ tháng 10-2019 đến nay, các đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt 46 tỷ đồng của nhiều nạn nhân ở nhiều địa phương trong cả nước. Thượng tá Mai Văn Toàn, Trưởng phòng An ninh mạng cho rằng: Từ vụ án này, qua công tác điều tra có thể thấy các đối tượng gây án rất tinh vi, các đối tượng bắt chước các website có lượng người xem đông, có uy tín. Nạn nhân mà đối tượng hướng đến phần lớn là người lớn tuổi từ khoảng 45-50 tuổi trở lên, ít am hiểu công nghệ thông tin. Hầu hết các giao dịch chúng không sử dụng máy tính cá nhân mà ra các quán Net để thực hiện; đặc biệt chúng lợi dụng các sàn giao dịch điện tử để hợp pháp hóa số tiền chiếm đoạt. Hành vi của các đối tượng có dấu hiệu của tội “Sử dụng mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”.

Theo Thượng tá Nguyễn Thanh Tuấn, tỉnh TT-Huế là địa phương thứ 2 của cả nước thành lập Phòng An ninh mạng. Với đội ngũ trẻ, dày dạn kinh nghiệm, giỏi chuyên môn, nghiệp vụ đã làm tốt nhiệm vụ trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm mạng. Thành tích phá chuyên án, bắt 3 đối tượng lừa đảo chiếm đoạt 46 tỷ đồng qua mạng Internet nói trên đã góp phần đảm bảo ANTT trên địa bàn, đặc biệt đảm bảo an ninh, an toàn tuyệt đối Đại hội Đại biểu Đảng bộ tỉnh TT-Huế nhiệm kỳ 2020-2025.

HẢI LAN

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/61_233343_lua-dao-46-ty-dong-tu-duong-dan-biet-tai-ti-hon-.aspx