Lớp học làm thay đổi cả cuộc đời của nhà sáng lập tập đoàn Nike

Khi còn học tại Trường Kinh doanh Stanford, Knight đã tìm thấy cảm hứng trong một lớp học tiểu thương. Lớp học này đã làm thay đổi cả cuộc đời ông.

Năm học thứ hai, Knight đăng ký vào lớp học của giáo sư Frank Shallenberger, người được xem là “cha đẻ của ngành kinh doanh nhỏ lẻ”. Các nghiên cứu chủ yếu của giáo sư Shallenberger là về các vấn đề của các công ty khởi nghiệp và các tiểu thương, trong khi các giáo sư khác đều quan tâm đến các tập đoàn lớn. Khi tham gia vào lớp học của vị giáo sư này, Knight đã có cơ hội sử dụng trí tưởng tượng của mình và nảy ra ý tưởng cho Nike sau này để trở thành một trong những công ty thành công nhất trong lịch sử kinh doanh.

Bài tập của Giáo sư Shallenberger giao cho các sinh viên cũng giống như kiểu bài tập của một người học báo chí được yêu cầu viết bản thông cáo: Ông yêu cầu sinh viên của mình lập kế hoạch kinh doanh, miêu tả mục đích và lập kế hoạch truyền thông, tiếp thị cho ý tưởng kinh doanh đó.

Knight không chỉ trình bày một ý tưởng kinh doanh mà ông còn đặt ra một câu hỏi đơn giản nhưng cực kỳ thú vị: “Liệu giày thể thao của Nhật Bản có thể thắng giày thể thao của Đức như cách máy ảnh Nhật đánh bại máy ảnh của Đức không?”. Bài viết của ông trình bày về kế hoạch sản xuất giày thể thao cao cấp tại Nhật Bản, nơi có chi phí lao động thấp hơn rất nhiều so với Đức hay Mỹ. Nói cách khác, Knight đã nhìn thấy trước khả năng một mô hình sản xuất giày khác biệt sẽ thay đổi thị trường lúc bấy giờ.

Nhắc lại việc này, Knight đã chia sẻ như sau: “Lớp học đó là khoảnh khắc giác ngộ của tôi. Đầu tiên, Giáo sư Shallenberger định nghĩa ai sẽ trở thành một doanh chủ - và tôi nhận ra ông ấy đang nói về kiểu người như tôi. Tôi còn nhớ sau khi làm bài tập, tôi đã nhủ thầm: đây chính là điều mà tôi muốn làm”.

Doanh nhân Phil Knight. Nguồn: veja.abril.

Cha của Knight, một luật sư và đồng thời cũng là tổng biên tập của một tờ báo ở Portland, Oregon, lại có suy nghĩ khác con trai mình. Ông muốn con trai có được một công việc “đúng nghĩa” trong một công ty tài chính. Knight chấp nhận nhưng trước khi bắt đầu vị trí của một kế toán viên, ông quyết định tiếp tục tìm hiểu ý tưởng của mình trong bài luận mà ông từng viết.

Ông bay tới Nhật Bản và hoàn toàn bị chinh phục bởi cách người Nhật làm kinh tế cũng như trước văn hóa của họ. Trong suốt chuyến đi vào tháng 11 năm 1962, Knight đã dừng lại ở Kobe, nơi ông phát hiện ra nhãn hiệu giày Tiger của Công ty Onitsuka Tiger. Sản phẩm của công ty này đã đánh bại loại giày đắt tiền hơn do Adidas sản xuất.

Knight ấn tượng về chất lượng cao và chi phí thấp của những đôi giày Tiger. Ông tìm cách nói chuyện với ông Onitsuka – giám đốc công ty. Trước khi từ biệt, Knight đã thuyết phục thành công vị giám đốc này để giày Tiger được bờ nước Mỹ vào tháng 1 năm 1964 và Knight gửi luôn hai đôi cho huấn luyện viên cũ của ông ở Đại học Oregon là Bill Bowerman.

Bowerman là huyền thoại của ngôi trường này. Ông từng là vận động viên đội tuyển Olympic, sau trở thành huấn luyện viên đội tuyển Olympic và là người thầy truyền cảm hứng cho rất nhiều thế hệ vận động viên môn điền kinh. Từ năm 1960, ông Bowerman từng tự tay làm ra những đôi giày cho các vận động viên của mình để giúp họ có thêm lợi thế trong các cuộc chạy đua. Knight từng tham gia trong đội chạy cự ly trung bình của Bowerman, nên ông rất hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ của vị huấn luyện viên cũ để ông bán được loại giày nhập khẩu mới này.

Bowerman không chỉ ủng hộ mà còn muốn trở thành đối tác của Knight. Ông đề xuất một số ý tưởng thiết kế để có giày chạy chất lượng tốt hơn. Mỗi bên cùng đầu tư 500 đôla và hợp tác thành lập Blue Ribbon Sports vào tháng 1 năm 1964. Đối với Knight, đây chỉ là công việc phụ khi ông làm ở công ty tài chính. Nhưng ba tháng sau, khi chuyến hàng đầu tiên chở 300 đôi giày cập bến, chúng được bán hết chỉ trong vòng ba tuần. Trong năm đầu tiên, công ty đã thu được lợi nhuận 3.240 đôla.

Thời gian đầu, Knight thường lái chiếc xe Plymouth Valiant màu xanh lá cây của ông tới các cửa hàng địa phương ở các bang trong vùng Tây Bắc nước Mỹ để bán giày chạy bộ Tiger. Có lúc, ông đứng bán giày trong tầng hầm ngôi nhà của cha mình. Đến năm 1969, doanh số của giày Blue Ribbon cán mốc một triệu đôla.

Knight quyết định từ bỏ việc giảng dạy môn kế toán ở Đại học Portland và không bao giờ quay trở lại con đường này nữa. Năm 1972, Bowerman và Knight bắt đầu sản xuất mẫu giày của riêng họ. Bowerman sử dụng khuôn làm bánh quế của vợ ông để làm ra một đôi giày có độ bám đường tốt hơn những mẫu giày đang có trên thị trường. Knight chia sẻ: “Chúng tôi muốn tạo ra những đôi giày mà mọi vận động viên điền kinh đều muốn có”.

Blue Ribbon (Ruy-băng xanh) là một cái tên phù hợp với một doanh nghiệp nhập khẩu giày nhưng lại không đủ độ hấp dẫn để trở thành thương hiệu cho một nhãn giày chạy bộ. Vì vậy, Knight nghĩ ra cái tên Dimension Six. Nhưng cái tên này cũng không có gì ấn tượng. Thay vào đó, một người bạn của Knight là Jeff Johnson, vốn là vận động viên điền kinh và cũng là nhân viên đầu tiên của công ty ông sau này, đã đề xuất cái tên xuất hiện trong giấc mơ của mình: Nike - tên một nữ thần có cánh tượng trưng cho chiến thắng trong thần thoại Hy Lạp.

“Chúng tôi đã có một cái tên. Điều tiếp theo là chúng tôi cần có biểu tượng cho đôi giày”, Knight kể lại. “Năm 1971, Ford đã chi hai triệu đôla cho việc thiết kế biểu tượng. Chúng tôi không có hai triệu đôla, nên tôi đến một cửa hàng thiết kế đồ họa ở Portland và gặp một cô gái trẻ ở đó.

Cô gái ấy than thở: “Tôi không biết làm sao kiếm đủ tiền để may một chiếc váy đi dự lễ hội đây”. Và tôi đề nghị cô ấy làm việc cho mình với số tiền công 2 đôla/giờ. Cô ấy nhận được 35 đôla cho 17,5 giờ làm việc. Đó là người đã thiết kế ra biểu tượng (swoosh) của Nike ngày nay.

Năm 1972, Knight kết thúc giai đoạn làm người nhập khẩu giày bằng việc chính thức tự sản xuất giày chạy bộ được Bowerman thiết kế với thương hiệu Nike ở Mexico. Công ty chính thức được khởi động. Năm 1972, họ bán được 3,2 triệu đôla.

Một năm sau, Knight ký hợp đồng tài trợ đầu tiên với ngôi sao quần vợt người Romania - Ilie Nastase. Trong mười năm tiếp theo, lợi nhuận của Nike tăng gấp đôi mỗi năm. Khi Nike trở thành công ty đại chúng năm 1980, nó đã vượt qua Adidas và trở thành công ty đi đầu trong lĩnh vực sản xuất giày thể thao.

Năm 1984, Knight thuyết phục được ngôi sao bóng rổ trẻ Michael Jordan làm đại sứ cho nhãn giày thể thao mới và ngay lập tức công ty đã trở thành một hiện tượng tiếp thị. […]

Sự thành công của Michael kéo theo một chiến dịch quảng cáo đã thay đổi toàn bộ công ty.

John A. Byrne / Alpha Books - NXB Thế giới

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lop-hoc-lam-thay-doi-ca-cuoc-doi-cua-nha-sang-lap-tap-doan-nike-post1353635.html