'Lợi nhuận' nghề báo

Lâu nay, người ta chỉ nói đến lợi nhuận trong các lĩnh vực ngành nghề liên quan đến kinh tế. Thế nhưng, nếu không xét nặng về vật chất thì nghề nào trong xã hội cũng có 'lợi nhuận', trong đó có nghề báo.

Được độc giả ghi nhận là “lợi nhuận” lớn nhất của người làm báo

Được đi và được biết

Cũng như nhiều nhà báo khác, niềm vui lớn nhất của tôi là được đi và được biết.

Nghề báo là phải đi nhiều, có những chuyến đi mà khi về không thể viết ngay, viết hay; thậm chí có bài báo viết ra nhưng chưa chắc đã được sử dụng..., nhưng những gì thu thập, trải nghiệm thực tế đã là một món “lợi nhuận” khổng lồ.

Sở dĩ tôi gọi sự trải nghiệm là “lợi nhuận” vì qua mỗi chuyến tác nghiệp, tôi có cơ hội được học hỏi, trau dồi thêm nhiều điều mới để rồi có cái nhìn khách quan, chia sẻ và cảm thông hơn qua lăng kính nhà báo.

Nói như vậy để thấy rằng, sau mỗi chuyến đi, mỗi bài viết đều có ít nhất một câu chuyện. Đơn cử như lần tác nghiệp tại bản Trống Tông, xã Chế Cu Nha, huyện Mù Cang Chải.

Sau khi tìm hiểu về những vấn đề quan tâm như hạ tầng giao thông, thủy lợi, điện; văn hóa, lối sống sinh hoạt, sản xuất của bà con, chúng tôi đến thăm điểm trường mầm non của bản mới được các nhà hảo tâm gom góp xây dựng trên một bãi đất trống ở đỉnh núi. Gọi là điểm trường nhưng thực tế chỉ có vài chục học sinh cùng một cô giáo. Nhìn những đứa trẻ người Mông ấy, tôi không khỏi chạnh lòng khi thấy các em phong phanh trong cái rét căm căm. Bữa trưa chỉ có ít cơm và rau luộc. Đó đã là bài học cho những đứa trẻ thành phố, trong đó có con mình về tình thương đồng loại hay sự lãng phí thức ăn trong bữa ăn hàng ngày.

Cũng tại đây, lần đầu tiên trong đời, tôi biết đến phong tục uống rượu mang tên “bắn khỉ” của người Mông. Chẳng biết có từ bao giờ nhưng theo quy định, chủ nhà sẽ đưa ra luật uống, được quyền lựa chọn loại chén to hay nhỏ và chỉ định người uống. Lần lượt cứ 2 người một cạnh nhau cùng nâng cốc và phải uống hết. Sau mỗi chén rượu phải ăn 1 thìa tiết canh gà. Người miền xuôi, không ai ăn tiết canh gà nhưng với người Mông, ăn tiết canh gà là may mắn và chỉ có khách quý mới được mời.

Một cái được nữa của nghề báo là có cơ hội gặp gỡ nhiều người, nếu được sự tin tưởng, nhà báo còn được biết nhiều hơn qua những chia sẻ về bí quyết kinh doanh, làm giàu.

Độc giả ghi nhận

Nhưng “lợi nhuận” lớn nhất của nhà báo lại chính là sự ghi nhận của độc giả, cộng đồng xã hội thông qua hiệu ứng từ những bài viết, tác phẩm của mình. Càng vinh dự hơn khi tác phẩm được nhận những giải thưởng cao quý. Đó cũng chính là giá trị mà bất kỳ nhà báo nào cũng mong muốn hướng tới, trong đó có tôi.

Phóng viên Báo Công Thương đi thực tế cơ sở

Tuy nhiên bên cạnh những cái được, nghề báo cũng đối mặt với nhiều khó khăn. Đó là những lần bị từ chối cung cấp thông tin; lo lắng vì bị dọa dẫm khi tìm hiểu những vấn đề nhạy cảm... Qua mỗi lần như vậy, nhà báo chúng tôi lại có thêm nhiều bài học kinh nghiệm quý giá để tiếp tục lớn lên cùng nghề.

Dù có đủ vui, buồn, được, mất, nhưng chắc chắn nhà báo vẫn kiên định con đường mình đã chọn, tiếp tục “dấn thân” kiếm tìm “lợi nhuận” chân chính thông qua việc không ngừng học hỏi kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ; tìm tòi, sáng tạo để nâng cao chất lượng; tính trung thực của báo chí, đạo đức nghề nghiệp, góp phần hướng tới xã hội chân - thiện - mỹ.

Đình Dũng

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/loi-nhuan-nghe-bao-70611.html