Lối chơi nào hợp với bóng đá Việt Nam?

Những năm 1995-2000, khi bóng đá Việt Nam bắt đầu có thành tích ở đấu trường Đông Nam Á thì VFF đã tổ chức những buổi hội thảo tìm lối chơi riêng của bóng đá Việt Nam.

Trong những buổi hội thảo đấy, tôi đặc biệt chú ý đến hai phát biểu của hai chuyên gia từng là cầu thủ giỏi, từng đào tạo trẻ và từng dẫn dắt đội tuyển Việt Nam: Nguyễn Văn Vinh và Trần Duy Long.

HLV Troussier muốn các cầu thủ Việt Nam chơi tấn công và kiểm soát bóng. Ảnh: HẢI THỊNH

Ông Nguyễn Văn Vinh từng là cầu thủ của Thể Công, từng tham gia ban huấn luyện trong trận Quân đội Việt Nam thắng Bát Nhất của Trung Quốc trên sân Công Nhân, Bắc Kinh nhấn mạnh: “Bóng đá cũng như đánh trận, phải có chiến lược, có mưu mẹo thì yếu mới thắng mạnh, thậm chí mạnh mà không biết đối thủ, không có chiến lược thì cũng thành yếu. Tôi cho rằng bóng đá Việt Nam qua nhiều thời kỳ vẫn phải duy trì lối đá phòng ngự phản công. Nên nhớ đá với các đối thủ khi họ mải mê tấn công chính là lúc họ sơ hở nhất…”.

Cũng với quan điểm đấy, chuyên gia Trần Duy Long vốn là người thầy của các ông Mai Đức Chung, Lê Thụy Hải… khi còn ở đội Đường sắt Việt Nam phân tích: “Nhiều người cứ nói chúng ta vào chung kết SEA Games rồi tức đã là đội mạnh của Đông Nam Á thì phải đá theo kiểu tấn công như những đội bóng lớn. Các bạn có thấy đội tuyển Ý không, họ là đội bóng lớn, là nhà vô địch thế giới nhưng có bao giờ họ rời tư tưởng phòng ngự chặt vốn là đặc sản của bóng đá Ý? Người Ý chơi phòng ngự nhưng đó là lối phòng ngự khôn ngoan đầy toan tính. Bóng đá Việt Nam cũng thế, không thể rời xa lối đá phòng ngự phản công bởi lối đá đấy phù hợp với tố chất và sự khôn ngoan của các cầu thủ Việt Nam…”.

Nhiều người hay so sánh giữa HLV Troussier với HLV Park Hang-seo và tỏ ý chê trách người mới nhưng rõ ràng mỗi HLV có một quan điểm và một phong cách huấn luyện cũng như áp đặt lối chơi riêng. Ông Park Hang-seo đặt yêu cầu không thắng được thì đừng để thua, tức giữ mành lưới trước rồi mới nghĩ đến chuyện ghi bàn. Ông tạo nên một hàng thủ rất an toàn và ít thay đổi con người còn tuyến trên thì “học” và thực hành bài chuyển trạng thái thật nhanh từ phòng ngự sang tấn công. Ông Troussier thì tiếng tăm và thành công với nhiều nền bóng đá dự World Cup bằng lối chơi kiểm soát bóng bắt đầu từ việc nâng cấp khả năng kiểm soát bóng của các cầu thủ.

Tất nhiên thay đổi nào cũng cần có thời gian và vấn đề quan trọng là thời gian có đủ để chuyển hóa toàn bộ các cầu thủ mà ông Troussier cho rằng sẽ thành công với lối chơi như ông từng giúp cho bóng đá Nhật đi dự World Cup.

Lâu lắm rồi bóng đá Việt Nam không có những hội thảo như ngày nào từng mời các chuyên gia góp ý để tìm cho bóng đá Việt Nam một lối chơi thích hợp. Thay vào đó là chọn những HLV tên tuổi để đưa bóng đá Việt Nam thăng tiến mà không cần sự kế thừa hay sản phẩm từng thành công của người đi trước.

World Cup 2026 chỉ còn ba năm nhưng sắp tới là đã phải đá vòng loại.

Hy vọng lối chơi mới không làm khó cầu thủ và khó bóng đá Việt Nam.

NGUYỄN NGUYÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/loi-choi-nao-hop-voi-bong-da-viet-nam-post738296.html