Loay hoay cải tạo chợ truyền thống

Chợ truyền thống là mô hình kinh doanh không thể thiếu trong đời sống hằng ngày của người dân Thủ đô. Tuy nhiên, hiện nhiều chợ đã xuống cấp, không bảo đảm quy chuẩn xây dựng, quy chuẩn phòng cháy chữa cháy, không đáp ứng tiêu chí đô thị… Bài toán cải tạo, xây dựng chợ không phải là mới nhưng vẫn là khó giải khi chưa thể hài hòa hết lợi ích của các bên.

Những bất cập

Theo thống kê, hiện nay Hà Nội có hơn 540 chợ truyền thống, bao gồm các hạng từ 1 - 3. Hiện chợ truyền thống đảm nhận khoảng 40% nhu cầu mua sắm của người dân các quận nội thành và ở khu vực ngoại thành là khoảng 70%, góp phần tích cực phục vụ các nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân. Tuy nhiên, hệ thống chợ của Hà Nội do nhiều yếu tố tác động dẫn đến xuống cấp, thậm chí nhiều chợ lụp xụp, cảnh quan nhếch nhác, quá tải, rất khó bảo đảm được các yêu cầu về an toàn vệ sinh, an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, văn minh thương mại.

Chợ Kim Liên xuống cấp sau nhiều năm hoạt động.

Có thể nói, xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp để chợ dân sinh đáp ứng nhu cầu của xã hội văn minh luôn là vấn đề cấp thiết đặt ra và chính quyền các cấp của Thành phố luôn dành sự quan tâm đặc biệt nhằm nâng cao chất lượng hoạt động, đảm bảo phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, do nhiều khó khăn, nhất là về vốn do doanh nghiệp không mặn mà đầu tư, tiểu thương không chấp nhận chuyển đổi mô hình kinh doanh… để rồi giờ đây, tại nhiều khu chợ, công tác cải tạo một lần nữa lại được đẩy về chính quyền.

Chợ Kim Liên là chợ hạng 3, có địa chỉ tại số 23 Lương Định Của, phường Kim Liên, quận Đống Đa, trong khu vực vỏn vẹn nhỉnh hơn 1000m2, chợ có đến 199 điểm kinh doanh của 13 ngành hàng từ may mặc, quần áo, đồ vàng hương đến cả thực phẩm…

Đến nay, sau hàng chục năm hoạt động, toàn bộ khu chợ đã xuống cấp không đảm bảo về phòng cháy chữa cháy, vệ sinh môi trường, an toàn vệ sinh thực phẩm, an ninh trật tự, văn minh đô thị… Tuy nhiên, để đảm bảo sinh kế của người dân, các tiểu thương vẫn được “tạo điều kiện” kinh doanh. Theo ông Chu Tuấn Anh - Giám đốc Ban quản lý chợ Đống Đa, có một thời gian chợ Kim Liên đã được Công ty Văn Phú Invest quản lý, tuy nhiên sau nhiều năm bù lỗ đến năm 2019, doanh nghiệp này đã xin rút và trả lại chợ với giá 0 đồng. “Là Ban quản lý chợ, tuy nhiên chính chúng tôi cũng lại phải thuê một kiot với giá cao hơn để làm văn phòng của Ban”, ông Chu Tuấn Anh cho hay.

Được biết, trong năm 2024, với nguồn vốn từ ngân sách địa phương, quận Đống Đa đặt mục tiêu cải tạo, xây dựng mới 3 chợ gồm: chợ Ngã Tư Sở, chợ Kim Liên và chợ Khâm Thiên. Để hoàn thành kế hoạch đề ra, UBND quận Đống Đa đã chỉ đạo các đơn vị liên quan lấy ý kiến đóng góp của thương nhân có quyền lợi, nghĩa vụ tại các chợ và tối ưu dự thảo các phương án. Nhìn chung, đại đa số các hộ kinh doanh tại chợ và người dân đã nắm bắt được chủ trương, chỉ đạo của Thành phố và địa phương trong công tác quản lý và phát triển chợ giai đoạn 2021 - 2025…

Từ câu chuyện của quận Đống Đa cho thấy, chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý chợ trên địa bàn, chuyển đổi mô hình quản lý, nâng cao chất lượng hoạt động của các chợ truyền thống để phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân. Tuy nhiên, việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch mạng lưới chợ gắn với quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch chung của Thủ đô lại chưa có, làm nảy sinh nhiều bất cập.

Gỡ dần vướng mắc

Theo kế hoạch phát triển và quản lý chợ trên địa bàn Thành phố năm 2024 đã được UBND thành phố Hà Nội ban hành, Thành phố đặt mục tiêu đến hết năm 2024 sẽ có 95% các chợ được phê duyệt phương án giá sử dụng diện tích bán hàng theo quyết định phê duyệt giá mới của UBND Thành phố, 100% các xã, phường, thị trấn hiện chưa có chợ nhưng có nhu cầu phát triển chợ được rà soát đưa vào danh mục mạng lưới chợ trên địa bàn. Dự kiến, trong năm 2024 sẽ khởi công xây dựng 36 chợ mới và đầu tư cải tạo, sửa chữa, nâng cấp 76 chợ hiện có.

Lý thuyết là vậy nhưng thực tế triển khai công tác cải tạo, xây dựng mới các chợ là không hề dễ dàng. Năm 2023, thành phố Hà Nội đã ban hành kế hoạch xây mới 48 dự án chợ, cải tạo sửa chữa 57 chợ. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ trong số này được hoàn thành, các dự án còn lại có tiến độ triển khai rất chậm do gặp nhiều vướng mắc. Nơi thì đang giải phóng mặt bằng, nơi thì đang chờ hướng dẫn về thủ tục giao đất cho thuê đất; có chợ đang vướng mắc về xác định khoản chậm nộp ngân sách; chợ thì đang điều chỉnh chủ trương đầu tư...

Xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp để chợ dân sinh đáp ứng nhu cầu của xã hội văn minh luôn là vấn đề cấp thiết đặt ra nhưng, do nhiều khó khăn, nhất là về vốn, doanh nghiệp không mặn mà đầu tư, tiểu thương không chấp nhận giá thuê cao... là lý do khiến chợ dân sinh vẫn chưa được “lột xác”. Từ thực tế trong công tác cải tạo chợ trong thời gian qua, nhiều ý kiến cho rằng, chợ chỉ nên đầu tư, cải tạo ở mức vừa phải, bảo đảm tiện lợi, có mức phí phù hợp để các tiểu thương tiếp tục kinh doanh. Đặc biệt, cần rà soát lại các điểm kinh doanh trong chợ, có thể nghiên cứu thu hồi với những gian hàng đã không còn kinh doanh, tránh tình trạng đầu cơ, trục lợi gây lãng phí.

Theo Quyền Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan, việc chuyển đổi mô hình chợ cũng gặp nhiều khó khăn, muốn chuyển sang hình thức xã hội hóa, nhưng không thể giao cho doanh nghiệp vì phần đất vẫn là đất công, khiến doanh nghiệp không mặn mà tham gia đầu tư. Ngoài ra, cơ chế đầu tư từ nguồn vốn ngân sách cũng còn không ít vướng mắc, việc quản lý phức tạp nên các chợ gặp khó khăn trong cải tạo, nâng cấp.

Tuấn Dũng

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/loay-hoay-cai-tao-cho-truyen-thong-167718.html