Lộ trình dỡ bỏ room tín dụng: Tăng tính chủ động, kiểm soát an toàn hệ thống

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam dự kiến dỡ bỏ room tín dụng để nâng cao hiệu quả và kiểm soát an toàn hệ thống tài chính, thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Ngân hàng Nhà nước đang lên lộ trình bỏ room tín dụng. (Ảnh: Vietnam+)

Ngân hàng Nhà nước đang lên lộ trình bỏ room tín dụng. (Ảnh: Vietnam+)

Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước khẩn trương nghiên cứu lộ trình dỡ bỏ room tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả cung ứng vốn cho nền kinh tế. Theo đó, việc điều hành tín dụng sẽ chuyển từ các biện pháp hành chính sang cơ chế kiểm soát dựa trên bộ tiêu chí an toàn. Điều này sẽ giúp các ngân hàng thương mại chủ động hơn trong phân bổ vốn, qua đó thúc đẩy tăng trưởng bền vững.

Room tín dụng từng đóng vai trò quan trọng trong điều hành

Theo ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước có lộ trình tiến tới dỡ bỏ room tín dụng nhưng cần chính sách phù hợp với điều kiện đặc thù của Việt Nam, vừa tăng cường tính chủ động của tổ chức tín dụng vừa đảm bảo an toàn hệ thống, an ninh kinh tế, kiểm soát được lạm phát.

Tiến sỹ Lê Duy Bình - Giám đốc Economica Vietnam - cho rằng room tín dụng từng được ví như một “van điều tiết” lượng cung tiền, tránh việc các ngân hàng ồ ạt cho vay dẫn tới nợ xấu gia tăng. Từ mức tăng trưởng tín dụng bình quân hơn 30%/năm trước đây, hiện nay con số này đã được kiểm soát về mức 12%-14%/năm.

Bên cạnh đó, việc áp dụng room tín dụng cũng giúp ổn định mặt bằng lãi suất, tránh tình trạng cạnh tranh không lành mạnh trong huy động vốn.

Theo ông Phạm Chí Quang, room tín dụng đã từng là công cụ hiệu quả trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng nóng, có năm đạt tới 54%, vượt quá khả năng kiểm soát của hệ thống ngân hàng. Từ năm 2012, việc áp dụng hạn mức tín dụng (room tín dụng) đã giúp kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng, ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và đảm bảo an toàn hệ thống.

Dù phát huy hiệu quả trong quá khứ, song lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước khẳng định không có công cụ điều hành nào là vĩnh viễn. Từ năm 2024, Ngân hàng Nhà nước đã giao chỉ tiêu tín dụng ngay từ đầu năm cho các tổ chức tín dụng. Đến năm 2025, chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng đã được gỡ bỏ đối với nhóm ngân hàng nước ngoài, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, các ngân hàng liên doanh và tổ chức tài chính phi ngân hàng. Hiện chỉ còn các ngân hàng thương mại trong nước vẫn đang được giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng.

Về phía ngân hàng thương mại, ông Lê Thanh Tùng - thành viên Hội đồng quản trị VietinBank cho rằng việc tiến tới bỏ room tín dụng là phù hợp với định hướng chuyển từ quản lý hành chính sang điều tiết theo thị trường. Điều này sẽ giúp các ngân hàng linh hoạt hơn trong hoạt động tín dụng, đồng thời tiết giảm thủ tục, chi phí và thời gian.

 Lãnh đạo VietinBank cho rằng việc tiến tới bỏ room tín dụng là phù hợp với định hướng chuyển từ quản lý hành chính sang điều tiết theo thị trường. (Ảnh: Vietnam+)

Lãnh đạo VietinBank cho rằng việc tiến tới bỏ room tín dụng là phù hợp với định hướng chuyển từ quản lý hành chính sang điều tiết theo thị trường. (Ảnh: Vietnam+)

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Tùng lưu ý rằng việc bỏ room tín dụng phải dựa trên những công cụ kiểm soát mới như quy định quản trị rủi ro theo chuẩn quốc tế (Basel III), yêu cầu tăng vốn tự có tương ứng với mức tăng trưởng tín dụng. Đây sẽ là cơ sở để đảm bảo an toàn hệ thống trong điều kiện không còn công cụ room tín dụng.

Cần lộ trình phù hợp và giám sát chặt chẽ

Dù đồng tình với định hướng nới lỏng điều hành tín dụng, nhiều chuyên gia cảnh báo cần hết sức thận trọng. Tiến sỹ Lê Duy Bình cho rằng nếu bỏ room tín dụng quá sớm trong bối cảnh kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào vốn ngân hàng, có thể dẫn đến tăng trưởng tín dụng nóng, vượt xa tốc độ tăng GDP, từ đó làm giảm chất lượng tín dụng, gia tăng nợ xấu.

Ông Bình cũng nhấn mạnh tỷ lệ dư nợ tín dụng/GDP của Việt Nam hiện ở mức 134%, thuộc hàng cao so với khu vực và thế giới. Nếu không kiểm soát tốt, điều này có thể cản trở sự phát triển của các kênh dẫn vốn khác như thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, việc không có room tín dụng cũng sẽ dễ dẫn tới cuộc đua cho vay, kéo theo đua huy động vốn, dẫn tới việc mặt bằng lãi suất tăng cao như một số giai đoạn trước đây lãi suất huy động đã có lúc lên tới 13%-14%/năm.

Cùng quan điểm, Tiến sỹ Lê Đạt Chí, Trưởng Khoa Tài chính - Đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng việc bỏ room tín dụng sẽ giúp tăng tính linh hoạt, đẩy nhanh chu chuyển vốn, hỗ trợ tăng trưởng GDP.

 Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết việc dỡ bỏ hoàn toàn room tín dụng sẽ không diễn ra một cách đột ngột, mà cần được tính toán kỹ lưỡng. (Ảnh: Vietnam+)

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước cho biết việc dỡ bỏ hoàn toàn room tín dụng sẽ không diễn ra một cách đột ngột, mà cần được tính toán kỹ lưỡng. (Ảnh: Vietnam+)

Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh, khi tín dụng được mở rộng, các ngân hàng sẽ phải nâng cao năng lực thẩm định, quản trị rủi ro để kiểm soát nợ xấu. Ngân hàng Nhà nước cần tập trung vào các công cụ gián tiếp như lãi suất, dự trữ bắt buộc để kiểm soát tín dụng, thay vì can thiệp trực tiếp vào từng tổ chức tín dụng như trước.

Ông Lê Chí Đạt cũng lưu ý cần giám sát dòng tín dụng để tránh tình trạng vốn lại chảy vào các lĩnh vực rủi ro như bất động sản, chứng khoán.

Về phía Ngân hàng Nhà nước, ông Phạm Chí Quang cho biết việc dỡ bỏ hoàn toàn room tín dụng sẽ không diễn ra một cách đột ngột, mà cần được tính toán kỹ lưỡng, đánh giá tác động toàn diện, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế Việt Nam còn nhiều yếu tố nhạy cảm như lạm phát, lãi suất và an toàn hệ thống.

Cũng theo ông Quang, trường hợp bỏ room tín dụng, nguy cơ lãi suất sẽ tăng. Một trong những biện pháp mà các tổ chức quốc tế khuyến nghị Ngân hàng Nhà nước phải rất chủ động trong điều hành lãi suất.

"Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục rà soát, đánh giá các tác động để báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về lộ trình cụ thể, bảo đảm tăng tính chủ động cho các tổ chức tín dụng, nhưng không làm ảnh hưởng tới an ninh kinh tế và sự ổn định của hệ thống tài chính quốc gia," ông Quang khẳng định./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/lo-trinh-do-bo-room-tin-dung-tang-tinh-chu-dong-kiem-soat-an-toan-he-thong-post1048743.vnp