Lo ngại khoản vay 53.000 tỷ đồng
Từ đầu năm 2019 đến nay, tỷ lệ nợ xấu dư nợ tín dụng đối với các dự án BOT, BT giao thông đã bắt đầu tăng nhanh (ngày 30/6/2019, tỷ lệ này là 2,11%), trong khi từ năm 2015 đến năm 2018, tỷ lệ này chỉ dưới 0,1%, chủ yếu là do doanh thu thu phí không đạt như dự kiến. Nếu không xử lý khéo, rất có thể nỗi lo ám ảnh về 'bóng ma' nợ xấu BOT đang quay trở lại.
Khi BOT sụt thu
Theo thông tin mới đưa ra gần đây, Ngân hàng VietinBank nhiều khả năng sẽ phải ghi nhận khoản nợ xấu đối với Tổng Công ty 36 tại Dự án Đầu tư xây dựng công trình cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 19 đoạn Km 17+027 - Km 50 trên địa bàn Bình Định và đoạn Km 108 - Km 131+300 trên địa bàn Gia Lai theo hình thức BOT (Dự án BOT Quốc lộ 19). Điều này sẽ là sự thật nếu các cơ quan chức năng không cho phép giữ nguyên nhóm nợ.
Thực tế đầu tư trái với kỳ vọng ban đầu của nhà đầu tư và nhà tài trợ vốn, doanh thu thu phí tại Dự án BOT Quốc lộ 19 không đạt so với phương án tài chính (từ năm 2018 đến nay, chỉ đạt 87%, trong 6 tháng đầu năm 2019 chỉ đạt 79%). Nếu cộng cả khoản lỗ phát sinh trong năm 2015 - 2016 lên tới 44,6 tỷ đồng, gánh nặng tài chính mà Tổng Công ty 36 đang phải gánh kể cả để bù cho doanh nghiệp trả gốc và lãi lên tới 135,6 tỷ đồng, tương đương 13% tổng mức đầu tư dự án.
Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/3/2019, đã có 24 tổ chức tín dụng cấp tín dụng cho 105 dự án BOT, BT giao thông, trong đó, 93 dự án đã hoàn thành, đưa vào khai thác với tổng hạn mức cấp tín dụng là 175.296 tỷ đồng, tổng dư nợ cấp tín dụng là 103.573 tỷ đồng.
Trong số 93 dự án hoàn thành, có 30 dự án có doanh thu thu phí không đạt như phương án tài chính ban đầu với dư nợ khoảng 54.290 tỷ đồng. Trong đó, VietinBank có 16 dự án với dư nợ 34.782 tỷ đồng; BIDV có 7 dự án với dư nợ 6.582 tỷ đồng; Vietcombank có 3 dự án với dư nợ 2.303 tỷ đồng; SHB có 5 dự án với dư nợ 3.910 tỷ đồng.
Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng sụt giảm doanh thu tại các dự án BOT giao thông thường là: Lưu lượng phương tiện thực tế thấp hơn so với dự kiến hợp đồng; Phân lưu lưu lượng phương tiện sang tuyến đường song hành; Trạm thu phí chưa được đưa vào khai thác hoặc thời gian đưa vào thu phí chậm so với hợp đồng. Đáng nói, có những dự án, phương tiện qua lại trên tuyến tăng đều đặn, nhưng doanh thu vẫn tụt, do tỷ lệ sử dụng vé tháng/quý cao bất thường so với phương án tài chính, hoặc do phải giảm giá vé dịch vụ sử dụng đường bộ...
Nguy cơ phải cơ cấu nợ
Báo cáo với Quốc hội về hoạt động của hệ thống ngân hàng cách đây một tuần, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đã lên tiếng thẳng thắn chỉ ra những rủi ro, lo ngại của NHNN về 53.000 tỷ đồng đang cho vay các dự án BOT, BT.
Cụ thể hơn tại báo cáo này, Thống đốc Lê Minh Hưng bày tỏ lo ngại khi có nhiều dự án BOT, BT giao thông đã hoàn thành, đi vào khai thác có doanh thu không đạt như phương án tài chính ban đầu, với dư nợ khoảng 53.000 tỷ đồng có nguy cơ phải cơ cấu nợ, phát sinh nợ xấu cho các ngân hàng thương mại.
Theo đó, Thống đốc đã đề xuất Chính phủ, Thủ tướng tiếp tục chỉ đạo các bộ, ngành liên quan phối hợp chặt chẽ và tham gia hỗ trợ tích cực với ngành Ngân hàng. Hoàn thiện cơ chế, chính sách để huy động nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông và tiếp tục thực hiện các giải pháp nhằm huy động các nguồn vốn có tính chất dài hạn phù hợp với nhu cầu vốn dài hạn của các dự án. Tập trung xử lý các vướng mắc liên quan đến thu phí và triển khai thu phí tự động không dừng.
Đối với con số dư nợ của các dự án BOT, BT giao thông khoảng 53.000 tỷ đồng mà báo cáo của NHNN đề cập, một chuyên gia kinh tế cho rằng, đây là con số không hề nhỏ so với quy mô nền kinh tế. Và các lĩnh vực sản xuất, tác động trực tiếp đến đời sống người dân như nông nghiệp, công nghiệp... thì cần nguồn tín dụng ấy hơn nhiều. Vị này cũng cho rằng, đã đến lúc, không riêng các dự án BOT, BT giao thông, mà bất kỳ ngành nào có tác động đến xã hội, đến hiệu quả của nó, gây rủi ro cho ngân hàng hay cho các chủ thể khác tham gia thì Nhà nước cần xem xét có nên giải cứu hay không.
Cách tìm vốn cho các dự án BOT, BT giao thông để không phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng, theo một doanh nghiệp có kinh nghiệm trên thị trường chứng khoán, còn có giải pháp khác là phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp. Theo ông, với nhiều dự án thực sự tốt, doanh nghiệp BOT có năng lực, việc gọi vốn không quá khó khăn nhưng quan trọng là các doanh nghiệp đó phải có phương án tài chính lành mạnh và minh bạch.
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/kinh-te/lo-ngai-khoan-vay-53000-ty-dong-1480030.tpo