Lỗ hổng sửa điểm thi THPT: Làm sao vá lỗi?

Hai Phó Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng bị bắt vì liên quan đến sửa điểm thi THPT. Đây có phải là kẽ hở lớn cần khắc phục?

Bộ Công an vừa có quyết định khởi tố, bắt tạm giam bà Diệp Thị Hồng Liên - Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Hòa Bình để điều tra việc có liên quan đến đường dây sửa điểm thi THPT Quốc gia 2018.

Cơ quan điều tra xác định, bà Liên đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn, trực tiếp can thiệp và chỉ đạo các tổ trưởng chấm thi tự luận Ngữ văn nâng điểm thi trái quy chế thi THPT quốc gia, làm sai lệch kết quả thi của thí sinh.

Trước đó, Bộ Công an cũng đã khởi tố, bắt giam bà Nguyễn Thanh Nhàn - Phó phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng, Sở GD&ĐT Sơn La để điều tra hành vi hành vi cấu kết với người khác nhằm sửa điểm thi cho thí sinh.

Bà Diệp Thị Hồng Liên bị bắt vì trực tiếp can thiệp sửa điểm thi ở Hòa Bình.

Nhiều ý kiến cho rằng, điểm yếu trong hệ thống tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia tại các địa phương đã dần lộ ra thông qua các cá nhân bị khởi tố, bắt giam.

Bình luận về vấn đề này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Hiệu trưởng trường THPT Đinh Tiên Hoàng (TP. Hà nội) - Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng, việc để các cán bộ của Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng tham gia vào quá trình giám sát coi và chấm thi tại các kỳ thi THPT Quốc gia là chính xác.

Lý do được TS Nguyễn Tùng Lâm đưa ra là do các cán bộ này được đào tạo nghiệp vụ chuyên môn bài bản trong việc coi và chấm thi.

Mặc dù vậy, đây cũng chính là điểm yếu trong khâu tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia.

"Khi các cán bộ của Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng có nghiệm vụ chuyên môn về việc tổ chức các kỳ thi tốt, nếu cán bộ nào có ý đồ đen tối sẽ vận dụng kiến thức đó cho quá trình vi phạm của mình. Hành vi vi phạm khi đó sẽ càng tinh vi và khó phát hiện hơn" - TS Nguyễn Tùng Lâm nói.

Ông Lâm cho rằng, khó có thể kết luận việc bố trí các cán bộ của Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng tại các Sở GD&ĐT là "điểm sai sót" trong khâu tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia. Bởi đây là đơn vị có chức năng chuyên môn tốt, nếu lựa chọn được cán bộ có đủ tâm, đủ tài thì sẽ nâng cao chất lượng giáo dục tại các địa phương.

Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội cho rằng: "Để giải quyết tình trạng gian lận trong thì cử thì yếu tố quan trọng nhất vẫn là con người. Sau nữa là các biện pháp kỹ thuật, ba đơn vị coi thi, bảo quản bài thi và chấm thi không được trùng nhau.

Cùng với đó, để các cán bộ tại những địa phương khác tới đảm nhiệm việc này hoặc để người của Bộ GD&ĐT hoặc các lãnh đạo trường Đại học, Cao đẳng đảm nhiệm chức vụ lãnh đạo Hội đồng thi, hoặc lãnh đạo Tổ chấm thi".

Cơ quan An ninh điều tra đọc lệnh khởi tố đối với bà Nguyễn Thị Thanh Nhàn.

Luật sư Phạm Văn Hướng - Đoàn Luật sư TP. Hà Nội cho biết, theo quy định, Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng tại các cơ sở giáo dục có chức năng chính là ra đề thi, tổ chức coi thi, giám sát và chấm thi.

Trong kỳ thi THPT Quốc gia, đề thị được Bộ GD&ĐT đưa ra, các cán bộ tại Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng tại các Sở GD&ĐT trực tiếp tham gia vào quá trình giám sát việc coi thi và chấm thi tại các địa phương. Chính vì thế, đây là một trong những đơn vị cực kỳ quan trọng tạo nên sự thành công của kỳ thi THPT Quốc gia hàng năm.

"Trong pháp luật, khi một sự việc mang tính chất xã hội mà có điểm chung là người vi phạm có cùng chức năng như nhau thì rõ ràng khâu đó đang có vấn đề" - ông Hướng nói.

Từ đó, ông Hướng cũng đưa ra giải pháp, việc lựa chọn cán bộ tại các Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng tại các địa phương cũng cần phải được chú trọng hơn, không thể sơ sài, tạo điều kiện cho cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất tham gia vào quá trình tổ chức kỳ thi THPT Quốc gia.

Đồng thời, giảm quyền hạn của những cán bộ của Phòng Khảo thí và Quản lý chất lượng trong các kỳ thi tiếp thao để đề phòng tiêu cực tiếp tục xảy ra.

Vân Nam

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/chinh-tri-xa-hoi/giao-duc/lo-hong-sua-diem-thi-thpt-lam-sao-va-loi-3380300/