Lĩnh vực truyền thống đang bị bỏ ngỏ, mảnh đất màu mỡ cho startup Y tế
Những lĩnh vực như văn hóa, sáng tạo và nông nghiệp vốn là thế mạnh truyền thống cho Việt Nam thì lại ít được quan tâm thậm chí là bỏ ngỏ không khai thác.
Tại Techfest Việt Nam 2019, theo bà Thạch Lê Anh (Nhà sáng lập Vietnam Silicon Valley Accelerator), năm 2019 chứng kiến bước nhảy vọt của thị trường vốn đầu tư mạo hiểm Việt Nam. Nếu như những năm trước đây, Việt Nam chỉ thu hút được 1- 3% tổng vốn đầu tư mạo hiểm của khu vực Đông Nam Á thì nay con số đó đã là 19%, nhảy vọt từ vị trí số 5 lên vị trí số 3, chỉ sau Indonesia và Singapore.
Ngoài ra, các nhà đầu tư Việt Nam cũng ngày càng thể hiện vai trò của mình trong hệ sinh thái khởi nghiệp quốc gia, chiếm 36% tổng thương vụ trong nửa đầu năm 2019. Số lượng startup cũng chứng kiến bước phát triển thần kỳ chỉ trong 6 năm, từ 400 startup ở năm 2012, tăng lên hơn 3.000 startup ở năm 2018.
Tuy nhiên, bà Thạch Lê Anh nhận định sự phát triển khởi nghiệp ở Việt Nam chỉ đang tập trung ở các thành phố lớn dẫn đến các lĩnh vực mà doanh nghiệp khởi nghiệp lựa chọn thường là bán lẻ, thanh toán và giáo dục… Trong khi đó, những lĩnh vực như văn hóa, sáng tạo và nông nghiệp vốn là thế mạnh truyền thống của Việt Nam thì lại ít được quan tâm thậm chí là bỏ ngỏ không khai thác.
Cơ hội rộng mở cho startup y tế
Ở lĩnh vực Y tế, các chuyên gia đều nhận định các sản phẩm ứng dụng trí tuệ nhân tạo, mang lại dịch vụ tiện lợi trong chăm sóc sức khỏe cộng đồng có nhiều cơ hội phát triển khởi nghiệp. Chi tiêu y tế tại Việt Nam được BMI dự báo sẽ đạt giá trị 22,7 tỉ USD vào năm 2021, là một thị trường lớn tạo cơ hội cho các startup. Tuy nhiên, con số startup trong lĩnh vực này tại Việt Nam còn rất khiêm tốn, theo thống kê của Forbes, chỉ dưới 2% trong tổng số hơn 4.000 startup công nghệ y tế tại châu Á.
Theo ông Levi Shapino (Chuyên gia Quỹ Đầu tư mạo hiểm InHealth đến từ Israel), những người khởi nghiệp cần suy nghĩ đơn giản, không nên có động thái thay đổi hệ thống cũ mà cần dựa trên nền tảng cũ để phát triển các dịch vụ và tăng giá trị từ đó. Ông Levi Shapino cho rằng khởi nghiệp trong y tế nên là dịch vụ thay vì tác động nên hệ thống cũ.
Điển hình như thiết bị gắn vào bụng người có thai để theo dõi nhịp tim của thai nhi và người mẹ, sau đó chuyển thông tin lên app. Khi người dùng được cảnh báo có vấn đề, họ có thể gọi đến trung tâm hoặc bác sĩ tư vấn trả lời. Ở đây không chỉ là phát triển app mà là dịch vụ hỗ trợ sau đó…
Trở về từ Nhật Bản, ông Trần Quốc Dũng (chuyên gia khởi nghiệp thị trường Nhật Bản) cũng chỉ ra những xu hướng trong lĩnh vực sức khỏe. Theo đó, các công nghệ đang hỗ trợ đắc lực cho chăm sóc sức khỏe được sử dụng nhiều ở Nhật Bản là y bạ điện tử, thử nghiệm lâm sàng, xét nghiệm máu và tế bào, kiểm soát kháng kháng sinh, lịch sử sử dụng thuốc...
Với Việt Nam, ông Dũng cho rằng các công nghệ nên hướng tới là ứng dụng IoT giám sát chỉ số sức khỏe hay xây dựng hệ thống Telemedicine giảm gánh nặng cơ sở y tế tuyến trên hay các hệ thống nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ y tế. Điển hình như tìm kiếm thông tin, đăng ký dịch vụ, kết nối dữ liệu, kết nối bác sỹ, dược sỹ, chăm sóc sau khi sử dụng dịch vụ... là mảnh đất màu mỡ cho những người có dự định khởi nghiệp trong lĩnh vực này.