Linh thiêng các 'địa chỉ đỏ' dọc dãy Trường Sơn huyền thoại
Hàng năm vào tháng 7, người dân Việt Nam tri ân, tưởng nhớ các anh hùng, liệt sĩ đã ngã xuống vì độc lập, tự do cho Tổ quốc. Chúng tôi về lại Trường Sơn qua đất Quảng Bình, nơi hàng vạn chàng trai, cô gái tuổi mười tám, đôi mươi từng tạm biệt quê hương, thầy cô, bè bạn để lên đường. Và nhiều người đã mãi mãi ở lại Trường Sơn.
Những chiến công của họ luôn được các thế hệ người Việt Nam khắc ghi bởi sự hy sinh tuổi thanh xuân, và cuộc đời của họ như cố nhà thơ Tố Hữu đã viết: “Trường Sơn, xẻ dọc, rọc ngang/ Xẻng tay mà viết nên trang sử hồng/ Trường Sơn, vượt núi, băng sông/ Xe đi trăm ngả, chiến công bốn mùa/ Trường Sơn, đông nắng, tây mưa/ Ai chưa đến đó, như chưa hiểu mình...”.
Đường Trường Sơn qua đất Quảng Bình nơi chia thành 2 nhánh Đông-Tây cũng là nơi giặc Mỹ bắn phá suốt ngày đêm trong những năm lửa đạn chiến tranh. Những ngày qua, hàng ngàn người trong đó có nhiều cựu chiến binh về lại Trường Sơn, họ đến để nhắc nhớ tuổi 20 ra trận và luôn thổn thức về đồng đội, những người còn nằm lại đâu đó trên những địa chỉ đỏ linh thiêng ở Trường Sơn, đó là: cầu Khe Ve, La Trọng, ngầm chữ A, bến phà Xuân Sơn, hang Tám Cô, hang Lèn Hà, Đồng Tiền, Trạ Ang, Cà Roòng, Chà Là, ATP với cua chữ A, ngầm Ta Lê, đèo Pu-La-Nhich…Thắp một nén hương ở Đền tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ Trường Sơn tại Cà Roòng - ATP nằm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ (thuộc xã Thượng Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình), nhiều người đã lặng đi xúc động.
Đây là nơi hội tụ anh linh các liệt sĩ tại trọng điểm Cà Roòng - ATP, nơi giáo dục truyền thống cách mạng cho thế hệ trẻ; là nơi để người dân trên mọi miền Tổ quốc có dịp đi trên con đường Trường Sơn lịch sử có thể thăm viếng, thắp nén tâm nhang tưởng niệm các chiến sĩ đã ngã xuống vì sự nghiệp bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc.
Trong những năm “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước” của cả một thế hệ thanh niên Việt Nam, mảnh đất Quảng Bình là nơi để lại nhiều ký ức bi tráng đối với những người lính, những Thanh niên xung phong (TNXP) trên đường ra trận.
Mảnh đất này cũng là nơi chứng kiến những sự hy sinh anh dũng, những mất mát đau thương, sự đồng cam của tình đồng chí, đồng đội. Sự hy sinh của các liệt sĩ TNXP ở hang Tám Cô có thể nói là một trong những sự kiện bi thương nhất của lực lượng TNXP trong những năm đánh Mỹ. Bởi ở đó, trong phút chốc 8 TNXP đã bị bom giặc "chôn sống" trong hang đá.
Và phải mất gần 30 năm sau các anh, các chị mới được tìm thấy để đưa về đất mẹ. Ngày 14/11/1972, một đội nữ TNXP đang làm đường 20 Quyết Thắng (một tuyến đường ở Trường Sơn) cho xe vào mặt trận, thì máy bay Mỹ lao đến trút bom bắn phá. Để tránh bom, các nữ TNXP của Đại đội C217, Ban Xây dựng 67, Đoàn 559 chạy vào hang đá tránh bom. Bất ngờ một quả bom rơi xuống đánh đá sập lấp kín cả cửa hang.
Sau trận mưa bom của kẻ thù, đồng đội đi tìm và nghe tiếng kêu, gọi cứu của các TNXP trong hang, nhưng do tảng đá hàng trăm tấn ngăn cách, nên đồng đội không biết làm thế nào để cứu họ ra khỏi hang. Nhiều đồng đội đã dùng ống tre rừng xuyên vào trong hang rồi đổ cháo loãng và sữa vào cho đồng đội...
Sau gần 9 ngày như vậy, những tiếng kêu cứu trong hang đá thưa dần và cuối cùng đồng đội chỉ còn nghe tiếng gọi thê thiết "mẹ ơi" rồi tất cả chìm lắng giữa rừng Trường Sơn trong buổi chiều buồn. 8 nữ TNXP đã hy sinh, người lớn tuổi nhất khi đó mới chỉ 37 tuổi, còn 7 người còn lại tuổi từ 18 đến 20, tất cả họ đều có quê ở các xã Hoằng Trường, Hoằng Đạt, Hoằng Ngọc, Hoằng Thịnh, huyện Hoằng Hóa, tỉnh Thanh Hóa. Đến tận năm 1996, khi làm đường qua đây, hài cốt của các liệt sĩ mới được tìm thấy đưa ra khỏi hang để đưa về đất mẹ.
Đi trên con đường Trường Sơn hôm nay, lòng chúng tôi chợt chùng xuống khi nghĩ tới các anh, các chị bộ đội và TNXP khi đến Trường Sơn. Nhiều người tạm biệt mái trường, gia đình đi đánh giặc khi vừa mang một nỗi nhớ thầm.
Trong rất nhiều cuốn nhật ký, hồi ký của những người một thời ra trận đều có những trang viết đầy tài hoa và hoài niệm về các cung đường Trường Sơn. Những lời hứa, lời nhắc nhủ âm thầm, mộng mị của tuổi mười tám, đôi mươi làm thổn thức biết bao thế hệ.
Ông Lê Hùng Phi - nguyên Chủ tịch Mặt trận tỉnh Quảng Bình kể cho tôi nghe câu chuyện xúc động. Năm 1968, đoàn chiếu phim của Quảng Bình lên Trường Sơn chiếu phim phục vụ động viên bộ đội, TNXP. Biết có đoàn chiếu phim đến, nên từ chiều hàng trăm nữ TNXP đã không kịp ăn tối, lội suối, trèo đèo đến điểm chiếu phim để xem.
Máy quay vừa lên hình thì máy bay Mỹ ập tới ném bom. Gần 20 nữ TNXP mất trong loạt bom đầu. Sau đó, khi máy bay Mỹ rút đi, đoàn chiếu phim xếp thi thể chị em nằm thẳng hàng và bật máy chiếu hết bộ phim cho chị em “xem lần cuối”. Hàng ngàn TNXP và đoàn chiếu phim vỡ òa trong nước mắt khóc thương đồng đội...
Và đây, hang Lèn Hà vẫn là địa chỉ đỏ nhắc nhớ các thế hệ tri ân về sự anh dũng hy sinh của 13 người lính thông tin trong một chiều hè nắng gió năm 1971. Hang Lèn Hà, nơi trạm cơ vụ A69 đóng quân nằm trong rừng già giữa dãy Trường Sơn.
Lèn Hà cao chừng 150m, lưng chừng núi có một hang đá rộng khoảng 420m2, được các chiến sĩ của binh trạm cải tạo thành nơi đặt máy móc điện đàm, dưới núi là rừng cây rậm rạp rất dễ ngụy trang được xây dựng khu nhà nghỉ ngơi, sinh hoạt của các cán bộ, chiến sĩ Binh trạm A69. Tại khu vực binh trạm, giặc bắn phá suốt ngày đêm nhưng những chàng trai cô gái của núi rừng vẫn hiên ngang, bình tĩnh tạo nên một mạng lưới thông tin thông suốt từ hậu phương đến tiền tuyến.
Ngày hè đỏ lửa (2/7/1972), trong lúc các chiến sĩ Binh trạm A69 đang làm nhiệm vụ, máy bay giặc ập đến bất ngờ bắn pháo khói vào nhà ăn của trạm để chỉ điểm, chưa đầy 5 phút sau, 2 máy bay B52 đến ném bom, đánh phá, cả khu vực trạm cháy không ngừng. Bom đạn đã cướp đi tuổi thanh xuân của 13 chiến sĩ tại binh trạm, trong đó có 10 chiến sĩ là nữ giới. Trong số 13 chiến sĩ hang Lèn Hà hy sinh có 3 người là nam giới gồm Đàm Văn Trình, Trần Văn Xay và Dương Văn Chấn.
10 chiến sĩ nữ hy sinh tại hang Lèn Hà duy chỉ có chị Vũ Thị Lan lớn tuổi hơn. 9 chị em còn lại họ đều rất trẻ, có người vừa bước qua tuổi 16-17 như chị Chu Thị Mạnh và Ngô Thị Luận, Nguyễn Thị Anh, Lê Thị Châm, Cao Thị Xuyến, Trần Thị Loan, Nguyễn Thị Thảo, Hoàng Thị Linh, Bùi Thị Lung.
Chúng tôi đến hang Lèn Hà, thắp một nén nhang và nhìn khói hương bay trong chiều bảng lảng của tâm linh và hoài niệm. 13 bát nhang nằm cạnh nhau, khói hương bay trong chiều diệu vợi, tôi chợt nghĩ tới những sự trùng hợp đến kỳ lạ. Cách hang Lèn Hà không xa (khoảng 50km), cũng trên trục trường Trường Sơn, có hang Tám Cô, nơi đó cũng có 13 người lính và TNXP hy sinh.
Và ở Truông Bồn, số chiến sĩ hy sinh trong một ngày định mệnh cũng là 13 người. Nếu ở ngã ba Đồng Lộc có 10 nữ TNXP hy sinh cùng lúc thì ở hang Lèn Hà cũng có 10 chiến sĩ nữ hy sinh... Những cái chết bất tử của các anh, các chị trên Trường Sơn huyền thoại làm cho khí thiêng của đất trời Việt Nam mãi trường tồn.