Liều thuốc nào cho Covid-19?

Người ta đang đổ hàng tỷ USD vào các hoạt động nghiên cứu, phát triển và thử nghiệm, với hy vọng sớm tìm ra vaccine ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 và chấm dứt cuộc khủng hoảng Covid-19 đang phủ bóng đen chết chóc khắp thế giới. Nhưng có vẻ như ngay cả khi một loại vaccine hữu hiệu ra đời, câu chuyện xoay quanh vấn đề này vẫn chưa kết thúc.

Gần đây, một cuộc tranh cãi về vaccine nổ ra khi Giám đốc điều hành Tập đoàn dược phẩm Sanofi, ông Paul Hudson, tuyên bố Mỹ sẽ được ưu tiên nhận vaccine phòng ngừa Covid-19 nếu hãng này bào chế thành công và khẳng định cường quốc số một thế giới có quyền đặt hàng trước với số lượng lớn nhất, vì quốc gia này đã đầu tư vào quá trình nghiên cứu. Tuyên bố của lãnh đạo tập đoàn có trụ sở đặt tại thủ đô Paris ngay lập tức vấp phải sự phản đối kịch liệt từ Tổng thống Emmanuel Macron và các quan chức hàng đầu của Pháp. Theo quan điểm được phát đi từ Phủ tổng thống Pháp, vaccine phòng ngừa Covid-19 phải được sử dụng cho dân chúng toàn cầu, chứ không liên quan đến các yếu tố thị trường và cũng không một quốc gia nào được quyền ưu tiên. Thứ trưởng Kinh tế Pháp Agnes Pannier-Runacher thậm chí còn nói thẳng rằng một khi tìm ra vaccine, Tập đoàn Sanofi cũng không nên ưu tiên cho Mỹ quyền tiếp cận đầu tiên. "Với chúng tôi, sẽ không thể chấp nhận được có sự tiếp cận đặc quyền cho một quốc gia như vậy vì những lý do tài chính", ông Pannier-Runacher khẳng định.

 Thử nghiệm vaccine ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: AFP.

Thử nghiệm vaccine ngăn ngừa virus SARS-CoV-2 tại Đại học Copenhagen, Đan Mạch. Ảnh: AFP.

Những lời phản đối khởi nguồn từ nước Pháp sau đó đã lan sang cả châu Âu và các khu vực khác trên thế giới. Nhiều nguyên thủ và cựu nguyên thủ các nước đã lên tiếng kêu gọi Đại hội đồng Y tế thế giới cần bảo đảm rằng bất kỳ loại vaccine cũng như phương pháp điều trị Covid-19 nào cũng cần được phân phối một cách công bằng cho người dân trên toàn thế giới. Quan điểm chung của lãnh đạo nhiều quốc gia là khi một loại vaccine an toàn và hiệu quả được phát triển, nó phải nhanh chóng được sản xuất quy mô lớn, dễ dàng đến được với tất cả mọi người ở tất cả các quốc gia.

Trước những phản ứng mạnh mẽ như trên, hãng Sanofi cuối cùng đã phải thay đổi quan điểm bằng tuyên bố, rằng nếu họ tìm ra được loại vaccine ngăn ngừa Covid-19, mọi quốc gia đều có khả năng tiếp cận.

Đến nay, hàng loạt quốc gia trên khắp thế giới đã bắt tay vào nghiên cứu, thử nghiệm điều chế thuốc và vaccine phòng, chống Covid-19. Điển hình như tại Mỹ, ước tính hiện có ít nhất 14 loại vaccine đang được điều chế theo chương trình “Operation Warp Speed” của chính quyền Tổng thống Donald Trump và Nhà Trắng đặt mục tiêu có được 300 triệu liều vaccine vào cuối năm nay. Trong khi đó, một nhóm các nhà nghiên cứu y khoa của Ấn Độ cho biết nước này cũng đang trong giai đoạn phát triển hơn 30 loại vaccine, trong đó có một số loại đã bước vào giai đoạn thử nghiệm. Công ty dược phẩm Shionogi & Co. của Nhật Bản thì thông báo đang chuẩn bị tiến hành các thử nghiệm lâm sàng và hy vọng sẽ cho ra mắt vaccine ngừa virus SARS-CoV-2 vào năm tới…

Nhưng, những tín hiệu trong cuộc chạy đua tìm vaccine ngăn ngừa Covid-19 cũng dẫn tới một cuộc cạnh tranh đáng lo ngại về quyền ưu tiên tiếp cận ngay từ khi loại vaccine chưa chính thức ra đời. Trong bối cảnh vaccine ngăn ngừa Covid-19 đang trở thành nhu cầu và mục tiêu toàn cầu, Hội Chữ thập đỏ và Trăng lưỡi liềm đỏ quốc tế (IFRC) mới đây cảnh báo rằng, những hành động hay quyết định đơn phương có thể ảnh hưởng tới cơ hội tiếp cận vaccine của tất cả mọi người, đặc biệt là người dân ở các nước nghèo.

Thực tế ấy càng chứng tỏ rằng, nỗ lực dập tắt đại dịch Covid-19 đang vấp phải nhiều trở ngại. Nhiệm vụ nan giải trước mắt không chỉ là tìm ra một loại vaccine đặc trị càng sớm càng tốt, mà song song với đó, phải ngăn chặn khả năng thứ vaccine chưa rõ hình hài ấy biến thành liều thuốc kích thích cho một cuộc giành giật trên phạm vi toàn cầu.

TRUNG DŨNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/thoi-su-quoc-te/doi-song-quoc-te/lieu-thuoc-nao-cho-covid-19-618512