Liệu Nga có gia hạn lệnh ngừng bắn trong lĩnh vực năng lượng với Ukraine?

Với những diễn biến hiện tại, việc Nga có quyết định gia hạn lệnh ngừng bắn năng lượng với Ukraine hay không vẫn còn là một dấu hỏi lớn.

Một kho chứa nhiên liệu Nga bốc cháy do các cuộc tấn công bằng UAV từ Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/RT

Một kho chứa nhiên liệu Nga bốc cháy do các cuộc tấn công bằng UAV từ Ukraine. Ảnh: Bộ Quốc phòng Nga/RT

Theo báo Izvestia (Nga) ngày 16/4, lệnh ngừng bắn năng lượng kéo dài 30 ngày giữa Nga và Ukraine, có hiệu lực từ ngày 18/3, đang đứng trước nguy cơ không được gia hạn khi Moskva cáo buộc Kiev vi phạm thỏa thuận hơn 100 lần. Bất chấp các cam kết, các cuộc tấn công hàng ngày bằng thiết bị bay không người lái, tên lửa HIMARS và pháo kích vẫn diễn ra thường xuyên. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nhấn mạnh: "Lệnh tạm dừng này đã và đang không được các lực lượng vũ trang Ukraine tuân thủ".

Đánh giá về vấn đề trên, chuyên gia quân sự Nga Vasily Dandykin, quân đội Ukraine đã nhiều lần nhắm mục tiêu vào các cơ sở năng lượng trên lãnh thổ Nga, bao gồm cả những cơ sở liên quan đến việc truyền tải năng lượng sang châu Âu và Kazakhstan, sử dụng cả thiết bị bay không người lái có tầm bay hàng trăm km và tên lửa HIMARS (dù ở mức độ ít hơn). Ông Dandykin nhận định, hệ thống phòng không của Nga đã ngăn chặn được sự tê liệt hoàn toàn của hệ thống năng lượng, dù các cuộc tấn công của Ukraine gây ra những gián đoạn cục bộ.

Nhà phân tích Tigran Meloyan tại Trung tâm Nghiên cứu Địa Trung Hải thuộc Trường Kinh tế Cao cấp có trụ sở tại Moskva lại không thấy đủ lý do để Nga gia hạn lệnh ngừng bắn năng lượng, ngoại trừ một động thái mang tính biểu tượng.

Theo chuyên gia Meloyan, việc Moskva và Washington phác thảo lệnh ngừng bắn năng lượng nằm trong bối cảnh thảo luận về việc khôi phục sáng kiến Biển Đen. Do đó, việc Kiev "liên tục vi phạm lệnh ngừng bắn có thể làm suy yếu triển vọng khôi phục thỏa thuận ngũ cốc quan trọng này", trong bối cảnh thiếu tin tưởng vào khả năng tuân thủ thỏa thuận. Đáng chú ý, Thổ Nhĩ Kỳ, bên đã tạo điều kiện cho thỏa thuận ngũ cốc năm 2022, đang tổ chức một cuộc họp an ninh Biển Đen kéo dài hai ngày mà không có sự tham gia của Moskva.

Trong khi đó, tờ Kyiv Independent (Ukraine) dẫn lời người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ukraine Heorhii Tykhyicho biết vào ngày 16/4 rằng Nga đã vi phạm lệnh ngừng bắn một phần liên quan đến cơ sở hạ tầng năng lượng hơn 30 lần kể từ khi thỏa thuận được thống nhất vào tháng 3 năm nay, nhắm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng trên khắp Ukraine.

Ông Tykhyi phát biểu trong một cuộc họp báo: "Chúng tôi thường xuyên gửi thông tin chi tiết về từng hành vi vi phạm này tới các quốc gia đối tác và trụ sở chính của các tổ chức quốc tế", lưu ý rằng có ba vụ vi phạm được ghi nhận trong 24 giờ qua. Các cuộc tấn công của Nga đã làm hỏng các máy biến áp ở vùng Mykolaiv và gần Kherson cũng như một đường dây truyền tải điện ở vùng Poltava.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã đồng ý tạm dừng các cuộc tấn công vào cơ sở hạ tầng năng lượng trong 30 ngày trong cuộc điện đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump vào ngày 18/3, được cho là ra lệnh ngừng các cuộc tấn công vào hệ thống năng lượng của Ukraine. Lệnh ngừng bắn năng lượng nhằm bảo vệ cơ sở hạ tầng điện khỏi các cuộc tấn công và đã có hiệu lực kể từ ngày 25/3.

Thỏa thuận ngừng bắn một phần được nhất trí vào tháng 3 cũng bao gồm lệnh ngừng bắn trên biển ở Biển Đen. Là một phần của thỏa thuận, Mỹ cam kết hỗ trợ xuất khẩu nông sản và phân bón của Nga bằng cách giảm chi phí bảo hiểm hàng hải và cải thiện khả năng tiếp cận các cảng và hệ thống thanh toán.

Điện Kremlin tuyên bố rằng sự tham gia của nước này vào lệnh ngừng bắn một phần ở Biển Đen sẽ chỉ bắt đầu khi một số lệnh trừng phạt của phương Tây được dỡ bỏ. Trước đó, Ukraine và Mỹ đã nhất trí ngừng bắn hoàn toàn trong 30 ngày trong các cuộc đàm phán tại Jeddah vào ngày 11/3. Nga đã bác bỏ đề xuất này trừ khi nó bao gồm cả việc ngừng hoàn toàn viện trợ quân sự nước ngoài.

Theo Kyiv Independent, trong suốt cuộc chiến toàn diện, Nga liên tục nhắm vào lưới điện của Ukraine bằng các cuộc tấn công tên lửa và thiết bị bay không người lái (UAV). Để đáp trả, Ukraine đã sử dụng UAV tầm xa để tấn công các cơ sở dầu khí sâu bên trong lãnh thổ Nga.

Trong khi đó, theo TASS, Mỹ, thông qua phát ngôn của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Tammy Bruce, tuyên bố rõ ràng rằng họ không có ý định thảo luận về bất kỳ khả năng nới lỏng lệnh trừng phạt chống Nga nào cho đến khi có một lệnh ngừng bắn thực sự ở Ukraine. Bà Bruce nhấn mạnh rằng Washington chưa nhận được chỉ thị nào từ Nhà Trắng về việc soạn thảo danh sách các lệnh trừng phạt có thể được nới lỏng, và khẳng định sẽ không có đàm phán hay bất kỳ sự sắp xếp nào cho đến khi "cuộc giao tranh chấm dứt".

Về phía Nga, Điện Kremlin vẫn kiên định coi mọi lệnh trừng phạt chống lại nước này là bất hợp pháp và mong muốn chúng được dỡ bỏ hoàn toàn.

Vũ Thanh/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/lieu-nga-co-gia-han-lenh-ngung-ban-trong-linh-vuc-nang-luong-voi-ukraine-20250417170131701.htm