Liệu AI có là đối thủ của nghệ sĩ

Thử hỏi điều gì đang chiếm lĩnh đầu óc của nhiều nghệ sĩ phương Tây thì người hỏi sẽ nhận được không ít câu trả lời giống nhau: Trí tuệ nhân tạo.

Vào tháng 4/2022, Công ty Nghiên cứu Trí tuệ nhân tạo (AI) OpenAI ở Mỹ đã công bố sản phẩm mới nhất của họ: DALL-E 2, một dịch vụ sử dụng AI để sáng tác ra những bức tranh, tấm ảnh, v.v... dựa trên các từ khóa do người dùng đề ra. DALL-E 2 chỉ mới đi vào hoạt động hơn nửa năm nay nhưng đã khơi nên những cuộc tranh luận về vai trò của AI trong nghệ thuật và liệu máy tính có trở thành đối thủ cạnh tranh trực tiếp của nghệ sĩ.

Chất xám và vi mạch

Việc sử dụng máy tính để sáng tác thay người không phải là mới. Vào năm 1953 nhà lập trình người Anh Christopher Strachey đã "dạy" cho một cỗ máy tính Ferranti Mark 1 cách "viết" những bức thư tình ngắn. Ông nhập vào máy tính một số câu mẫu cùng bộ từ điển từ đồng nghĩa. Máy tính chỉ cần biết chỗ trống nào trong câu mẫu điền danh từ, động từ, tính từ, v.v… là đã soạn được thư. Chỉ với vốn từ vỏn vẹn 70 từ mà chiếc máy tính thuở sơ khai đã có thể soạn ra 300 tỷ lá thư tình khác nhau.

Một số bức tranh về robot do AI vẽ.

Về căn bản thì DALL-E và những AI hiện đại hoạt động không khác gì nhiều so với phần mềm do Christopher Strachey viết ra. Máy tính sẽ tham khảo hàng triệu bức tranh, tấm ảnh, cuốn sách, v.v… khác nhau để tìm ra những môtíp, đường nét, chuỗi lôgích giống nhau trong nhiều tác phẩm. AI sau đó sẽ phân tích kết quả mình rút ra được thành từng bước một, rồi dựa vào quy trình đó mà sáng tác ra tác phẩm mới.

Vào năm 2018, các nhà nghiên cứu đến từ OpenAI, Đại học Washington, Đại học San Francisco và Viện nghiên cứu Allen (Mỹ) đã tìm ra một phương pháp mới để đẩy nhanh tốc độ và độ chính xác trong việc học hỏi của AI. Tiến sĩ Myle Ott, một cố vấn cấp cao của tập đoàn Meta, giải thích: "Phương pháp mới hiện nay là xây dựng mô hình ý nghĩa. Lấy ví dụ sau: Tôi viết một câu "Tổng thống George Bush sinh năm…" rồi yêu cầu AI điền vào chỗ trống. Máy tính sẽ phải tra tìm vốn ngôn ngữ sẵn có để tìm ra từ thích hợp nhất điền vào. Lặp lại quá trình này hàng triệu lần thì AI sẽ hiểu được ít nhiều cách xử lý thông tin dựa trên bối cảnh… Xây dựng mô hình ý nghĩ giúp AI không chỉ đưa ra sự lựa chọn chính xác mà còn đưa ra sự lựa chọn giống người".

"Người tiền nhiệm" của DALL-E 2 là DALL-E ra mắt công chúng vào tháng 1/ 2021 và nhận được nhiều lời khen của giới chuyên gia về mức độ chân thật của các bức tranh do mình tạo ra. Điểm ưu việt của DALL-E 2 so với phiên bản trước là tăng độ thân thiện đối với người dùng không chuyên. Kể cả khi người dùng dịch vụ không biết gì về AI và đưa ra những từ khóa chẳng liên quan gì với nhau, DALL-E 2 vẫn hoàn toàn đưa ra sản phẩm. Một bức ảnh chụp chú chó Nhật đội mũ bêrê và mặc áo len đan? Một bức tranh vẽ tòa lâu đài xây trên mây bằng bánh răng? DALL-E 2 có thể sáng tạo ra các tác phẩm mà nhiều người thường khó có thể hình dung được.

Không ít nghệ sĩ từng sử dụng DALL-E 2 đã tỏ lời khen ngợi dịch vụ này. Nhà điêu khắc người Mỹ Benjamin Von Wong nhận xét: "Tôi không tự tin vào khả năng vẽ nháp của mình, vậy nên DALL-E quả là "món quà trời cho". Tôi chỉ cần nghĩ ra các từ khóa miêu tả ý tưởng của bản thân rồi giao cho trí tuệ nhân tạo phác họa ra. Việc tôi phải làm duy nhất sau đó là chỉnh sửa bản vẽ cho thật vừa ý mình".

Họa sĩ, nhà thiết kế Mỹ Aza Raskin hồi đầu năm nay đã sử dụng trí tuệ nhân tạo để giúp dàn dựng một đoạn clip ca khúc cho ca sĩ Zia Cora. Aza Raskin cho biết: "Có quá nhiều yếu tố khác nhau ảnh hưởng đến chất lượng của một MV ca nhạc. AI có khả năng tính toán những yếu tố luôn biến động để tạo ra sản phẩm "nháp", từ đó giúp người thiết kế MV tiết kiệm được một khoảng thời gian và công sức đáng kể".

Rất có thể AI sẽ trở thành một công cụ mới giúp các nghệ sĩ sáng tác.

Không phải ai cũng tỏ thái độ hoan nghênh AI. Một câu hỏi mà nhiều nghệ sĩ đang đặt ra là liệu AI có thể thay thế họ làm công việc sáng tạo hay không? Hiện còn quá sớm để đưa ra một kết luận chính xác, nhưng cứ dựa theo xu hướng tự động hóa trong công nghiệp, nhiều khả năng những nghệ sĩ nào không thay đổi được cách tiếp cận với nghệ thuật của mình sẽ bị xã hội đào thải khi AI trở nên phổ biến hơn. Nói cách khác, phương pháp để tồn tại trong thời đại mới là tìm ra những điểm yếu của AI trong sáng tác để tự mình chiếm lĩnh "mảng" thị trường đó.

Nhà phê bình Mike Jay viết trên Tạp chí The New York Review (Mỹ): "Thứ mà máy tính làm tốt hơn chúng ta là nhận diện môtíp, nhịp điệu, v.v... Thứ mà máy tính làm tồi hơn chúng ta là hiểu được ngữ nghĩa của từ khi đặt trong một bối cảnh nhất định… Bạn đọc hãy thử tìm những bài thơ do AI viết. Những bài thơ này về mặt vần, điệu nói chung là ổn, nhưng về mặt ý nghĩa thì không. Câu từ rời rạc đến mức khiến người ta nghĩ rằng tác giả mở ngẫu nhiên quyển từ điển chỉ để tìm những từ vần với nhau đặt vào bài thơ".

Nhiếp ảnh gia, nhà văn, nhà giáo David R. Munson (Mỹ) có cùng chung quan điểm này. Ông cho biết: ""Nói" với AI cũng như nói với người ngoài hành tinh vậy. Tôi nghĩ rằng cho dù AI có hiện đại đến đâu đi nữa, cách suy nghĩ của chúng vẫn không thế giống người. Cùng những từ khóa đó con người nhìn một kiểu, máy móc lại nhìn kiểu khác… Có lần tôi yêu cầu DALL-E vẽ "một nồi hầm thịt nhân hóa cầm quyển Kinh Thánh trong tay". Kết quả là AI vẽ ra con rối làm từ xương và thịt… Nhiều lúc tôi nghĩ AI cũng suy nghĩ giống như trẻ con khi chưa bị "vẩn đục" bởi lối nghĩ của người lớn".

DALL-E chỉ là một trong số hàng chục dịch vụ sáng tác bằng AI đang được phổ biến đại chúng. Những cái tên như Craiyon, Wombo và Midjourney đang nhận được sự chú ý về khả năng sáng tác và tính dễ sử dụng. Còn hai AI do Google phát triển là Parti và Imagen đang trong quá trình thử nghiệm trước khi được tích hợp vào các dịch vụ khác của tập đoàn công nghệ. Nhiều người đã nghĩ đến tiềm năng của AI trong việc minh họa bìa báo, bìa CD, băng rôn quảng cáo, v.v… Không ít nghệ sĩ nhìn thế mà lo vì đây toàn là những công việc kiếm được nhiều tiền cho họ hơn là sáng tác không thôi.

Của ai?

Một vấn đề khác đang được tranh luận sôi nổi là quyền sở hữu trí tuệ các tác phẩm do AI tạo ra. Về lý thuyết thì AI không thể "sáng tạo" ra cái gì mới. Bất kỳ thứ gì được AI tạo ra đều được rút ra và tổng hợp từ vô số ví dụ khác nhau. Những người phản đối AI cho rằng vì vậy nên các tác phẩm do AI tạo ra không nên được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, và nếu nghệ sĩ phát hiện tác phẩm của mình được AI dùng làm tài liệu để từ đó tạo ra sản phẩm kiếm lời thì người nghệ sĩ có quyền kiện ra tòa đòi tiền tác quyền.

Ở phía bên kia "chiến tuyến", những người ủng hộ AI cho rằng chúng ta phải có cái nhìn thực tế về khả năng sáng tạo của con người. Rudolf Pfunc, một nhà lập trình người Đức làm việc cho Microsoft, cho biết: "Không có thứ gì được tạo ra từ chân không. Kể cả các tác phẩm mang tính siêu hình nhất cũng được nghệ sĩ lấy cảm hứng từ đời thực mà sáng tác ra. Họ cũng phải học hỏi phương pháp thể hiện ý tưởng của mình từ những người đi trước. Xét trên khía cạnh này, nói rằng AI có "sáng tác" mà không "sáng tạo" thì thật là bất công. Cách suy luận và liên tưởng của AI khác con người, nhưng nguyên tắc chúng tuân theo không khác chúng ta".

Từ đầu năm đến nay Bộ Tư pháp Mỹ đã hai lần bác đơn yêu cầu đưa tác phẩm nghệ thuật do AI tạo ra vào danh mục tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả. Ý kiến chung của công luận cũng là vẫn còn quá sớm để tính đến việc coi AI và người sở hữu, sử dụng AI như những cá thể luật pháp. Các công ty cung cấp dịch vụ AI như OpenAI cũng yêu cầu người dùng không thương mại hóa tác phẩm được AI tạo ra. Họ còn tuyên bố không lấy bừa bãi tác phẩm của người khác làm ví dụ để AI học hỏi mà sẽ trả tiền cho các cá nhân, tổ chức nắm quyền sở hữu tác phẩm nghệ thuật.

Liệu sẽ có ngày tác phẩm nghệ thuật AI từ chỗ chỉ dành để tham khảo trở thành sản phẩm thương mại? Điều đó đã xảy ra cách đây 4 năm. Vào cuối tháng 10 năm 2018, sàn đấu giá Christie's tại New York, Mỹ bán thành công bức tranh "Edmond de Belamy" với giá $432,500. Bức tranh là ý tưởng của hội nghệ sĩ Obvious ở Pháp. Obvious đã tự tạo ra thuật toán để máy tính sáng tạo ra một series tranh mang tên "Gia đình de Belamy". Bức "Edmond de Belamy" là một bức trong bộ sưu tập đó. Ban đầu Christie's chỉ dự tính bán được bức tranh với giá từ 7.000 đến 10.000 USD.

Nhà bình luận John Warner viết trên tờ Chicago Tribune: "Không ít nghệ sĩ có cảm giác rằng xu hướng phát triển của AI trong nghệ thuật trong tương lai gần sẽ không phụ thuộc vào ý kiến của họ. Những người có tiếng nói thật sự ở đây là các ông chủ nhà xuất bản, chủ gallery, tổng biên tập, giám đốc hãng đĩa, v.v… Cho dù nghệ sĩ và xã hội nghĩ thế nào về AI đi nữa, cách mà nền nghệ thuật bị thay đổi bởi trí tuệ nhân tạo rốt cuộc sẽ phụ thuộc vào tư bản. Trừ khi các nghệ sĩ tìm được tiếng nói chung để đi đến hành động tập thể, sự lựa chọn duy nhất còn lại cho họ là tìm cách sống trong một thế giới của AI".

Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/ly-luan/lieu-ai-co-la-doi-thu-cua-nghe-si-i676496/