Liên kết doanh nghiệp và nông dân: Động lực phát triển nền sản xuất hàng hóa

Trong tổng số 50.000 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nông nghiệp thực chất chỉ có 1.000 doanh nghiệp trực tiếp liên kết với nông dân.

Liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân còn yếu

Dù có nhiều cơ hội sau hội nhập quốc tế, nhưng xuất khẩu nông sản Việt Nam luôn phải đối mặt với rào cản thương mại ngày càng phức tạp, khắt khe. Theo Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn, nông sản Việt muốn chinh phục được nhiều thị trường khó tính hơn, vững vàng tìm chỗ đứng ở “chợ” thế giới thì phải đảm bảo yếu tố, ngon, an toàn và đẹp.

Ông Tuấn cũng cho rằng, bối cảnh nền kinh tế thế giới ngày càng mở rộng trong các mối quan hệ song phương, đa phương, người nông dân không thể đơn thương độc mã đi ra “chợ” thế giới. Theo thống kê, hiện có khoảng 55.000 doanh nghiệp tham gia vào chuỗi sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, chiếm 8% số lượng DN cả nước. Ngoài ra, còn có 13.000 HTX nông nghiệp, 40 liên hiệp HTX đóng vai trò kết nối, liên kết với 10 triệu hộ làm nông nghiệp để tổ chức sản xuất.

"Liên kết nông dân với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị là con đường tất yếu, là giải pháp, động lực để chúng ta phát triển nền sản xuất hàng hóa" - Thứ trưởng Thường trực Bộ NNPTNT Hà Công Tuấn nói.

Với việc tăng trưởng đáng kể về kim ngạch xuất khẩu, giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích tăng lên đã chứng minh được vị trí, vai trò đầu tàu của doanh nghiệp trong việc dẫn dắt liên kết trong chuỗi giá trị. Nếu chỉ có một mình nông dân, chắc chắn con đường của họ chỉ ra đến chợ làng, chợ huyện, còn vươn ra chợ thế giới thì phải có vai trò của doanh nghiệp. Liên kết nông dân với doanh nghiệp trong chuỗi giá trị là con đường tất yếu, là giải pháp, động lực để chúng ta phát triển nền sản xuất hàng hóa.

“Tuy nhiên, hiện nay, mối liên kết giữa doanh nhân và nông dân trong chuỗi giá trị chưa được như mong muốn, trong tổng số 50.000 doanh nghiệp tham gia lĩnh vực nông nghiệp thực chất chỉ có 1.000 doanh nghiệp trực tiếp liên kết với nông dân phát triển sản xuất; tương tự như vậy chỉ có khoảng 1.000 hợp tác xã có mô hình liên kết với nông dân”- ông Tuấn nói.

Cần chế tài bảo lãnh cho doanh nghiệp đầu tư

Là một doanh nghiệp có thương hiệu, lịch sử phát triển 24 năm và đã khẳng định được chất lượng, uy tín trên thị trường trong nước và đang hướng tới xuất khẩu sang thị trường quốc tế, bà Bùi Thị Hạnh Hiếu - TGĐ Công ty kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh cho biết: Từ các hiệp định CPTPP tới EVFTA, doanh nghiệp thực sự được hưởng lợi rất nhiều, đặc biệt về vấn đề miễn thuế. Đây là nỗ lực của Chính phủ cũng như Bộ Công thương đã tạo ra cơ hội "Thế giới là ngôi nhà chung", các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam được đua hương tỏa sắc trên thị trường thế giới.

Nhưng bên cạnh đó cũng có những bất lợi khi chúng ta chưa bắt kịp xu thế, chưa theo kịp về chất lượng cũng như về các tiêu chuẩn của sản phẩm. “Các vấn đề đó khiến chúng ta dễ bị đối thủ cạnh tranh cũng như các sản phẩm của thế giới hội nhập khiến chúng ta sẽ mất đi cơ hội kinh doanh của mình. Nếu như nông dân Việt Nam và các nhà tổ chức sản xuất không tạo ra một giá trị cơ bản, không có một chiến lược từ vùng trồng cho đến quy hoạch vùng”, bà Hạnh Hiếu cho biết.

Cũng theo TGĐ Công ty Bảo Minh, cây lúa là cây bền vững nhất của nông nghiệp Việt Nam, nhưng phải giải được bài toán tổng sản lượng của Việt Nam, trồng được bao nhiêu, loại gì và giá cả nó sẽ ở mức nào, chúng ta cạnh tranh ở đâu và hướng đến thị trường nào, đồng thời phải có khung giá và thiết lập chiến lược từ chất lượng cho đến giá cả cạnh tranh cho sản phẩm. Đây là một bài toán, là thách thức không phải làm được ngay lập tức, nhưng nếu không nhanh chóng thì chúng ta sẽ mất cơ hội.

Chia sẻ kỹ hơn về vấn đề này, bà Hạnh Hiếu nhận định: để ổn định vùng trồng thì phải cơ cấu về nguồn lực của địa phương, người tổ chức sản xuất – trực tiếp là chủ tịch HTX có vai trò rất quan trọng. Đây là một trong những vị trí rất khó để ổn định vì công việc này rất khó khăn, khó khăn đó ảnh hưởng trực tiếp đến hàng hóa, doanh nghiệp, có thể khiến giá cả bấp bênh và chất lượng vùng trồng không được tuân thủ.

Cần có chế tài bảo lãnh cho doanh nghiệp khi doanh nghiệp đầu tư vào quy hoạch vùng trồng, nâng tầm giá trị nông sản Việt

Rủi ro cao nhất, hay gặp phải nhất chính là việc khi công ty đầu tư vào các vùng trồng nhưng đến khi thu hoạch thường sẽ không mua lại được theo đúng sản lượng. Khi gạo tại vùng trồng mà doanh nghiệp đầu tư đạt tiêu chuẩn rất ngon, những tiểu thương hiểu được điều đó nên sẽ đến mua với mức giá cao hơn doanh nghiệp đầu tư, mà người nông dân thích giá cao, họ sẵn sàng bán ra ngoài... Bảo Minh mất rất nhiều công sức cũng như giá trị đầu tư từ nền tảng ban đầu để thu hoạch được sản lượng như cam kết.

"Chúng tôi mong muốn có những điều khoản, điều luật để làm sao chúng tôi được bảo lãnh bởi các cơ quan nhà nước, bảo lãnh tại Sở và có những luật nghiêm khắc đối với các bên khi chúng tôi đầu tư quy hoạch vùng trồng", TGĐ Công ty kinh doanh chế biến nông sản Bảo Minh kiến nghị.

Đối với riêng Bảo Minh với rất nhiều năm thương hiệu, cũng xuất khẩu khá nhiều, công ty đã gây dựng uy tín của mình bằng việc chọn những vùng cơ bản, tin cậy mà công ty đã tập dượt rất nhiều năm để tạo ra chất lượng hàng hóa đạt tiêu chuẩn mang đi xuất khẩu trên thế giới.

Tuy nhiên, đây là vấn đề của phát triển bền vững, lâu dài chứ không phải ngày một ngày hai. "Khi bán cho doanh nghiệp các sản phẩm sẽ được đi ra thị trường thế giới, nhưng nếu bán cho thị trường trôi nổi thì có nghĩa sản phẩm đó không có tên tuổi, rất ngắn ngày, không phải bền vững", và nếu năm nay người dân họ bán ra ngoài, sang năm họ cũng không trả sản lượng cho doanh nghiệp thì chắc chắn sẽ phá vỡ vùng trồng, không thể làm được nông nghiệp hữu cơ, làm được chất lượng an toàn vì để làm được điều đó phải có hệ địa lý, sinh thái của cây trồng", bà Hạnh Hiếu chia sẻ.

Bảo Loan - Dương Thành

Nguồn DĐDN: https://enternews.vn/rao-can-thuong-mai-ngay-cang-phuc-tap-trong-xuat-khau-nong-san-159374.html