Liêm sỉ cán bộ
Ăn tiêu đến mức một cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện phải nợ nần tới hơn 50 tỷ đồng thì quả là không còn gì để nói.
UBKT Tỉnh ủy Thanh Hóa vừa có quyết định kỷ luật hàng loạt cán bộ Huyện ủy, UBND huyện Yên Định về hành vi “ăn chằng, uống chịu”. Có tới hàng chục cán bộ vừa đương chức, vừa nghỉ hưu của huyện Yên Định phải nhận các hình thức cảnh cáo, khiển trách liên quan tới khoản nợ hơn 50 tỷ đồng đối với cán bộ nhân viên cơ quan Huyện ủy, UBND huyện Yên Định.
Cụ thể, UBKT Tỉnh ủy Thanh Hóa đã thi hành kỷ luật cách chức vụ trong đảng đối với nguyên Bí thư Huyện ủy Hoàng Cao Thắng và nguyên Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Yên Định Ngô Thị Hoa.
Việc có tới hai cán bộ từng giữ chức “to nhất” huyện Yên Định bị cách hết chức vụ trong đảng vì hành vi “ăn chằng, uống chịu”... là một điều “xưa nay hiếm”. Hiếm là bởi “bầu sữa” ngân sách cũng không đủ khỏa lấp số tiền “tiếp khách” của cán bộ huyện.
Người xưa nói, miếng ăn là miếng nhục. Ăn tiêu đến mức một cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện phải nợ nần tới hơn 50 tỷ đồng thì quả là không còn gì để nói.
Thông thường, một cơ quan chính quyền cấp xã đã có thể “thoải mái” chi tiêu tiền từ nguồn ngân sách nhà nước, không đến nỗi phải nợ nần chồng chất như vậy. Ấy thế mà cơ quan Huyện ủy, UBND huyện Yên Định lại vẫn phải “nhờ” nhân viên trả tiền ăn nhậu đủ hiểu các cán bộ lãnh đạo huyện này chi tiêu đến như thế nào.
Vấn đề ở đây không đơn giản là một việc vay nợ dân sự giữa Huyện ủy, UBND huyện Yên Định với cán bộ, nhân viên của các cơ quan này. Mà trên hết thể hiện sự thiếu nghiêm túc, thiếu ngay ngắn của lãnh đạo các cơ quan chính quyền cấp huyện. Là công bộc của dân, việc chi tiêu vô tội vạ ngân sách đã là điều khó có thể chấp nhận, vậy thì việc nợ nần vì ăn nhậu càng mang tai mắc tiếng, gây mất uy tín tổ chức đảng, chính quyền địa phương.
Lâu nay, chưa từng có tiền lệ các cơ quan chính quyền cấp huyện nợ nần như chúa chổm không có khả năng thanh toán, bởi cán bộ lãnh đạo chi tiêu tiếp khách, ăn nhậu. Chưa có tiền lệ bởi hầu hết cán bộ các cơ quan quản lý nhà nước đều nghĩ được cách hợp thức hóa các khoản tiền ăn chơi chứ không đến mức phải “lạy ông tôi ở bụi này”.
Thường tiền ngân sách dành cho các cơ quan cấp huyện như huyện ủy, UBND dùng để chi tiêu cho các mục đích hội họp, tiếp khách... cũng không hề nhỏ. Có lẽ ngay cả khi tiêu “vung tay quá trán”, thì bộ phận kế toán của các cơ quan này cũng có thể hợp thức hóa bằng việc chuyển nguồn ngân sách từ những mục đích khác bù đắp sang. Ấy vậy mà Huyện ủy, UBND huyện Yên Định đã không thể làm nổi điều đó, để đến mức nợ cán bộ, nhân viên tới hơn 50 tỷ đồng...
Cũng có thể lý giải bằng một cách nhìn khác. Huyện ủy, UBND huyện Yên Định có thể hợp thức hóa các khoản chi tiêu tiếp khách, ăn nhậu... nhưng lãnh đạo huyện này không muốn vậy, để mặc cán bộ, nhân viên chi trả như là một “nghĩa vụ” đối với cấp trên.
Hợp thức hóa chứng từ có thể bị phát hiện, từ đó có thể bị cách chức, thậm chí truy cứu trách nhiệm hình sự. Nhưng nếu nợ tiền cán bộ, nhân viên thì chắc chẳng ai dám lên tiếng, có gì để mất đâu…
Đây mới chỉ là những khoản tiền chi tiêu cho việc ăn nhậu, tiếp khách công khai. Ai biết được đằng sau những khoản tiền “đường đường, chính chính” này, cán bộ nhân viên của Huyện ủy, UBND huyện Yên Định còn phải chi phí cho những khoản tiền không chính thức nào nữa?! Chi tiền cho lãnh đạo huyện tiếp khách còn không thể đòi được, vậy thì những khoản tiền “đi đêm” thì có lẽ chỉ còn nước “bắc thang lên hỏi ông trời”.
Qua sự việc trên mới thấy nhiều kẽ hở trong công tác quản lý nhà nước từ Trung ương đến cơ sở. Với việc các cơ quan quản lý nhà nước cấp huyện ăn tiêu đến mức nợ nần hơn 50 tỷ đồng mà cấp trên trực tiếp là Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa không nắm được để kịp thời có biện pháp chấn chỉnh là điều khó có thể tưởng tượng.
Hoặc cũng có thể các cơ quan chức năng của tỉnh Thanh Hóa cũng đã biết, nhưng do chưa bị dư luận xã hội bức xúc, lên án nên cũng nhắm mắt làm ngơ(?).
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/liem-si-can-bo-502795.html