Lịch sử các cú lừa hạt nhân Mỹ- Nga

Bộ ngoại giao Mỹ thống kê tên lửa Nga và đề nghị hai bên tiếp tục giải trừ quân bị.

Xin giới thiệu bài viết ngắn với tiêu đề và phụ đề trên của chuyên gia Nga Viktor Sokirko về một trong những chủ đề trong chương trình nghị sự cuộc gặp thượng đỉnh Nga-Mỹ mới kết thúc tại Helsinki ngày 16/7 vừa qua. Bài đăng trên “Svobodnaia Pressa” ngày 19/7/2018.

Trên ảnh: Tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Nga “Topol-M” (Ảnh: Archem Korotaev/ТАSS)

Bộ Ngoại giao Mỹ vừa mới công bố các số liệu cụ thể về từng loại vũ khí là đối tượng điều chỉnh của Hiệp ước về các biện pháp tiếp tục cắt giảm và hạn chế vũ khí tấn công chiến lược (viết tắt START-III –ký giữa Nga và Mỹ ngày 8/42010-ND) tính đến ngày 5/2/2018, đồng thời cũng chính thức thừa nhận là cả Nga và Mỹ đều thực hiện các cam kết của Hiệp ước này.

Đến ngày 5/2/2018, trên thực tế, số lượng vũ khí tấn công chiến lược của hai bên là tương đương nhau.

Theo số liệu của phía Mỹ (mới công bố như trên-ND), Nga sở hữu 527 phương tiện mang vũ khí hạt nhân đã triển khai- đó là các tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, máy bay ném bom chiến lược hạng nặng, tên lửa đạn đạo trên các tàu ngầm hạt nhân- trên những phương tiện mang này (của Nga) được trang bị (lắp) tổng cộng 1.444 đầu tác chiến.

Còn về phía Mỹ- các số liệu tương ứng là 652 phương tiện mang và 1.350 đầu tác chiến. Tính tổng cộng, các tổ hợp phóng đã triển khai và chưa triển khai của Nga là 779, còn của Mỹ- 800.

Để so sánh, - vào ngày 6/12/2001, đúng vào thời điểm các bên (Nga- Mỹ) ra tuyên bố về việc đã hoàn thành các cam kết theo Hiệp ước START-1, Nga sở hữu 1.136 phương tiện mang và 5.518 đầu tác chiến, còn đối với Mỹ thì các số liệu tương ứng là 1.237 và 5.948.

Đến đây, chợt nhớ đến một câu chuyện tiếu lâm từ năm 1972, khi Tổng Bí thư ĐCS Liên Xô Breznhev (Leonhid Ilich) và Tổng thống Mỹ Nixon (Richard) lần đầu tiên trong lịch sử ký Hiệp ước về hạn chế vũ khí tấn công chiến lược.

Nói tóm tắt thì câu chuyện tiếu lâm đó là như thế này: ngay sau khi Breznhev bay đến Washington để thăm đáp lễ (Tổng thống Mỹ Nixon đã đến thăm Liên Xô trước đó-ND), Breznhev và Nixon ngồi trò chuyện với nhau trên đồi Capiton và Nixon hỏi Breznhev:

“Thế nào, anh bạn Leonhid (gọi tên thân mật của Breznhev), các cậu (Liên Xô) đã hủy hết các tên lửa hạt nhân của mình chưa?” “Tất nhiên rồi, bạn Richard (Nixon) ạ!”. Nixon: “Bọn tớ (Mỹ) cũng thế, nhưng có chừa lại một quả .. ha ha ha”. Breznhev cáu tiết- thế là thua bọn Mỹ đểu này rồi!

Nhưng ngay lúc đó có tiếng chuông điện thoại- một cú điện thoại gọi từ Matxcova, người ở đầu dây bên kia là Bộ trưởng Quốc phòng Liên Xô Andery Grechko, ông này báo cáo với Breznhev:

“Thưa đồng chí Leonhid Ilich (Breznhev), có tình huống khẩn cấp, khẩn cấp! Chúng ta vẫn chưa hủy hết được tất cả tên lửa (hạt nhân) đâu ạ- một tay chuẩn úy láu cá đã lén đem giấu một quả (tên lửa) trong rừng taiga!”

Tuy chuyện đùa chỉ là chuyện đùa, nhưng trong lịch sử cùng cắt giảm vũ khí tấn công hạt nhân giữa Nga và Mỹ thì hai bên luôn làm những chuyện, nếu đánh giá một cách nhẹ nhàng nhất, là hơi khuất tất đối với nhau.

Ví dụ, ngay trong tiến trình thực hiện START-I, (Nga) đã ghi nhận được gần một chục vụ vi phạm từ phía Mỹ. Mà cụ thể là người Mỹ đã không tháo rỡ, thanh lý các đầu đạn hạt nhân và tầng hai tên lửa, mà họ đưa tất cả vào các kho để bảo quản đề phòng ngày “xấu trời”. Về phía Nga cũng thế.

Vào năm 2005, Barak Obama, khi đó đang còn là Thượng nghị sỹ, khi đến Perm (Nga) để thanh sát Chương trình giải từ hạt nhân, cũng không được cho xem hết những gì mà ông có quyền được thanh sát trên các trường bắn của chúng ta (Nga).

Và còn bây giờ, sau cuộc gặp thượng đỉnh giữa Vladimir PutinDonald Trump tại Heksinki, sau khi cả 2 tổng thống đều cũng đã đều đề cập đến vấn đề gia hạn Hiệp ước START-II, cả hai bên đều đang tiến hành một cuộc chơi tinh vi nhằm bảo vệ lợi ích của mình.

Ví dụ, trong một cuộc trả lời phỏng vấn cách đây không lâu, Tổng thống Trump đã phát biểu rằng : “Washington và Matxcova chỉ vừa mới bắt đầu các cuộc thảo luận về các vấn đề không phổ biến hạt nhân, kể cả những gì liên quan đến việc cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược, hủy bỏ tên lửa tầm gần và tầm trung”.

Nói ngắn gọn- như thế (tức là) hai bên chưa bàn về vấn đề gì cả. Còn người đồng cấp Nga của ông là Tổng thống V.Putin thì tuyên bố thẳng thắn hơn: “Chúng tôi đang có một số vấn đề muốn trao đổi lại với đối tác Mỹ. Chúng tôi cho rằng Mỹ đã không thực hiện một cách đầy đủ Hiệp ước này (START-II-ND), tuy nhiên, đó sẽ là chủ đề của các cuộc đàm phán ở cấp chuyên viên”.

Vậy vào thời điểm hiện tại, cả Nga và Mỹ còn đang chần chừ chưa muốn hy sinh những gì trong kho (tiềm lực) vũ khí hạt nhân của mình?

Đối với người Mỹ, trước hết đó là các ICBM “Minuteman- III” phóng từ các các hầm phóng (399 quả đã triển khai và 281 quả dự trữ) – những tên lửa này cho đến nay vẫn là thành phần nòng cốt trong lực lượng kiềm chế hạt nhân chiến lược (Mỹ). Tên lửa “Minuteman- III” được đưa vào trang bị từ năm 1970 và có khả năng hủy diệt mục tiêu ở cự ly đến 13.000 km.

Các hầm phóng tên lửa này được bố trí tại 3 căn cứ ở các bang Wyoming, North Dakota và Montana. Tiếp theo, đó còn là các tên lửa đạn đạo “Trident-II” trong trang bị của các tàu ngầm hạt nhân lớp Ohio (212 đơn vị (quả) đã triển khai và 215 quả dự trữ) ,- mỗi tàu ngầm hạt nhân lớp này có thể mang tới 24 quả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa 3 tầng nhiên liệu rắn với phần đầu tác chiến tự dẫn.

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/ho-so/lich-su-cac-cu-lua-hat-nhan-my-nga-3362141/