Lên vùng cao thăm chợ phiên Trung Hạ

Không chỉ quảng bá nét sinh hoạt, phong tục tập quán, ẩm thực và các sản phẩm đặc sản, từ lâu chợ phiên Trung Hạ (xã Trung Hạ, Quan Sơn) luôn là địa điểm hội tụ văn hóa của các dân tộc bản địa,... trở thành nơi giao lưu, trao đổi hàng hóa của người dân và du khách vào dịp cuối tuần.

Một góc chợ phiên Trung Hạ (Quan Sơn).

Một góc chợ phiên Trung Hạ (Quan Sơn).

Nếu có dịp ghé thăm chợ phiên Trung Hạ, chắc hẳn ai cũng ấn tượng bởi không khí nhộn nhịp, tinh thần giao lưu, trò chuyện thân thiện và ấm áp của người mua kẻ bán. Chợ họp một buổi duy nhất vào ngày thứ 7 hằng tuần. Từ hoạt động của chợ góp phần xúc tiến, quảng bá, đẩy mạnh tiêu thụ các đặc sản địa phương.

Năm 2018, chợ phiên Trung Hạ chính thức hoàn thành, đi vào hoạt động, với lợi thế về hạ tầng cơ sở đầu tư đồng bộ, khang trang tạo điều kiện thuận lợi cho việc buôn bán, trao đổi hàng hóa. Không gian chợ thoáng mát, các mặt hàng nông sản, nhu yếu phẩm tại chợ do người dân tự nuôi trồng, làm ra và gửi gắm trong đó sự giản dị, chân thật của người dân vùng cao, được bày bán đa dạng, phong phú, như: Măng rừng, chuối rừng, rau, cá suối nướng, cua ốc, vải thổ cẩm, quần áo, giày dép, đồ thủ công mỹ nghệ... đến từ các xã quanh vùng.

Cứ mỗi dịp đến phiên họp chợ, chị Hà Thị Thương (bản Din, xã Trung Hạ) đều có mặt từ rất sớm. Theo chị Thương, mấy năm gần đây người mua kẻ bán đông hơn trước. Việc xuống chợ với người dân không đơn thuần chỉ buôn bán hàng hóa, thưởng thức những món ăn mà còn là nơi trao cho nhau những nụ cười, ánh mắt, cái gật đầu, bắt tay nồng đượm hay những câu chuyện vui, buồn sau một tuần làm việc vất vả...

Chè xanh không thể thiếu trong mỗi phiên chợ.

Chè xanh không thể thiếu trong mỗi phiên chợ.

Sau khi kết thúc chuyến hành trình du lịch, tham quan bản Ngàm, xã Sơn Điện, gia đình anh Nguyễn Văn Đạt (Đông Thanh, Đông Sơn) ghé thăm chợ phiên để mua sắm ít đồ làm quà cho bạn bè, người thân. Anh chia sẻ: "Chợ khá phong phú về sản phẩm. Tôi thích những loại nông sản người dân hái trên rừng, một phần vì tươi mới, phần nữa là giá cả phải chăng. Đặc biệt, phiên chợ độc đáo ở nét văn hóa mua bán, nhiều món hàng không giao dịch bằng tiền mà chỉ cần đổi ngang và không trả giá, đòi thách.

“Chợ phiên Trung Hạ nằm trên địa bàn bản Din, ban đầu chỉ là một khu chợ nhỏ lẻ của đồng bào, thời điểm đó kinh tế ở đây chưa phát triển, nên cũng chủ yếu đến trao đổi, mua bán nông sản của địa phương, nhiều người chỉ đi chơi chợ, có người tới chợ chỉ vài chục nghìn đồng. Sau thời gian xây dựng, nâng cấp, đến nay chợ đã trở thành khu chợ kiên cố, sạch sẽ. Từ ngày có chợ, người mua, kẻ bán đông đúc hơn hẳn. Với địa thế thuận lợi, nằm sát Quốc lộ 217 nên thương lái từ nhiều nơi như: xã Lâm Phú (Lang Chánh), Nam Động (Quan Hóa) cũng đưa hàng hóa sang buôn bán”, ông Phạm Văn Thuật, Bí thư kiêm trưởng bản Din, cho biết.

Một số hàng hóa do bà con dân bản làm ra.

Một số hàng hóa do bà con dân bản làm ra.

Theo ông Hà Văn Úy, Chủ tịch UBND xã Trung Hạ chia sẻ: Cùng với chợ phiên Na Mèo, Tam Thanh, Sơn Thủy (Quan Sơn), trong những năm qua chợ phiên Trung Hạ đã trở thành sợi dây kết nối tình cảm của bà con các dân tộc trong xã cũng như nhiều địa phương lân cận. Chợ được họp từ sáng sớm cho đến trưa cùng ngày, là dịp để chính quyền địa phương tuyên truyền cho bà con trong xã tiếp cận với hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa với các sản phẩm do chính người dân tự sản xuất và chăn nuôi với đa chủng loại, bảo đảm về chất lượng, giá cả hợp lý. Điều quan trọng, chợ phiên đã trở thành điểm đến của nhiều cộng đồng dân cư, vùng miền trong và ngoài huyện, đồng thời cũng là điểm đến lý tưởng của du khách trong hành trình khám phá nét văn hóa phong phú, tập quán sinh sống, sinh hoạt đặc trưng của đồng bào dân tộc nơi đây.

Bài và ảnh: Lê Trung

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/len-vung-cao-tham-cho-phien-trung-ha-31430.htm