Lebanon chuẩn bị kịch bản cho 'tình huống xấu nhất'
Chính phủ Lebanon đã xây dựng kế hoạch dự phòng khẩn cấp ứng phó với khủng hoảng leo thang ở Trung Đông.
Những lo ngại về cuộc chiến tranh toàn diện trong khu vực đã gia tăng trong tuần qua, khi phong trào Hezbollah và Iran tuyên bố sẽ trả đũa Israel sau vụ thủ lĩnh chính trị của Hamas Ismail Haniyeh bị ám sát ở Tehran và cuộc không kích vào vùng ngoại ô phía Nam Beirut khiến chỉ huy cấp cao của Hezbollah là Fouad Shukr thiệt mạng.
Theo đó, cuộc chiến tranh toàn diện nếu xảy ra có thể khiến một triệu người Lebanon phải di dời và nước này cần hơn 300 triệu USD tài trợ trong 3 tháng.
Cuộc xung đột giữa lực lượng Hezbollah ở Lebanon và Israel bắt đầu nổ ra từ tháng 10/2023 song song với cuộc chiến tại Dải Gaza, đã khiến khoảng 100.000 người Lebanon phải di dời.
Theo kế hoạch dự phòng khẩn cấp của chính phủ Lebanon, ngay cả cuộc xung đột có kiểm soát, được coi là "kịch bản có khả năng xảy ra nhất", vẫn có thể khiến 250.000 người phải di dời và nước này cần 146 triệu USD tài trợ trong 3 tháng để duy trì hoạt động của các lĩnh vực quan trọng. Trong "kịch bản xấu nhất", một triệu người có thể phải di dời và nước này sẽ cần 307 triệu USD trong 3 tháng.
Bộ trưởng Kinh tế Lebanon Amin Salam cho biết nước này cần đến sự giúp đỡ của cộng đồng quốc tế nếu tình hình chiến sự leo thang. Lebanon, quốc gia vốn đang chìm trong khủng hoảng kinh tế kể từ năm 2019, đã phải vật lộn để cung cấp các dịch vụ cơ bản cho những người phải di dời do xung đột biên giới.
Ông Salam nói thêm, sự leo thang gần đây đã khiến tình hình kinh tế Lebanon vốn đã nghiêm trọng càng trở nên tồi tệ hơn, đặc biệt là các lĩnh vực du lịch và nông nghiệp của nước này. Nội các Lebanon đã triệu tập cuộc họp khẩn cấp vào ngày 7/8 để đánh giá mức độ sẵn sàng của nước này cho cuộc chiến leo thang toàn diện, trong đó tập trung vào các vấn đề an ninh lương thực, năng lượng, y tế và giáo dục.
Kế hoạch dự phòng của chính phủ Lebanon cho thấy hầu hết các lĩnh vực quan trọng, bao gồm nơi trú ẩn, nhiên liệu, thực phẩm và nước uống, đều thiếu nguồn kinh phí cho công tác chuẩn bị ứng phó với tình trạng khẩn cấp. Trong khi đó, Lebanon cũng không đủ năng lực kho bãi để dự trữ vật tư và nơi trú ẩn cho người dân trong trường hợp chiến sự leo thang và di dời quy mô lớn.
Theo ông Salam, nguồn cung cấp dầu diesel của Lebanon hiện chỉ đủ cho 4 đến 6 tuần trong trường hợp nước này đối mặt với cuộc bao vây có quy mô tương tự như cuộc chiến năm 2006. Lebanon hiện phụ thuộc rất nhiều vào các máy phát điện vận hành bằng dầu diesel.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lebanon-chua-n-bi-kich-ba-n-cho-ti-nh-huong-xau-nhat-282073.html