Lễ cầu siêu tưởng niệm 511 nhà báo liệt sĩ
Tối 27/7, tại Chùa Âu Lạc (Chùa Da), thành phố Vinh (Nghệ An), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Nghệ An phối hợp với Văn phòng đại diện Tạp chí Người làm báo tại Nghệ An tổ chức Lễ cầu siêu tưởng niệm 511 liệt sĩ nhà báo Cách mạng Việt Nam.
Các Anh hùng liệt sĩ nhà báo thuộc các cơ quan thông tấn, báo chí như: Thông tấn xã Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Báo Quân đội nhân dân, Báo Nhân dân, Báo Lao động, Đài Giải phóng và 23 cơ quan báo chí địa phương các tỉnh... đã hy sinh khi tác nghiệp, tuyên truyền tại các chiến trường trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc và làm nhiệm vụ quốc tế. Trong đó, Thông tấn xã Việt Nam là cơ quan có nhiều nhà báo, cán bộ, kỹ thuật viên hy sinh nhất, với hơn 260 liệt sĩ.
Lễ cầu siêu tưởng niệm các Anh hùng liệt sĩ nhà báo Cách mạng Việt Nam diễn ra với các nghi thức truyền thống gồm: Cúng chúng sinh, tụng kinh cầu an, cầu siêu tưởng niệm… Cùng với đó, hàng trăm ngọn nến, bông hoa và nén hương thơm đã được các tăng, ni, phật tử và nhân dân địa phương thắp lên để thể hiện lòng tri ân và báo ân, thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam đối với những nhà báo đã anh dũng hy sinh vì độc lập, tự do của dân tộc.
Nhà báo Văn Hiền, Trưởng đại diện Tạp chí Người làm báo tại Nghệ An, người đầy tâm huyết trong việc tìm kiếm, tập hợp các danh sách liệt sĩ nhà báo đã hy sinh cho biết: Là phóng viên chiến trường từ năm 1969-1972 ở Quảng Trị và Lào, với mong muốn tri ân các liệt sĩ nhà báo, trong 15 năm qua, tôi đã đi các tỉnh, thành trong cả nước để sưu tầm danh sách các nhà báo liệt sĩ trên cả nước. Đến năm 2019, Bảo tàng Báo chí Cách mạng Việt Nam đã thẩm định và đưa vào tôn vinh danh sách 511 nhà báo tại bảo tàng. Tôi cũng đã xuất bản 2 quyển sách “Khoảnh khắc và mãi mãi” và “Dáng đứng dưới tầm bom” viết về các nhà báo liệt sĩ.
Nhà báo Văn Hiền chia sẻ, nhà báo có vai trò đầu nguồn thông tin, những hình ảnh, thước phim trong mưa bom, bão đạn phải được đổi bằng tính mạng của mình. Các nhà báo không những cầm máy tác nghiệp mà còn cầm súng để chiến đấu với kẻ thù nhưng các nhà báo không nằm trong danh sách đơn vị mà chỉ được phân công đi theo các đơn vị bộ đội chiến đấu. Hiện nay, phần lớn các liệt sĩ nhà báo đều không có mộ chí, trong tổng số 511 liệt sĩ nhà báo lần này, chỉ có 15 liệt sĩ nhà báo tìm được phần mộ.
Đại đức Thích Đồng Tuệ, Trụ trì chùa Âu Lạc chia sẻ: Với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc Việt Nam và tri ân, báo ân của người đệ tử Phật, đây là lần đầu tiên tại Nghệ An, chùa Âu lạc cùng những người làm báo tại Nghệ An tổ chức lễ tưởng niệm cầu siêu chư anh linh các liệt sĩ nhà báo Cách mạng Việt Nam, với mong muốn, các liệt sĩ nhà báo đã anh dũng hy sinh trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và Mỹ được siêu thoát, gia hộ cho đất nước Việt Nam luôn được hùng cường, nhân dân được ấm no, hạnh phúc.