'Lấy hồn tôi để hiểu hồn người'

Đây là tự sự của nhà phê bình văn học Hoài Thanh (1909-1982) trong tác phẩm để đời của ông: 'Thi nhân Việt Nam, 1932-1941' (Nguyễn Đức Phiên xuất bản, năm 1942).

 Bản in lần đầu “Thi nhân Việt Nam” năm 1942 có chữ ký hai tác giả (bên phải), bản in lần hai năm 1943 có bìa sách đầy đủ (bên trái). Ảnh: Nhà sưu tập Hoàng Minh cung cấp.

Bản in lần đầu “Thi nhân Việt Nam” năm 1942 có chữ ký hai tác giả (bên phải), bản in lần hai năm 1943 có bìa sách đầy đủ (bên trái). Ảnh: Nhà sưu tập Hoàng Minh cung cấp.

Đây cũng được xem là “chìa khóa” để giải mã phong cách phê bình của Hoài Thanh, đưa ông đến vị trí là một nhà phê bình lớn, một người đồng điệu, song trùng với phong trào Thơ mới.

Cho đến nay, Thi nhân Việt Nam đã được in khoảng 30 lần - kỷ lục của thể loại sách nghiên cứu văn học. Thi nhân Việt Nam ra đời có công đóng góp của Hoài Chân (tên thật là Nguyễn Đức Phiên) - em trai Hoài Thanh (tên thật là Nguyễn Đức Nguyên), cho nên khi nhắc đến tác phẩm này không nên lờ đi đồng tác giả. Tuy nhiên, xét về công sức biên tập, tuyển chọn, viết bài phê bình, Thi nhân Việt Nam là sản phẩm của riêng Hoài Thanh.

Giá trị lớn lao của Thi nhân Việt Nam trước hết đây là một hợp tuyển của phong trào Thơ mới, với 169 bài thơ của 45 nhà thơ mới và một nhà thơ “người của hai thế kỷ”, của thơ mới và thơ cũ là Tản Đà. Dẫu rằng, không phải tác giả, tác phẩm nào được Hoài Thanh tuyển chọn đều tồn tại với thời gian nhưng về cơ bản là đại diện tiêu biểu nhất.

Trong bài viết cuối sách Nhỏ to... Hoài Thanh dự đoán chỉ còn 4 người (trong số 45 nhà thơ) đời sau còn biết đến. Thực tế, sau 90 năm phong trào Thơ mới, tên tuổi những nhà thơ được biết đến rộng rãi nhiều hơn dự đoán của nhà phê bình tài danh. Ngoài ra, cũng nhờ có “Thi nhân Việt Nam”, hậu thế mới biết đến nhiều thi phẩm giá trị của những thi nhân yểu mệnh, sinh thời chưa xuất bản tập thơ riêng như: Phạm Hầu, J. Leiba (Lê Văn Bái)...

Hoài Thanh đã sớm nhận ra phong trào Thơ mới là một cuộc cách mạng thơ ca trong lịch sử văn chương Việt Nam, có sức ảnh hưởng lâu dài về sau. Vì thế ông viết tiểu luận như một lời nói đầu mang tên Một thời đại trong thi ca làm tài liệu văn học sử để đời sau hiểu được phong trào Thơ mới ra đời như thế nào, động lực nào để phong trào phát triển... Cùng với Nhà văn hiện đại (1942-1945) của Ngọc Phan, Thi nhân Việt Nam đã lưu giữ di sản văn học trước năm 1945, nhờ đó hậu thế có điều kiện nhìn lại, nghiên cứu, học tập, không gặp quá nhiều khó khăn khi “đi tìm thời gian đã mất”.

Điều thứ hai đó chính là tính chuyên nghiệp của một nhà phê bình, của nghề phê bình văn học thể hiện rất rõ trong “Thi nhân Việt Nam”. Tính chuyên nghiệp không phải chỉ đơn thuần là chuyện chuyên tâm làm nghề, mà là chuyên nghiệp trong nhận định, đánh giá tác giả, tác phẩm. Bản chất phê bình văn học là một khoa học, cùng với lịch sử và lý luận, hợp thành khoa học nghiên cứu văn học.

Đã là khoa học thì rõ ràng phải khách quan, công tâm, không nên bị những yếu tố bên ngoài văn chương tác động. Chuyện yêu ghét tính cách cá nhân trong đời sống thường nhật, cánh hẩu, bè phái ảnh hưởng đến nhận định, đánh giá tác giả, tác phẩm vẫn đang tồn tại tận hôm nay; ảnh hưởng đến việc định hướng giá trị cho công chúng; vị thế của phê bình văn học vì thế cũng không được nâng lên.

Chính năng lực đánh giá tác phẩm của ông đã làm nên sức sống của Thi nhân Việt Nam. Một nhà phê bình là một nhà khoa học, lẽ thường kiến thức văn chương và kiến thức liên ngành để phục vụ cho công việc phải thật sự sâu rộng. Nhưng nhà phê bình còn cần có “trực giác” đặc biệt.

Trực giác này vừa là bẩm sinh vừa có thể được bồi đắp thông qua quá trình học tập và thưởng lãm tác phẩm. Cũng giống như bên hội họa, nhà sưu tập Đức Minh và nhà phê bình mỹ thuật Thái Bá Vân cả đời không vẽ một bức tranh nhưng nhìn tranh tinh tường. Hoài Thanh cũng vậy, không làm thơ nhưng ông có khả năng thẩm định thơ rất tài.

Người đương thời với Hoài Thanh cho biết, không thấy ông nhắc gì đến các lý thuyết phê bình văn học và trong Thi nhân Việt Nam ông cũng không dùng câu chữ hàn lâm nào. Điều đó không có nghĩa là ông đọc ít, nhất là thờ ơ với lý thuyết mà chỉ dựa vào tài phán đoán.

Nếu không có kiến văn thâm hậu, Hoài Thanh không thể nào nhận ra các nhà Thơ mới dẫu chịu ảnh hưởng của văn hóa, văn học phương Tây thì trong thơ vẫn có cốt cách, tâm hồn Việt Nam yêu kiều và phong nhã. Sự trải nghiệm tác phẩm cũng góp phần làm nên khả năng phê bình của Hoài Thanh như ông tự bạch: “Lắm khi xem một trăm bài thơ, chỉ có một bài trích được. Tôi đã đọc tất cả một vạn bài thơ và trong số ấy có non một vạn bài dở”.

Giới nghiên cứu văn học gọi ông là nhà phê bình của chủ nghĩa ấn tượng. Đây là lối phê bình lấy cái tôi của nhà phê bình để đánh giá tác phẩm, ghi lại những ấn tượng của tác phẩm dựa vào trực giác và kiến thức mà như Hoài Thanh viết “lấy hồn tôi để hiểu hồn người”.

Nhà phê bình ấn tượng có nhược điểm là dù uyên bác đến đâu nhưng nếu không được bổ sung kiến thức mới, tâm lý tiếp nhận không rộng mở thì rất khó cảm nhận, nắm bắt, thấu cảm xu hướng sáng tác mới. Đó là lý do vì sao Hoài Thanh cảm thấy khó khăn khi đi vào thế giới nghệ thuật của thơ siêu thực, tượng trưng rất mới mẻ thời đó với đại diện là Đoàn Phú Tứ, Hàn Mặc Tử, Bích Khê.

Với khả năng bình thơ hoa mỹ, đầy tinh tế, giàu chất thơ, làm ấn tượng bao thế hệ độc giả; không nói quá rằng bản thân Hoài Thanh là một người có mỹ cảm thơ ca nhưng số phận đã định đoạt làm nghề phê bình. Sứ mệnh đó ông đã hoàn thành xuất sắc đến mức, tên tuổi Hoài Thanh sau 90 năm phong trào Thơ mới được nhắc nhớ nhiều hơn một số nhà thơ mà ông tuyển chọn trong Thi nhân Việt Nam.

Hoàng Bình Phương / Quân đội nhân dân

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lay-hon-toi-de-hieu-hon-nguoi-post1372585.html