Lấy của công làm dịch vụ

Đối với người nghèo, chạy ăn từng bữa đã là nhọc nhằn. Gặp khi tai ương, bệnh hoạn, phải vào bệnh viện (BV) thì nỗi lo thường trực không chỉ là bệnh tình của người thân mà còn là gánh nặng viện phí.

Nhưng cũng có một bộ phận người dân có hoàn cảnh kinh tế khá giả, khi vào BV không muốn nằm chung trong phòng bệnh chật chội hay nằm ngoài hành lang như bao nhiêu người bệnh khác. Họ có nhu cầu được nằm phòng dịch vụ với các trang bị khá tiện nghi và chấp nhận trả giá khá cao so với thu nhập bình quân chung của người Việt. Từ đó, hầu hết các BV lớn ở các TP lớn đều có hệ thống phòng bệnh dịch vụ với các mức giá khác nhau cho thân nhân người bệnh lựa chọn.

Trong dự thảo thông tư về khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu do cơ sở y tế công lập cung cấp, Bộ Y tế đưa ra giá dịch vụ khám bệnh ở BV hạng đặc biệt và hạng 1 tối đa 500.000 đồng/lần và các cơ sở y tế khác là 400.000 đồng/lần. Đối với BV hạng đặc biệt và hạng 1, giá phòng bệnh loại 1 là 4 triệu đồng/giường/ngày. Với các phòng bệnh loại 2 - 3 - 4 lần lượt là 2,5 triệu, 1,5 triệu và 1,3 đồng/giường/ngày. Tại các cơ sở y tế khác ở Hà Nội, TP HCM, Hải Phòng, Đà Nẵng, Cần Thơ, phòng bệnh loại 1 được thu tối đa 3 triệu đồng và phòng bệnh loại 4 là 900.000 đồng/người/ngày. Với cơ sở y tế tại các tỉnh - thành còn lại, mức giá phòng bệnh loại 1 là 2 triệu đồng và loại 4 là 600.000 đồng/người/ngày.

Mức giá này đã tạo ra nhiều ý kiến tranh luận. Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản, nêu rõ một số ý kiến cho rằng giá dịch vụ giường nằm như vậy là quá cao. BV công được đầu tư bằng tiền ngân sách nhưng lại phát triển dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu để thu tiền cao là bất hợp lý. Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế nghiên cứu, tham khảo các nội dung trên để thực hiện tốt hơn công tác quản lý nhà nước được giao.

Thực tế cũng cho thấy, với mức giá như trên là cao so với số đông, dù đã có không ít người bệnh đủ sức để trả các khoản viện phí hay thậm chí ra nước ngoài khám chữa bệnh. Nhiều người cho rằng nếu là BV do tư nhân đầu tư xây dựng thì giá cả dịch vụ là do chủ đầu tư tự quyết định và giá đưa ra được gia đình người bệnh đồng ý, kiểu thuận mua vừa bán. Song với cơ sở y tế công lập, do nhà nước đầu tư, nguồn tài sản và nhân lực đều do nhà nước quản lý, trả lương thì việc mở thêm dịch vụ trên nền nhân lực, vật lực đó rồi thu phí quá cao là không ổn; thậm chí dễ xảy ra hiện tượng thiên lệch khi phục vụ tận tâm hơn, chu đáo hơn đối với người nằm viện dạng dịch vụ so với người nằm dạng thông thường.

Mặt khác, cần có quy định về khống chế tỉ lệ phòng bệnh làm dịch vụ trong các BV để tránh tình trạng dồn hết các phòng bệnh để làm dịch vụ, từ đó không phục vụ được nhiều đối tượng bệnh nhân. Nếu tình trạng này xảy ra sẽ khiến cho mục tiêu chăm sóc người bệnh, phục vụ xã hội bị đi chệch hướng. Theo các chuyên gia, tỉ lệ phòng bệnh dịch vụ không nên cao quá 30%-40%, để diện tích còn lại và nguồn nhân lực, phương tiện có thể chăm sóc các đối tượng khác trong BV được công bằng hơn.

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/lay-cua-cong-lam-dich-vu-20190812231317667.htm