Lật tẩy đường dây nhập lậu hàng chục container gỗ Giáng hương

Trên 100 container gỗ quý nhập lậu về TPHCM đã bị cơ quan Hải quan phát hiện, ngăn chặn từ đầu năm 2020 đến nay.

Giám định lô gỗ Giáng hương trong lô hàng 50 container. Ảnh: T.H

"Từ bỏ" 60 container gỗ quý

Ngày 19/8/2020, Đội Kiểm soát chống buôn lậu khu vực miền Nam (Đội 3) – Cục Điều tra chống buôn lậu – Tổng cục Hải quan, chủ trì phối hợp với Cục Hải quan TPHCM, Cục Hải quan Đồng Nai thực hiện khám xét 60 container gỗ quý nghi là gỗ Giáng hương Tây phi nhập khẩu vào Việt Nam qua cảng Cát Lái, TP HCM.

Lô gỗ nêu trên được nhập khẩu từ châu Phi về TPHCM do một doanh nghiệp có địa chỉ tại Bình Dương đứng tên nhận hàng. Tuy nhiên, sau khi hàng về cảng TPHCM, doanh nghiệp để nhiều tháng tại cảng, sau đó từ chối, không làm thủ tục nhận hàng.

Đội 3 – Cục Điều tra chống buôn lậu đã ra quyết định khám xét số hàng này. Kết quả khám xét ban đầu cho thấy các container gỗ này đã được các đối tượng sơ chế, xẻ thành từng thanh với tổng khối lượng khoảng hơn 1000 m3. Trị giá của lô hàng ước tính khoảng hơn 20 tỷ đồng.

Theo nhận định ban đầu của cơ quan chuyên môn, nhiều khả năng đây là gỗ Giáng hương Tây phi (Pterocarpus erinaceus), đang chờ kết luận của cơ quan giám định.

Conatiner chứa đầy gỗ nghi là Giáng hương. Ảnh: T.H

Chặn đứng các lô gỗ nhập lậu

Không chỉ có lô gỗ nêu trên, hiện Đội 3 đang tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng hoàn tất hồ sơ khởi tố vụ nhập khẩu 50 container gỗ Giáng hương do đơn vị phát hiện trước đó. Theo hồ sơ vụ việc này, tháng 1/2020, một lô hàng gồm 50 container gỗ được nhập khẩu về cảng SP-ITC TPHCM. Lô hàng này do Công ty TNHH Inbe Á Châu (địa chỉ: 51 Nguyễn Xí, Phường 26, quận Bình Thạnh, TPHCM) đứng tên mở các tờ khai nhập khẩu. Theo khai báo, hàng nhập khẩu là gỗ Gõ xẻ hộp, chưa qua chế biến.

Phát hiện nhiều nghi vấn từ lô hàng này, ngày 10/1/2020, tại cảng SP-ITC TPHCM, Đội 3 chủ trì, phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I, Đội Kiểm soát Hải quan (Cục Hải quan TPHCM) tiến hành khám xét toàn bộ 50 container gỗ nhập khẩu này, phát hiện toàn bộ số gỗ chứa trong container là những khối gỗ lớn, có nguồn gốc từ châu Phi. Giám định tại hiện trường, bước đầu cơ quan giám định chuyên ngành cho rằng, nhiều khả năng là gỗ Giáng hương Tây phi nằm trong danh mục CITES, khi nhập khẩu phải có giấy phép của cơ quan chuyên ngành. Ước tính lô hàng khoảng 1.000 m3, trị giá hơn 10 tỷ đồng.

Theo lãnh đạo Đội 3, để nhập khẩu gỗ Giáng hương theo quy định phải có giấy phép của cơ quan chuyên ngành cả nước xuất khẩu và nước nhập khẩu. Tuy nhiên, tại lô hàng này, doanh nghiệp khai báo sai tên hàng hòng qua mặt cơ quan chức năng, nhưng đã bị phát hiện bắt giữ ngay tại cảng. Thủ đoạn của các đối tượng trong việc nhập lô hàng nêu trên là lòng vòng qua nhiều nước nhằm giấu xuất xứ hàng hóa, đánh lạc hướng cơ quan chức năng kiểm soát tại cảng. Đồng thời, doanh nghiệp lợi dụng khai báo sai tên hàng để né giấy phép chuyên ngành.

Sau khi lô hàng đã được phân luồng, đại diện doanh nghiệp này đã đến Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực I nộp hồ sơ làm thủ tục thông quan. Tuy nhiên, khi cơ quan Hải quan nghi ngờ về chủng loại gỗ, đề nghị doanh nghiệp xuất trình hàng hóa để kiểm tra theo quy định thì đại diện Công ty TNHH Inbe Á Châu né tránh, không hợp tác.

Đáng lưu ý, ngay sau khi bị cơ quan Hải quan yêu cầu kiểm tra thực tế hàng hóa, Công ty TNHH Inbe Á Châu đã từ chối nhận hàng và tìm cách chuyển đổi manifest sang tên người nhận khác là Công ty TNHH SX TMDV XNK HTL (có địa chỉ tại tầng trệt số 469 Điện Biên Phủ, phường 3, quận 3, TPHCM). Xác minh của Đội 3 cho thấy, Công ty TNHH Inbe Á Châu được cấp phép thành lập vào cuối năm 2010 và chính thức hoạt động vào tháng 1/2011. Đại diện pháp luật là ông Đỗ Thái Toàn, doanh nghiệp trong tình trạng đang hoạt động. Tuy nhiên, tại địa chỉ đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp không có doanh nghiệp nào hoạt động, không có bảng tên, nơi đây là quán bán hàng tạp hóa.

Gỗ Giáng hương Tây phi (Pterocarpus erinaceus) là loại gỗ được xếp trong phụ lục II tại “Danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các phụ lục của Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES)” ban hành kèm theo Thông tư số 04/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/02/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn .

Lê Thu

Nguồn Hải Quan: https://haiquanonline.com.vn/lat-tay-duong-day-nhap-lau-hang-chuc-container-go-giang-huong-132118-132118.html