Laptop phát nổ khi đang sử dụng khiến bé trai 8 tuổi bỏng nặng

Bé trai 8 tuổi ở Bắc Giang phải nhập viện cấp cứu với các vết bỏng khắp vùng mặt, ngực, bàn tay... do laptop phát nổ khi đang sử dụng.

Ngày 19/3, theo thông tin từ Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang, các bác sĩ bệnh viện đã tiếp nhận cấp cứu cho cháu L.N.M. (8 tuổi, trú tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) bị bỏng 10% diện tích cơ thể, bỏng độ 3 vùng mặt, ngực, bàn tay 2 bên do laptop (máy tính xách tay) phát nổ khi đang sử dụng.

Sau khi được sơ cứu tại Trung tâm Y tế huyện Lục Ngạn, khoảng 17h15 ngày 16/3/2024, bé L.N.M. được chuyển tuyến tới Bệnh viện Sản Nhi Bắc Giang. Tại Khoa Ngoại, qua thăm khám, các bác sĩ chẩn đoán xác định cháu M. bị bỏng độ 3 vùng mặt, ngực và bàn tay 2 bên, vết bỏng có dấu hiệu nhiễm trùng.

Cháu L.N.M. (8 tuổi, trú tại huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang) bị bỏng 10% diện tích cơ thể. Ảnh: BVCC

Rất may vùng mắt và miệng trẻ không bị tổn thương. Bệnh nhi được hồi sức, chỉ định làm các xét nghiệm cấp cứu cần thiết. Tiếp đó các bác sĩ tiến hành truyền dịch, tiêm kháng sinh, dùng thuốc giảm đau và theo dõi sát các dấu hiệu sinh tồn của trẻ.

Sáng ngày 17/3, qua kiểm tra thấy vùng bỏng ngực và tay trái sưng nề nhiều, tiết dịch thấm băng, môi trẻ sưng nề hơn, ăn uống kém, tiên lượng tình trạng bệnh nhi có thể diễn biến nặng hơn. Do đó, các bác sĩ đã quyết định cho bé chuyển tuyến trung ương để điều trị.

Theo BSCKI Nguyễn Văn Lâm - Bác sĩ trực tiếp cấp cứu cho bé M. thì đây là trường hợp bị bỏng nặng nhất (trong số 20 bệnh nhi bị bỏng) mà Khoa Ngoại tiếp nhận điều trị từ đầu năm 2024 tới nay. Vết bỏng liên quan tới vùng mặt, ảnh hưởng thẩm mỹ và các chức năng của trẻ.

Ước tính mỗi năm, Khoa Ngoại tiếp nhận điều trị cho hàng trăm trẻ bị bỏng do các nguyên nhân như: bỏng do nổ sạc pin điện thoại, nổ sạc laptop; bỏng do điện; hóa chất; lửa; nước sôi hay bỏng do nổ bóng bay bơm khí Hydro. Đa số trường hợp trẻ bị bỏng là do sự bất cẩn của người lớn trong quá trình chăm sóc trẻ.

Trước đó, ngày 15/3, em T.G.P., học sinh lớp 7C, Trường THCS Đồng Lạc (Chí Linh, Hải Dương) đã tử vong sau vụ máy tính phát nổ khi học bài tại nhà. Bệnh nhân vào Bệnh viện Việt Đức ngày 8/3 trong tình trạng hôn mê, thở máy. Toàn bộ vùng đầu, mặt, cổ và một nửa ngực trên đầy vết thương do các mảnh vỡ của máy tính phát nổ khi đang học bài.

Các bác sĩ cho biết, nhiều trường hợp trẻ bị bỏng tới 20% diện tích cơ thể, vết bỏng sâu làm biến dạng chi thể (co quắp tay, chân thậm chí làm hoại tử xương), không chỉ để lại di chứng nguy hiểm về thể chất, khiến trẻ tàn phế suốt đời mà còn đặc biệt ảnh hưởng tới tâm lý của trẻ sau này.

Trong thời đại công nghệ hiện nay, laptop hay điện thoại thông minh đã trở thành công cụ học tập, giải trí không thể thiếu. Nhiều gia đình cho trẻ tiếp xúc với những thiết bị điện tử này từ rất sớm nhưng không lường trước được nguy cơ cháy nổ có thể xảy ra. Đã có rất nhiều trẻ bị bỏng nặng do điện thoại phát nổ khi vừa sạc pin vừa sử dụng gây thương tích nghiêm trọng như dập nát bàn tay, mù mắt... Phụ huynh cần đặc biệt chú ý đảm bảo an toàn cho trẻ khi sử dụng các thiết bị này.

222 người nhập viện sau ăn cơm gà Trâm Anh ở Nha Trang, chuyên gia cảnh báo dấu hiệu ngộ độc.

P.Chinh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/laptop-phat-no-khi-dang-su-dung-khien-be-trai-8-tuoi-bong-nang-169240319161909586.htm