'Lão thợ rèn' và nỗi lo 'thất truyền' của nghề 'đỏ lửa'

Ở cái tuổi đáng ra được nghỉ ngơi, trở về hưởng thụ cuộc sống như nhiều người khác thì ông Hoàng Văn Cung (60 tuổi) vẫn miệt cần mẫn bên bếp lửa đỏ rực cùng chiếc búa, cái đe đã gắn bó với ông hàng mấy chục năm này.

"Lão thợ rèn" Hoàng Văn Cung vẫn miệt mài với nghề dù đã đến tuổi nghỉ hưu.

Cậu bé đam mê nghề “đỏ lửa”

Nằm ngay trên mặt đường Đa sỹ, căn nhà của ông Cung (phường Kiến Hưng, quận Hà Đông, Hà Nội) luôn nhộn nhịp tiếng nện búa, mài dao, tiếng va đập của sắt thép từ sáng sớm. Lò đốt lên, hơi nóng tỏa ra, căn nhà rộng khoảng 30m2 của gia đình ông nóng như rực lửa. Dù đã bật hai chiếc quạt công suất lớn nhất nhưng không giúp nhiệt độ giảm là bao.

“Người ta chọn nghề thường chọn cái nghề yên tĩnh, mát mẻ còn cái nghề của tôi thì luôn gắn với bếp lửa, tiếng búa, tiếng mài. Mặc dù đi ngược lại với mọi người nhưng đó là một phần của công việc, những âm thanh như là một phần không thể thiếu trong mỗi người thợ rèn” - ông Cung vừa cười, vừa nói.

Sinh ra ở làng nghề, năm 9 tuổi, cậu bé Cung đã được tiếp xúc với nghề rèn. Hàng ngày, sau thời gian đi học, thay vì đi chơi như đám bạn cùng trang lứa, Cung lại thích ra lò phụ giúp bố những việc vặt. Trong trí nhớ của ông, dù là phụ giúp việc vặt nhưng cũng là cầm đe, cầm búa chứ không chỉ đứng chờ sai vặt hay quét dọn linh tinh. Nom cái cách cậu bé 9 tuổi cầm búa đập đập lên cây sắt trên đe, thi thoảng lại đưa ra ngắm, căn chỉnh không khác gì một anh thợ chuyên nghiệp, nhiều người lớn trong làng cũng không khỏi trầm trồ khen ngợi.

Tuổi thơ của cậu bé Cung cứ thế trôi đi cho đến tháng 2 năm 1984, khi trở thành một thanh niên, Hoàng Văn Cung bất ngờ nhận được giấy gọi đi nhập ngũ. Nghe theo tiếng gọi của Tổ quốc, Cung gác lại niềm đam mê với nghề để lên đường nhập ngũ. Sau 4 năm mặc áo lính, Hoàng Văn Cung giải ngũ trở về địa phương.

Cuộc sống quê ông lúc này đã thay đổi rất nhiều, bản thân ông cũng không còn là cậu bé cháy hết với đam mê “đỏ lửa” ngày nào. Gánh nặng cơm áo gạo tiền, sự thay đổi của thời cuộc khiến cho nghề thợ rèn không còn là nghề dễ sống ở quê hương nữa. “Đã có lúc tôi nghĩ đến chuyện bỏ nghề rèn, chuyển sang làm công việc khác” – ông Cung nhớ lại.

Thế nhưng, đâu phải nói bỏ là bỏ được. Cái máu nghề rèn đã ăn sâu vào con người ông, thấm vào từng hơi thở, thớ thịt của Hoàng Văn Cung tự lúc nào. Sau nhiều đêm trăn trở, ông quyết định một lần nữa “đỏ lửa. Dùng hết số tiền gom góm được, ông sửa sang lại lò rèn, mua thêm trang thiết bị, nguyên vật liệu và từng bước gây dựng lại cái đam mê thời thơ ấu của mình bằng tất cả nhiệt huyết sức lực vốn có.

Dần dần, lò rèn ông được mở rộng, cái nghề “đỏ lửa, đinh tai” mà nhiều người chê bai ấy ngày một phát triển, giúp gia đình ông có của ăn của để. Nhớ lại quãng thời gian khó khăn đã trải qua, nhiều lúc ông vẫn còn cảm thấy ngỡ ngàng như một giấc mơ.

“Nghề rèn thủ công phải thường xuyên tiếp xúc với bếp lửa, cái nóng phả vào mặt như thiêu như đốt. Công việc thì nặng nhọc, khó khăn. Bởi vậy mà rất nhiều hộ gia đình bỏ nghề lựa chọn nghề khác hoặc làm bằng máy móc để bớt đi sự vất vả. Nhiều lúc nghĩ lại, tôi cũng chẳng biết bằng cách nào mình đã giữ được nghề trong suốt bao năm qua” – ông Cung nói.

Con trai ông Cung - anh Hoàng Mạnh Đạt khẳng định hầu hết thanh niên ở làng Đa Sỹ hiện không còn muốn theo nghề rèn truyền thống.

Nỗi lo “thất truyền”

Suốt hơn 40 năm theo nghề, ông Cung được coi là một cây đại thụ trong nghề rèn của làng Đa Sỹ. Ông bảo, một trong những nguyên tắc vàng của người thợ rèn chính là phải đảm bảo tính kỹ thuật, nhất là những khâu bắt buộc phải theo phương pháp thủ công. Đơn cử như để tạo phôi, người thợ rèn phải chọn mua thép đảm bảo chất lượng. Kinh nghiệm cho thấy, thép không nên quá cứng hoặc quá non. Thêm nữa, kỹ thuật lò lại không khéo rất có thể sẽ nổ mẻ khiến sản phẩm bị nứt, vỡ.

Để làm ra một sản phẩm phổ biến nhất là con dao chặt, người thợ rèn sẽ phải trải qua không dưới 20 công đoạn. Trong đó, có những công đoạn đặc biệt quan trọng cần phải làm rất chậm, tỉ mỉ từng li từng tí một bởi chỉ cần vội vàng, làm sai một chút là coi như cả sản phẩm đi tong.

“Đối với người thợ rèn, việc bị bỏng, bị đứt tay là chuyện bình thường. Cái khổ nhất của người thợ rèn là thường xuyên phải tiếp xúc với bụi bặm và nóng bức. Nhất là trong mùa hè, làm việc gần cái lò nóng hừng hực, ai không yêu nghề, không say nghề thì không thể theo nổi” – ông Cung nói và đưa bàn tay thô ráp, đầy những vết chai sạn và sẹo ngang dọc lên như một minh chứng cho những gì mình nói. Ông nói như đinh ninh: “Nghề rèn hay rất nhiều nghề truyền thống nào khác đều vậy, muốn theo nghề thì phải yêu nghề, phải sống chết với nghề. Cái nghề là cái nghiệp, đã vận vào mình thì phải theo đến suốt đời thôi”.

Ông Cung cho biết thêm, trước đây, cũng như nhiều hộ làm nghề thợ rèn ở Đa Sỹ khác, gia đình ông cũng chủ yếu làm nghề bằng phương pháp thủ công. Tuy nhiên, những năm gần đây, do yêu cầu công việc cần nhanh và làm ra nhiều sản phẩm trong thời gian ngắn, máy móc đã được sử dụng vào nhiều công đoạn làm sản phẩm và giúp tăng năng suất, hiệu quả rõ rệt. Nhờ đó mà những đơn hàng của họ không còn bó hẹp ở trong nước mà đã vươn ra cả nước ngoài. Thu nhập của người thợ rèn nhờ đó cũng được cải thiện đáng kể.

Sắp đến cái tuổi về hưu, nhưng ông Cung vẫn không có ý định nghỉ làm. Ông tìm thấy trong đó là niềm vui trong công việc, được cống hiến sức mình cho lao động và kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Một trong những điều khiến ông Cung trăn trở nhất là đến nay ông vẫn chưa tìm được “truyền nhân”. Người con trai ông, anh Hoàng Mạnh Đạt hiện đã tìm được một công việc ổn định, có điều đó không phải nghề rèn. Vào những ngày nghỉ hoặc lúc rảnh rỗi, anh Đạt vẫn thường phụ giúp bố công việc tại lò rèn song anh khẳng định chỉ muốn giúp bố mẹ chứ không có ý định theo nghề.

“Đa số những người trẻ trong làng bây giờ không nối tiếp nghề rèn truyền thống của gia đình mình nữa. Công việc khó khăn, nặng nhọc mọi người đều chọn công việc khác phù hợp với nhẹ nhàng hơn” – anh Mạnh nói. Ngồi bên cạnh, ông Cung lặng lẽ không nói gì. Có lẽ đây cũng là điều ông tiên liệu được từ lâu.

Ngọc Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/lao-tho-ren-va-noi-lo-that-truyen-cua-nghe-do-lua.html