Lão nông ở Thái Bình làm giàu từ cây hoa màu

Ông Vũ Hoài Nhân (67 tuổi) ở Thái Bình, đã thoát nghèo nhờ mô hình trồng cây hoa màu và đẩy mạnh phong trào đưa khoa học công nghệ vào sản xuất.

Ông Vũ Hoài Nhân áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng dưa lê, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Ông Vũ Hoài Nhân áp dụng khoa học kỹ thuật vào trồng dưa lê, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Đa dạng hóa cây trồng

Ông Nhân đang sinh sống tại xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương (Thái Bình) có gần 40 năm gắn bó với đồng ruộng.

Năm 1979, ông tình nguyện tham gia cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc. Đến năm 1984, ông về địa phương, tham gia công tác tại thành phố rồi xin nghỉ chế độ sớm để về quê lập nghiệp.

Ban đầu, ông Nhân buôn rau, củ, quả vào miền Trung và trở thành người buôn bán lớn nhất khu vực, nhưng càng đi nhiều ông càng thấy đồng ruộng ở quê mình màu mỡ, phì nhiêu, phù hợp để trồng các loại cây hoa màu cho hiệu quả kinh tế cao.

Trước tình trạng nhiều người bỏ ruộng. Để không lãng phí tài nguyên đất đai, ông đã mượn ruộng của nhiều nông dân tại địa phương, để trồng cây hoa màu với ý nghĩ sẽ làm giàu từ nông nghiệp.

Từ diện tích hơn 4 sào, ông Nhân phát triển dần tới vài mẫu và lên tới hơn 30 mẫu trồng khoai tây vụ đông, sản lượng bình quân đạt trên 300 tấn/vụ với giá bán từ 7.000 - 9.000 đồng/kg, trừ chi phí ông thu lãi hơn 300 triệu đồng.

Tự nhận mình là người “bảo thủ” vì nhiều người khuyên ông bỏ làm nông nghiệp bởi tuổi đã cao, song ông Nhân không nghe.

Năm 2021, ông tiếp tục thuê hơn 1 mẫu ruộng làm mô hình nông nghiệp công nghệ cao, trong đó tập trung trồng các loại dưa cho ra sản phẩm sạch.

Ông Nhân cho biết, để làm được mô hình này, gia đình đã đầu tư 1 tỷ đồng lấp trũng, xây dựng hệ thống cổng dậu, 1.000m2 nhà lưới hiện đại, trồng dưa chuột, dưa lê ở trong và ngoài nhà lưới với sản lượng bình quân 1,5 - 2 tấn dưa chuột/sào, 6 tạ dưa lê/sào.

Đầu năm 2024, với giá bán 15.000 đồng/kg dưa chuột và 20.000/kg dưa lê, sau khi trừ chi phí ông thu lãi khoảng 200 triệu đồng.

Đa dạng cây trồng để tạo nhiều nguồn thu, ông Nhân phối hợp với người thân thuê ruộng ở xã khác để trồng dưa gang, duy trì cấy 5 mẫu lúa giống TBR225 và liên kết với các thương lái bán thóc tươi ngay tại ruộng với giá cao hơn giá thị trường.

Dù thực hiện nhiều mô hình cùng lúc nhưng sản xuất theo kiểu luân phiên, bố trí khoa học, linh hoạt và tận dụng triệt để thời gian nhàn rỗi nên ông Nhân đã chăm sóc tốt cây trồng và thu hoạch đúng thời điểm.

Theo ông Nhân, để trồng các cây hoa màu có lãi, bên cạnh sự cần cù, chịu khó, người nông dân phải tích tụ ruộng đất với diện tích đủ lớn để sản xuất cây trồng, hàng hóa quy mô lớn.

Đặc biệt, phải đưa cơ giới hóa vào các khâu sản xuất nhằm giảm giá thành và nâng cao hiệu quả sản xuất. Liên kết với doanh nghiệp để đảm bảo chất lượng đầu vào và bao tiêu sản phẩm đầu ra ổn định, tránh tình trạng được mùa mất giá.

Liên kết sản xuất

Thành công nhờ ứng dụng khoa học kỹ thuật, ông Nhân nhiệt tình truyền đạt kinh nghiệm và chuyển giao khoa học công nghệ cho người dân có hoàn cảnh khó khăn tham gia sản xuất để phát triển kinh tế.

 Ông Nhân duy trì cấy 5 mẫu lúa giống TBR225.

Ông Nhân duy trì cấy 5 mẫu lúa giống TBR225.

“Mình cùng làm với bà con, sau bà con thấy mô hình hiệu quả nên đã học hỏi. Tôi cũng hướng dẫn cho bà con về giống và kĩ thuật, từ đó mang lại khác biệt hơn so với trước”, ông Nhân nói.

Ông Nhân cho rằng, đối với người nông dân không gì bằng sản xuất nông nghiệp. Việc xây dựng mô hình sản xuất nông nghiệp liên kết theo chuỗi giá trị và kết nối tiêu thụ nông sản, đang trở thành hướng đi mới giúp người nông dân nâng cao giá trị sản phẩm một cách bền vững, hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm, thúc đẩy nâng cao hiệu quả sản xuất

Mong muốn lớn nhất của ông lúc này là mở rộng thêm diện tích, hình thành vùng sản xuất hoa màu chất lượng cao và liên kết với các doanh nghiệp cung ứng giống, phân bón, bao tiêu đầu ra sản phẩm.

Ông Phạm Bá Hoành, Chủ tịch UBND xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương cho biết, trong quá trình sản xuất, mặc dù gặp nhiều rủi ro do thời tiết bất thuận, giá cả bấp bênh nhưng ông Nhân không từ bỏ, vẫn đam mê với đồng ruộng.

Xã luôn tạo điều kiện tốt nhất về mặt bằng để ông có diện tích sản xuất hiệu quả, đồng thời biểu dương, khen thưởng kịp thời để ông có thêm động lực mở rộng diện tích trồng cây màu, cây vụ đông.

Tiến tới, hình thành vùng sản xuất hoa màu tập trung liên kết doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm.

Mai Chiên

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lao-nong-o-thai-binh-lam-giau-tu-cay-hoa-mau-post691386.html