Làng trầm hương trăm tuổi vào vụ Tết
Làng trầm hương xã Vạn Thắng (huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa) nổi tiếng khu vực Nam Trung Bộ. Những ngày giáp Tết, các thợ trong làng hối hả chế tác các sản phẩm như hương cây, tượng, vòng trầm hương… bán ra thị trường.
Đến xã Vạn Thắng (Vạn Ninh, Khánh Hòa) ngày giáp Tết có thể nghe tiếng lách cách vọng ra từ nhiều căn nhà. Đó là tiếng đục đẽo, chế tác các sản phẩm từ trầm hương của những người thợ.
Nhiều người ở làng trầm hương xã Vạn Thắng cho biết, làng nghề đã có lịch sử khoảng 100 năm. Xưa kia những người thợ lặn lội đi tìm trầm hương tự nhiên nơi núi cao, rừng sâu về chế tác.
Gần đây, hàng trăm gia đình đã thành thục cách trồng cây dó bầu. Loại cây này sau khi trồng khoảng 10 năm, người dân cấy vào một loại men vi sinh để cây dó bầu sinh ra trầm hương. Người dân chặt những cây dó bầu đã có trầm hương về cho thợ chế tác thành các sản phẩm như: vòng đeo tay, đeo cổ, hương que thắp Tết, tượng trầm…
Các sản phẩm từ trầm hương ở Vạn Thắng có đặc điểm nhẵn mịn, mùi thơm dịu nhẹ. Có được điều này là nhờ kinh nghiệm bào, gọt, giũa, đánh bóng của người thợ ở địa phương.
Bà Nguyễn Thị Kim Oanh, chủ cơ sở chế tác trầm hương lâu năm ở Vạn Thắng chia sẻ, cuối tháng 11 âm lịch đến Tết hàng năm, nhà nhà ở đây tất bật làm trầm hương. Những cây dó bầu cắt thành từng khúc, loại bỏ phần giác, chỉ giữ lại phần có trầm. Sau đó thợ đục đẽo, gọt giũa thành vòng, tượng, xay mịn ép thành hương que, hương nụ. Một số ép trầm hương lấy tinh dầu làm nước hoa. Hiện tại, trung bình 1kg hương trầm (loại que) giá 400 ngàn đồng đến 2 triệu đồng, các loại vòng trầm hương đeo tay giá tùy loại lớn nhỏ và yêu cầu của khách.
Theo bà Oanh, dịp giáp Tết, các thợ ở làng trầm hương Vạn Thắng làm cả ngày và đêm mới đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường. Cũng vì sản phẩm bán chạy trong dịp Tết, không ít gia đình trở nên khá giả.
Nhiều người chế tác trầm hương ở Vạn Thắng bộc bạch, để tượng trầm hương, vòng trầm hương không xù xì sau một thời gian sử dụng, người thợ phải lọc bỏ thật sạch phần xơ, giác trên các khúc cây dó bầu. Ngay cả nhang trầm (dạng que thắp, dạng nụ) chỉ được nghiền trầm hương, không được pha thêm tạp chất khác thì mùi thơm mới dịu nhẹ khiến người ngửi thấy thư thái hơn.
Thương hiệu trầm hương từ làng… bay xa
Bằng sự cần mẫn, những người thợ ở Vạn Thắng không chỉ ấm no nhờ trầm hương mà còn tạo nên thương hiệu riêng.
Thợ chế tác trầm hương Phạm Hữu Nghĩa thổ lộ, làm vài tháng giáp Tết, sản phẩm bán ra có thể đủ tiền trang trải cho gia đình nửa năm. Đặc biệt, niềm vui lớn nhất với các hộ dân làng trầm hương xã Vạn Thắng là sản phẩm của làng ngày càng được nhiều người biết đến. Nhiều thương lái tận Hà Nội, TPHCM cũng đến Vạn Thắng đặt mua các sản phẩm từ trầm hương.
Theo ông Trần Công Đức, Giám đốc Hợp tác xã trầm hương Vạn Thắng, làng nghề trầm hương Vạn Thắng hiện có gần 400 hộ dân chế tác các sản phẩm từ trầm hương. Các sản phẩm mỹ nghệ tinh xảo nhất từ trầm hương, người dân địa phương đã làm được. Các máy ép tinh dầu từ trầm hương, nhiều người thợ cũng đã vận hành tốt.
Với những nét đặc sắc của mình, làng nghề trầm hương xã Vạn Thắng được UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận là làng nghề truyền thống năm 2016. Tiếp đó, tháng 12/2024, UBND huyện Vạn Ninh tổ chức công bố quyết định của UBND tỉnh Khánh Hòa công nhận làng trầm hương xã Vạn Thắng là địa điểm có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng.
Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/lang-tram-huong-tram-tuoi-vao-vu-tet-16925012118502371.htm