Làng nghề vào Xuân

Mua mới bộ tam sự hoặc ngũ sự đặt lên bàn thờ và thắp một nén hương trầm trên bàn thờ tổ tiên vào các dịp lễ, Tết, giỗ, chạp... từ lâu đã trở thành nét sinh hoạt văn hóa không thể thiếu của người Việt Nam. Nó như một chiếc cầu nối gởi gắm những tâm tư, tình cảm và ước nguyện của những người đang sống với những người đã khuất. Đó là lý do mỗi khi Tết đến Xuân về khiến cho làng nghề đúc đồng, làng hương truyền thống tại Quảng Nam thêm phần sôi động.

Cổng làng Quán Hương

Nói đến nghề làm hương tại Quảng Nam, không thể không nhắc đến làng Quán Hương, TT Hà Lam, Thăng Bình. Nghề làm hương tại làng Quán Hương được hình thành cách đây hơn 200 năm. Trải qua bao biến cố, thăng trầm của lịch sử, nhưng làng nghề ấy vẫn tồn tại và phát triển đến ngày hôm nay. Theo ghi chép để lại, ngày xưa Quán Hương là một làng quê nghèo thuần nông thuộc xứ Bàu Đỏa, huyện Lễ Dương, phủ Thăng Bình. Xuất phát từ việc mày mò tự làm hương thắp cho ông bà tổ tiên với bột hương được tận dụng làm từ những loại cây lá quanh nhà, nghề làm hương dần dần được hình thành vào những năm giữa thế kỷ XVIII. Lúc đó, vì nhà nghèo cụ Võ Tấn Thơ phải đến phụ giúp cho các sư tại chùa Ngọc Sơn (Bình Phục, Thăng Bình). Có sẵn kinh nghiệm làm hương học được từ người cha nên cụ Thơ bắt đầu làm hương để thắp ở chùa. Sau khi lấy vợ sinh con, cụ Thơ truyền nghề cho con trai là cụ Võ Tấn Túc. Cùng với vợ, cụ Võ Tấn Túc đã phát triển và mở rộng sản xuất hương bán đi nhiều nơi trong tỉnh Quảng Nam. Khi đã có thương hiệu, việc buôn bán thuận lợi vợ chồng cụ thuê thêm người làm các công việc kiếm lá, chẻ chu hương (tăm hương), nhúng bột, xe hương...

Thấy vợ chồng cụ Túc khấm khá lên nhờ làm hương nên các hộ trong làng cũng học nghề, rồi làng nghề dần được hình thành. Kế tục nghề truyền thống của tổ tiên để lại nên ngoài việc sản xuất hương truyền thống, họ còn đưa sản phẩm xuất khẩu sang Lào, Campuchia, Thái Lan... Là một trong những người thừa kế nghề truyền thống làm hương của cha ông và rất tâm huyết với nghề làm hương, ông Võ Tấn Hiếu - Trưởng làng nghề luôn cố gắng phát huy và duy trì nghề truyền thống do cha ông để lại. Theo ông Hiếu, sản phẩm hương làng Quán Hương được chọn để xây dựng thương hiệu theo chương trình OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm) và đạt chuẩn 3 sao cho sản phẩm hương trầm và hương quế. Hiện tại, cả làng có 120 hộ tham gia làm hương, với tổng sản lượng khoảng gần 1.000 tấn hương thành phẩm/năm và tạo thu nhập ổn định cho hơn 300 lao động với mức 5 triệu đồng/tháng.

Công đoạn xe hương và phơi hương.

Để quảng bá sản phẩm, hàng năm làng Quán Hương cử người đưa sản phẩm tham gia các Hội chợ thương mại để tìm hướng đi mới cho làng nghề, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nhằm tăng thu nhập cho người lao động. Tuy nhiên, theo ông Võ Tấn Hiếu - Trưởng làng nghề: điều trăn trở nhất hiện nay là việc xây dựng thương hiệu cho làng nghề. Vì, một số hộ trong làng vẫn giữ tư duy sản xuất cũ, manh mún, chạy theo lợi nhuận, không quan tâm đến chất lượng sản phẩm... Ông Nguyễn Văn Húy - Phó Chủ tịch UBND H. Thăng Bình, trao đổi: sản phẩm hương làng Quán Hương và nước mắm Cửa Khe là 2 sản phẩm được xây dựng trở thành sản phẩm tiêu biểu của địa phương. Tuy nhiên, để làng nghề có thể “vươn cao, bay xa” đòi hỏi có sự chung tay từ chính quyền và cộng đồng. Trước hết, từng hộ sản xuất phải tự thay đổi, hoàn thiện để sản phẩm làm ra có chất lượng tốt, đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng...

Trong những ngày này, một làng nghề khác cũng rộn ràng không khí đón Xuân, đó là làng đúc đồng Phước Kiều tại xã Điện Phương, TX Điện Bàn. Được mệnh danh là làng đi tìm hình thể của cồng chiêng. Trải qua 400 năm, Phước Kiều vẫn tồn tại vững bền trước dòng xoáy của thời gian. Để có những sản phẩm chất lượng phục vụ người tiêu dùng, người thợ đúc đồng trải qua nhiều công đoạn chi tiết: nhồi đất, làm bìa, giáp khuôn, thét khuôn, trổ điệu, pha chế kim loại, thử tiếng... và cuối cùng là khâu làm nguội. Trong đó, khâu pha chế kim loại là khó nhất, thể hiện kỹ năng, bí quyết gia truyền của làng nghề, quyết định thanh âm của từng loại chiêng, chuông. Sản phẩm của làng đúc đồng Phước Kiều đã có mặt tại nhiều địa phương của cả nước và xuất khẩu sang các nước lân cận, như: Lào, Miến Điện...

Những cửa hàng bày bán sản phẩm.

Theo ông Dương Ngọc Tiễn - nghệ nhân đúc đồng Phước Kiều: đặc điểm của sản phẩm chiêng, chuông đồng là người mua có thể sử dụng từ đời này sang đời khác nên một thời gian sau sẽ không còn thị trường tiêu thụ. Do vậy, để sống được với nghề, ngoài việc giữ bí quyết gia truyền còn phải biết đổi mới là sản xuất các loại sản phẩm mới, như: pháp khí, lư đồng... đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng và phải mở rộng thị trường. Nhờ vậy, năm 2019 được xem là năm thành công trong việc sản xuất và tiêu thụ. Ông Lê Tấn Thu-Chủ tịch UBND xã Điện Phương, tâm sự: địa phương đã tạo mọi điều kiện cho việc phát triển làng nghề theo hướng sản xuất kết hợp với du lịch để làng nghề ngày càng phát triển.

Trong không khí của những ngày cuối đông, đâu đây mùi hương trầm thoang thoảng quyện với thanh âm trầm bổng của tiếng chiêng sẽ làm cho ta nhớ về quá khứ hào hùng của dân tộc. Tiếng đồng vọng ấy tiếp thêm động lực mới để xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh...

Minh Trí

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/99_219655_lang-nghe-vao-xuan.aspx