Lặng ngắm thiên đường mây trên đỉnh núi Lảo Thẩn
Lảo Thẩn, nóc nhà của Y Tý, huyện Bát Xát (Lào Cai) cao 2862m là điểm lý tưởng để 'săn mây' dành cho cộng đồng đam mê nhiếp ảnh và leo núi.
Không hùng vĩ hay có hệ sinh thái rừng và suối đa dạng như các cung leo khác nhưng Lảo Thẩn được nhiều người ưa thích bởi đây là đỉnh núi dễ leo nhất trong 15 đỉnh núi cao nhất nước ta.
Ngoài ra, đây là điểm săn mây đẹp nhất Tây Bắc do hiện tượng mây đặc biệt ở khu vực này cũng như địa hình thoáng, không bị núi và cây cối che khuất.
Nhiều khách du lịch tới điểm này đều muốn "check in" tại mỏm núi này. Ảnh: Nguyễn Anh Chiêm.
Tháng 11 đến tháng 3 năm sau là thời điểm lý tưởng để chinh phục Lảo Thẩn cũng như để săn biển mây bồng bềnh do thời tiết lúc này khô ráo và lạnh.
Một ngày đẹp trời trên đỉnh núi Lảo Thẩn. Ảnh: Nguyễn Anh Chiêm.
Chinh phục Lảo Thẩn trong 2 ngày 1 đêm
Chúng tôi tự chạy xe ô tô từ Hà Nội lúc 6h15 sáng và sau khoảng 4 tiếng đến thành phố Lào Cai. Có một chốt kiểm soát covid trên đường vào thành phố Lào Cai và chúng tôi chỉ phải xuống khai báo nhanh.
Một góc hình khá đẹp trên dãy núi. Ảnh: Nguyễn Anh Chiêm.
Sau khi nghỉ ngơi và ăn nhẹ, chúng tôi rời Lào Cai lúc 11h15 để tới điểm xuất phát leo ở thôn Phìn Hồ, xã Y Tý. Đường từ Lào Cai lên tới điểm leo rất quanh co và xấu. Mất 2 tiếng để chúng tôi vượt qua cung đường dài 80 km này.
Nếu đi bằng xe khách, có thể đi từ Hà Nội lên Lào Cai hoặc Sapa rồi thuê xe máy hoặc xe taxi đi đến điểm leo và hẹn xe đón khi về.
Đường lên đỉnh núi để săn mây chỉ thật sự khó khăn khi trời nắng nóng. Nhưng ở thời điểm này, thời tiết cũng khá dễ chịu. Ảnh: Nguyễn Đức Hùng.
Đường đi từ chân núi tới lán nghỉ ở độ cao 2400m khá nhẹ nhàng, chủ yếu đi trong địa hình đồi cỏ và nương rừng. Tuy nhiên, nếu đi trong điều kiện trời nắng nóng sẽ rất mất sức và mất nước. Vì vậy du khách nên vừa đi vừa nghỉ trong bóng râm và uống bù nước.
Trên đường lên tới lán có hai điểm check-in nổi tiếng là mỏm đá câu cá và tảng đá ống ảo. Mỏm đá câu cá khá nguy hiểm nên không phải ai cũng dám ra đây để chụp ảnh.
Dân địa phương gọi đây là mỏm núi "câu cá". Ảnh: Nguyễn Đức Hùng.
Tuy nhiên, tảng đá sống ảo cạnh đó thì lại an toàn nên ai cũng dừng chân để chụp ảnh ở đây. Thời điểm đẹp nhất để chụp ảnh với biển mây ở đây là tầm 10h sáng, theo kinh nghiệm của người dẫn đường địa phương.
Điểm này được khách du lịch các nơi gọi tên là "hòn đá sống ảo". Ảnh: Nguyễn Anh Chiêm.
Một góc chụp khác về hòn đá "sống ảo". Ảnh: Nguyễn Đức Hùng.
Sau gần 4 tiếng vừa leo vừa nghỉ, chúng tôi tới lán nghỉ được dựng ở gần đỉnh núi lúc 5h chiều. Lán nghỉ có thể chứa được 80 du khách mới được dựng cách đây vài năm. Nhờ có lán nghỉ du khách có thể nghỉ ngơi thoải mái trong điều kiện thời tiết trên khu vực này lạnh và rất gió.
Khu vực lán không nằm cạnh suối như đa số các cung leo khác. Nhưng nước được người dân địa phương dẫn về từ dòng suối nhỏ cách đó hơn 1km để phục vụ việc nấu ăn và vệ sinh.
Theo anh A Hờ, chủ lán, thì dịch covid đã làm số lượng du khách chinh phục Lảo Thẩn giảm mạnh. “Các năm trước, thời gian này chúng tôi mỗi ngày đón vài chục khách từ khắp mọi miền đất nước tới săn mây. Năm ngoái và năm nay do dịch nên số lượng khách đến với Lảo Thẩn rất hạn chế,” anh A Hờ chia sẻ.
Trên đỉnh núi Lảo Thẩn thời gian này xung quanh luôn bồng bềnh mây phủ. Ảnh: Nguyễn Anh Chiêm.
Sáng hôm sau, chúng tôi lên đỉnh khá muộn, lúc 7h sáng, do xác định trời mù, không có khả năng đón được bình minh trên đỉnh. Đường lên đỉnh khá dốc và trơn trượt do sương từ đêm hôm trước. Trời mù và gió to nên dù chỉ có chưa tới 700m đường đi, chúng tôi cũng phải mất đúng một tiếng mới vượt qua.
Đường từ lán lên đỉnh Lảo Thẩn - Ảnh: Nguyễn Đức Hùng.
Bất cứ ai đã đến nơi này, vào ngày thời tiết đẹp, được ngắm biển mây bồng bềnh của vùng cao Y Tý từ núi Lảo Thẩn đều thấy mình may mắn và sẽ nhớ mãi. Ảnh: Nguyễn Anh Chiêm.
Sau khi ở trên đỉnh chụp ảnh lưu niệm với chóp inox, chúng tôi trở về lán, ăn sáng về đi về HN, kết thúc hành trình 2 ngày 1 đêm khám phá Lảo Thẩn.
Bài và ảnh: Đức Hùng- Anh Chiêm