Lặng lẽ bên bếp lửa Giao thừa
Đôi lần, tôi chợt nghĩ giữa Sài Gòn nhộn nhịp, sống chậm là một khái niệm tâm lý hay một trào lưu đô thị?
Thật khó lý giải rành mạch, nhưng giữa kinh tế thị trường, ai cũng đủ khôn ngoan để nhào theo dòng chảy hội nhập với cái tham vọng lương thiện sẽ không bị xã hội bỏ rơi. Phương pháp “chụp giựt cho nhanh, tranh thủ cho kịp” trở thành sự lựa chọn có vẻ hợp tình hợp lý của phần lớn cư dân nuôi mộng lập thân lập nghiệp nơi phố xá đua chen. Biết làm sao được, khi thác lũ lợi danh có khả năng cuốn trôi mọi khuôn mặt dè chừng và nhấn chìm mọi ánh mắt ái ngại. Không ai muốn đến sau, không ai muốn về muộn. Ngược lại, cũng không ai muốn lạc lõng, không ai muốn bơ vơ.
Vì vậy, trong vòng quay bất tận của số phận, những người nhạy bén đã manh nha ý thức được rằng, cuộc đời này không chỉ kiếm tiền, kiếm tiền và kiếm tiền. Bước chân của hạnh phúc vốn rất lặng lẽ, chúng ta không đuổi bắt hạnh phúc, mà phải cảm nhận được những rung động hạnh phúc! Người tinh tế có thể mưu cầu hạnh phúc ở nét cười một đồng nghiệp trong thang máy cao ốc. Người khéo léo có thể mưu cầu hạnh phúc ở bàn tay một người quen vẫy chào phía ngã ba đường. Người sâu sắc có thể mưu cầu hạnh phúc ở tiếng bi bô một đứa bé dưới mái nhà bình yên!
Với một người biết hưởng thụ nhân gian thì không có sự phân biệt sống chậm và sống nhanh. Sống chậm để được sống nhanh, và sống nhanh để có cơ hội sống chậm. Tôi quan sát xung quanh và thú vị rút ra bài học đơn giản, người càng thành đạt thì ranh giới giữa sống chậm và sống nhanh càng mong manh. Sống nhanh để chiến thắng thời gian nhọc nhằn và bóng tối âm u, rồi lại sống chậm để chiêm ngưỡng khoảnh khắc vụt hiện và ánh sáng lung linh. Thật ngượng ngùng, nếu hai chữ “sống chậm” được mang ra làm mỹ từ che chắn cho sự lười nhác, sự ù lỳ, sự thụ động.
Trong nhịp điệu ồn ào, người sống chậm đồng nghĩa với người biết thưởng thức cuộc sống. Bỏ ra 5 phút ngắm một màu hoa tình cờ bên ô cửa, bỏ ra 10 phút nghe một bài hát yêu thích gợi nhớ miền đất ghi dấu kỷ niệm, bỏ ra 15 phút nhìn một đám mây trắng bềnh bồng trên bầu trời xanh thẳm… có vẻ như chỉ dành cho những người lãng mạn, nhưng thực chất đó là sự thong dong của một người bận rộn. Chúng ta hối hả một giây để hoàn tất công việc nhiều áp lực, thì cũng cần trả lại một giờ cho cơ thể được thư thái. Thế kỷ 21 chuộng tốc độ, nhưng thế kỷ 21 tôn vinh giá trị cá nhân. Tôi luôn cho rằng, một con người đích thực vừa tự nguyện làm một mắt xích của cỗ máy công nghiệp vừa tích cực tìm kiếm ý nghĩa tồn tại của bản thân. Do đó, sống chậm để được yêu thương, sống chậm để được hờn giận, sống chậm để được thanh thản và sống chậm để được cống hiến!
Tôi tham khảo nhiều tài liệu nước ngoài, thấy nhiều quốc gia ra sức khuyến khích sống chậm. Một phần nhân loại tiến bộ đã coi nguyên tắc sống chậm như một phép di dưỡng tinh thần. Những bức bách của áo cơm hiện đại khiến nhiều người căng thẳng, dẫn đến bệnh trầm cảm hoặc triệu chứng hoảng loạn. Tuy nhiên, không ít người đã ngộ nhận về sống chậm. Người không hành động gì, cứ thờ ơ hoặc ngơ ngác để năm tháng vụt qua một cách lãng phí có phải là người sống chậm không? Xin thưa, hoàn toàn không phải.
Mặt khác, nguy hại hơn là sự sống chậm bằng… hình thức. Không ít người mạo danh sống chậm để biện minh cho thái độ kỳ quặc hoặc hành vi thiếu trách nhiệm. Một công chức sống chậm có quyền ngồi rung đùi uống cà phê trong giờ hành chính chăng? Một nhà kinh doanh sống chậm có quyền trễ hẹn giao dịch với khách hàng chăng? Tất cả chỉ là ngụy biện, nếu sự sống chậm của ai đó ảnh hưởng đến sự phát triển chung của cộng đồng!
Tuổi trẻ, ai cũng có khát vọng tung cánh, rời khỏi gia đình để tranh đua với xã hội. Nếu nói theo ngôn ngữ có vẻ võ hiệp một chút, là “chí tại thiên hạ”. Dù cưng chiều đến mấy, cũng không bố mẹ nào nỡ bắt con mình quanh quẩn hiên nhà. Thế nhưng, đến một lúc nào đó, có thể là trưởng thành, có thể là mệt mỏi, đứa trẻ ngày nào nằng nặc thoát ly mái ấm sẽ mong mỏi được trở về để ngồi bên mâm cơm ấm áp có đông đủ người thân. Sau một giai đoạn dài tôn sùng lối sống cá nhân, phương Tây cũng bắt đầu làm quen với khái niệm “gia đình là tất cả”. Người Việt xưa nay coi trọng gia đình. Cuộc sống chật chội, không phải dễ duy trì sự sum vầy “tứ đại đồng đường” nữa, nhưng quan hệ máu mủ vẫn chặt chẽ vững bền. Và phương tiện để kết nối tình thân hữu hiệu nhất là mâm cơm.
Ca dao lưu giữ một thời túng bấn “Râu tôm nấu với ruột bầu, Chồng chan vợ húp gật đầu khen ngon”. Hương vị không nằm ở râu tôm hay ruột bầu, mà ở niềm chan hòa phu thê. Tin cậy và san sẻ từ trái tim đã biến một bữa cơm rất nghèo nàn bỗng dưng ngọt ngào.
Tôi vốn thích lang bạt. Tuy nhiên, mỗi khi cái nắng Sài Gòn rực rỡ trên từng cánh mai vàng, tôi bần thần thèm không khí dịu êm bên gia đình. Những lúc ấy, nước mắt không rơi ra, nhưng xót xa và bần thần bao nhiêu hồi tưởng đẹp đẽ. Nhớ vô cùng cái dáng lui cui của bà nội bên bếp lửa mịt mù khói vì đun bằng củi khô. Nhớ vô cùng phiên chợ muộn, lưng áo mẹ đẫm mồ hôi chen chân mua cho được mớ rau, con cá. Nhớ vô cùng bóng cha ngồi trầm ngâm, bỏ dở dang câu chuyện mùa màng thất bát. Nhớ vô cùng hai đứa em nhường nhau miếng cơm cháy cuối cùng... Có những khoảnh khắc đã trôi qua, vẫn mãi mãi như cuốn phim âm bản in hằn trong ký ức đời mình!
Những ngày cận Tết, ngồi ở vỉa hè Sài Gòn, tôi không cách nào ngăn được nỗi nhớ về quê cũ, về cái bậc thềm ở căn nhà xưa gắn bó suốt tuổi thơ mình. Năm 10 tuổi, tôi ngơ ngác nhìn mẹ tôi ngồi khóc nơi bậc thềm ấy, ngày bà nội mất! Tôi ngây ngô có hiểu gì đâu. Tôi không còn cơ hội cầm lược chải mái tóc trắng như cước cho bà nội những buổi trưa hè nữa. Bậc thềm cũ, mình tôi ngồi lại với những ước mơ đầu tiên của một cậu học trò tỉnh lẻ. Tôi ước mơ những đám mây bay thấp. Tôi ước mơ những dòng sông êm ả sương mờ. Tôi ước mơ những vạt áo dịu dàng nắng sớm. Tôi ước mơ những chuyến đi xa. Tôi ước mơ những chân trời lạ…
Bao ước mơ thấp thoáng thuở đó, thỉnh thoảng hồi tưởng tôi chợt nghe đuôi mắt cay xè, vì không có ước mơ nào dành tặng bà nội! Năm 18 tuổi, tôi khăn gói vào Sài Gòn lập thân, lập nghiệp. Hành trang đáng tin cậy nhất mà tôi mang theo, là dáng mẹ đứng nơi bậc thềm bùi ngùi vẫy tay khi chiếc xe chở tôi lăn bánh khuất dần. Hơn 20 năm bôn ba, tôi đã đặt chân đến nhiều khách sạn nguy nga, tôi đã đặt chân đến nhiều biệt thự lộng lẫy, nhưng chưa từng nguôi ngoai hoài niệm ngôi nhà đơn sơ ở cố hương.
Ngôi nhà đơn sơ ngày xưa đã được sửa sang nhiều lần, đã thay nhiều màu sơn khác, tôi vẫn mường tượng được bậc thềm cũ với khuôn mặt mẹ tôi hiu hiu chiều gió bấc. Bậc thềm cũ hôm nay mẹ tôi ngồi đúng chỗ hôm nao bà nội tôi thường ngồi. Tấm lưng mẹ cũng gần giống tấm lưng bà nội, đôi lúc hiện lên trong giấc chiêm bao lảo đảo của kẻ tha phương cầu thực là tôi, như một điểm tựa bình yên!
Sài Gòn cưu mang tôi, nhưng mỗi dịp Tết thì tôi đều thu xếp về thăm quê nhà. Bậc thềm ấu thơ không còn dấu thơ ấu nữa, nhưng bậc thềm ấu thơ vẫn nhắc nhở tôi giá trị tình thân độ lượng bất tận. Bậc thềm ấu thơ lặng lẽ góc phố nghèo vẫn tỏa ra một vùng sáng bao dung, để nhắc nhở tôi cách sống chậm lại giữa bao nhiêu thị phi lẫn lộn đen trắng. Có phút giây nao núng tôi nghĩ, những người cùng mình đi qua cõi đời này, không phải ai cũng chìa bàn tay dìu dắt như bà nội, không phải ai cũng chìa bàn tay chở che như mẹ. Tuy nhiên, dẫu gặp nghiệt ngã chừng nào, dẫu gặp bội bạc đến đâu, tôi vẫn ngoảnh lại bậc thềm ấu thơ để được kiêu hãnh làm người sống chậm lương thiện!
Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/doi-song/lang-le-ben-bep-lua-giao-thua_107193.html