Làng khoa bảng trên mình chim phượng hoàng

Được cho là án ngữ trên mình chim phượng hoàng theo thuyết phong thủy nên làng Hội Phụ đời đời phát tích văn học, đỗ đạt khoa bảng.

Lễ hội truyền thống làng Hội Phụ.

Làng Hội Phụ thuộc xã Đông Hội (Đông Anh, Hà Nội) vốn có tên là Cự Trình với ý nghĩa thể hiện truyền thống khoa bảng cự phách như Trình Y Xuyên - một danh nho nổi tiếng thời nhà Tống ở Trung Quốc. Cũng bởi mong ước đó, mà làng đã vươn lên trở thành một làng khoa bảng nổi danh.

Ngôi làng trên lưng phượng hoàng

Theo nghiên cứu của TS Bùi Xuân Đính (Viện Dân tộc học), Cự Trình cùng với các làng của hai xã Đông Hội và Mai Lâm hiện nay nằm trong vùng Cói cũ. Trong đó Cự Trình được coi là “Cói gốc”, là địa bàn sinh tụ sớm của người Việt cổ.

Theo lưu truyền dân gian thì xưa kia, làng Cự Trình có địa dư khá rộng, gồm cả phần đất của làng Lộc Hà hiện nay. Khi dân cư đông đúc, một bộ phận dân làng ra đi lập trại Lộc Hà, sau phát triển thành làng. Hai làng từng có chung ngôi đình Khiến.

Trước đây Hội Phụ nằm trong tổng Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Về phủ Từ Sơn và huyện Đông Ngàn, sách “Lịch triều hiến chương loại chí” của Phan Huy Chú viết: “Từ Sơn là phủ đứng đầu trong cả nước. Năm huyện đều có nhiều người đỗ, nhưng huyện Đông Ngàn là nhiều hơn cả”.

Dân gian xưa vẫn có câu “Dốt Đông Ngàn hơn quan thiên hạ”, ý chỉ về trí tuệ và học thức sâu rộng của người Đông Ngàn. Đề cập rõ hơn về truyền thống khoa cử của huyện Đông Ngàn và tổng Hội Phụ, sách “Bắc Ninh tỉnh chí” ghi rằng: “Nền văn hiến Từ Sơn xưa có huyện Đông Ngàn là hơn cả.

Trong mọi xóm làng đều có văn học, nhưng tựu trung bảy tổng: Phù Lưu, Tam Sơn, Nghĩa Lập, Mẫn Xá, Dục Tú, Hạ Dương và Hội Phụ là nhiều”. Bởi vậy, nói đến khoa bảng của tổng Hội Phụ không thể không nói đến làng Hội Phụ. Theo thống kê, nơi đây chiếm khoảng một nửa số người đỗ đạt của 12 làng trong tổng.

Theo thuyết phong thủy, làng Hội Phụ nằm trên mình chim phượng hoàng, mà ngày nay cống “Mỏ phượng” chính là minh chứng cho tên gọi về địa hình cũng như quan niệm phong thủy xưa. Cũng bởi sự cao quý khi ngôi làng nằm trên mình chim phượng, có thể tung cánh mà bay cao nên người dân Hội Phụ tự hào coi đất làng mình là nơi địa linh nhân kiệt, đời đời phát tích văn học, học hành khoa bảng đỗ đạt.

Truyền thống khoa bảng làng Hội Phụ đã sớm được hình thành và truyền thừa qua các thế hệ. Qua các nguồn sử liệu, gia phả cho thấy ở Hội Phụ có nhà cùng một lúc 3 thế hệ đều đèn sách, có bà mẹ chỉ bằng mò cua bắt ốc mà nuôi con ăn học thành tài, lại có người vì học quá sức mà đôi mắt bị mù lòa...

Sự học nơi đây không chỉ là một nghề, mà còn là một nghĩa vụ để khẳng định sự cao quý. Bởi vậy, nhà nhà, người người đều ra sức học tập, dùi mài kinh sử mong để một ngày “phượng hoàng cất cánh”.

Giống nhiều làng khoa bảng khác, ở Hội Phụ cũng có trường hợp anh em, bố con lần lượt ghi danh khoa bảng. Ảnh minh họa: IT

Làng có 6 tiến sĩ

Trước Cách mạng Tháng Tám, làng Cự Trình là một thôn của xã Hội Phụ, tổng Hội Phụ, huyện Đông Ngàn, phủ Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Đến năm 1949, làng nhập với các làng: Đông Trù, Tiên Hội, Lại Đà, Trung Thôn và Nội Thôn thành xã Đông Hội. Từ năm 1961, xã này được chuyển về huyện Đông Anh (Hà Nội) và từ năm 1949 đã đổi tên làng thành Hội Phụ.

Thời xưa, làng có bốn xóm là: Đại Liệu (Mã Nghè), Đình Âu (xóm Giếng), Tiểu Mai (xóm Đình) và Đại Luân (xóm Cổng). Cự Trình xưa có ngôi đình được dựng khoảng những năm 70 của thế kỷ 19, song lại bị cháy trong trận càn của thực dân Pháp vào năm 1949. Đình thờ hai vợ chồng Đào Kỳ và Phương Dung, là những tướng lĩnh có công giúp Hai Bà Trưng đánh đuổi giặc Hán xâm lược, thu phục lại 65 thành trì.

Huyền tích kể lại rằng, khi nghe tin Hai Bà Trưng khởi nghĩa, hai vợ chồng Đào Kỳ và Phương Dung đem hơn 100 người nhà đến yết kiến và gia nhập nghĩa quân. Hai vợ chồng cùng xông pha giết giặc, đánh đuổi Tô Định và được cử trông nom dải đất Đông Ngàn – Bắc Đuống. Ba năm sau, Mã Viện phát binh xâm lược, vợ chồng Đào Kỳ cùng nhiều tướng tá khác đã lên Lạng Sơn chống giặc, sau về Cấm Khê ứng cứu vua Trưng.

Bia Tiến sĩ khoa thi năm Nhâm Tuất (1502) ghi danh Tiến sĩ Chử Thiên Khái – một trong 6 vị đại khoa làng Hội Phụ.

Hai vợ chồng bị vây hãm giữa chiến trường và lạc nhau. Ngày 15 tháng 8 năm Quý Mão, Đào Kỳ cùng 2 anh trai là Đào Chiêu Hiển, Đào Đô Thống hi sinh trong trận Bồ Lăng, đánh với quân Hán tại khu vực nay là ngã ba sông Trường Giang và Ô Giang, thuộc địa phận thành phố Trùng Khánh, Trung Quốc.

Để tưởng nhớ công ơn của ba anh em họ Đào, nhân dân Đa Tốn đã lập miếu thờ (Đào Đô Thống thờ ở miếu Sén Tóc, thôn Ngọc Động, Đào Chiêu Hiển thờ ở nghè Ông Hai, thôn Lê Xá và Đào Kỳ thờ ở nghè cũ sau chuyển về nghè Lê Xá). Về sau, từ thế kỷ 17 trở đi, dân làng Ngọc Động và Lê Xá đã thờ ba ông làm thành hoàng làng.

Theo giải thích của người trong làng, tên làng Cự Trình vừa là sự mong ước, vừa thể hiện truyền thống khoa bảng. Cự là cự phách, Trình là Trình Y Xuyên - một vị danh nho nổi tiếng thời nhà Tống bên Trung Quốc. Chính mong ước này đã thúc đẩy người làng học hành thành đạt và trở thành một truyền thống tốt đẹp, đời đời kế giữ.

Theo các nguồn sử liệu khoa lục, các nguồn gia phả, văn bia… thời phong kiến làng Cự Trình có sáu người đỗ đại khoa trong khoảng thời gian hơn 300 năm - kể từ năm Quang Thuận thứ 4, đời vua Lê Thánh Tông (1463) đến năm Cảnh Hưng thứ 36, đời vua Lê Hiển Tông (1775), gồm Đệ nhị giáp (Hoàng giáp) và Đệ tam giáp (đồng Tiến sĩ xuất thân).

Người khai khoa của làng được xác định là Nguyễn Đình Liêu (1443 - ?), đỗ Hoàng giáp khoa Quý Mùi, niên hiệu Quang Thuận, đời vua Lê Thánh Tông (năm 1463), làm quan đến Thượng thư. Tiếp theo là Chử Phong, đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Thìn, niên hiệu Hồng Đức đời vua Lê Thánh Tông (năm 1472), làm quan đến Đề hình Giám sát Ngự sử. Năm 1476, ông được cử đi sứ sang nhà Minh, bảo vệ được chủ quyền và thể diện quốc gia.

Người thứ ba là Chử Thiên Khái, đỗ Tiến sĩ khoa Nhâm Tuất, niên hiệu Cảnh Thống đời vua Lê Hiến Tông (năm 1502), làm quan đến chức Đô Ngự sử. Chử Sư Đổng đỗ Hoàng giáp khoa Giáp Tuất, niên hiệu Hồng Thuận đời vua Lê Tương Dực (năm 1514), làm quan đến Thượng thư. Chử Sư Văn, đỗ Tiến sĩ khoa Giáp Thìn, niên hiệu Quảng Hòa đời vua Mạc Phúc Hải (năm 1544), làm quan Tham chính sứ.

Cuối cùng là Ngô Thế Trị (đổi tên là Ngô Thế Dụng) đỗ Đình nguyên, Tiến sĩ khoa Ất Mùi, niên hiệu Cảnh Hưng đời vua Lê Hiển Tông (năm 1775), làm quan đến Hàn lâm viện Đãi chế, được cử làm Phó sứ sang nhà Thanh.

Với cương vị Tổng đốc Tuyên Quang, ông có công lớn trong việc chống lại sự xâm chiếm biên giới của nhà Thanh và tiễu trừ nạn cát cứ của thổ mục địa phương, giữ yên miền biên cương phía bắc Tổ quốc, được vua Lê ban quốc tính là Lê Hữu Dụng và được cắm đất giữa làng làm tư dinh, công đức còn được người đời ghi nhớ và ca tụng cho đến ngày nay.

Họ Chử làng Hội Phụ có tới 4 người đỗ đại khoa. Ảnh minh họa họ Chử VN

Xứng danh khoa bảng

Ngoài sáu người đỗ đại khoa, làng Cự Trình còn có nhiều người đỗ trung khoa. Thời Nguyễn làng có bốn người đỗ Cử nhân, đều thuộc họ Phạm là: Phạm Quyên (đỗ năm 1878) làm quan đến Tri phủ, là anh của hai Cử nhân: Phạm Bào (đỗ năm 1884), Phạm Hồn (đỗ năm 1886) và Phạm Duy Tiên (đỗ năm 1909, là con Phạm Hồn).

Trong suốt quá trình hơn 300 năm nối nhau đỗ đạt, nổi lên như những ngôi sao sáng tiêu biểu cho truyền thống khoa cử Cự Trình là hai dòng họ Chử và họ Phạm. Trong 6 người đỗ đại khoa của làng thì có tới 4 người thuộc dòng họ Chử kế truyền lần lượt đăng khoa. Hai cha con Phạm Tảo và Phạm Hồn cũng thay nhau lều chõng và cũng lần lượt thành danh.

Hiện nay ở Hội Phụ vẫn còn nhiều câu đối, địa danh phản ánh truyền thống khoa bảng của làng. Tại nhà thờ họ Chử có đôi câu đối (đã bị mất nửa vế) nói về 4 người trong họ lần lược đăng đại khoa: “Tứ đại khoa danh, hậu bồi thiên đức/ Bách nhiên đường thản ...”. Câu đối ở nhà thờ họ Phạm nói về việc hai cha con lần lượt khoa bảng đề danh: “Tổ tích đức, tôn tích đức/ Phụ đăng khoa, tử đăng khoa”.

Hơn 300 năm kế thế đăng khoa đã tạo ra một Cự Trình xưa, một Hội Phụ nay danh bất hư truyền. Trên nền tảng của sự học, người Hội Phụ đã không ngừng phát huy sở học để hòa mình vào công cuộc phát triển chung của đất nước. Từ năm 1994, phong trào khuyến học dòng họ Chử của làng Hội Phụ đã được khởi xướng và duy trì.

Từ đó đến nay, hàng năm ban khuyến học dòng họ đều họp các gia đình để phân tích đánh giá tình hình học tập của con em. Vào ngày giỗ Tổ, gia đình có con em hiếu học đều được ghi danh vào sổ vàng truyền thống, được dòng họ biểu dương, tôn vinh và khích lệ. Bởi vậy, ngày nay họ Chử có rất nhiều con cháu đỗ đạt, làm việc trên khắp mọi miền đất nước.

Cùng với họ Chử, dòng họ Phạm cũng được đánh giá có mô hình khuyến học hiệu quả. Sau gần 30 năm phát triển, công tác khuyến học, khuyến tài dòng họ Phạm đã đã đem lại nhiều kết quả nổi bật, thúc đẩy việc học tập, rèn luyện không ngừng của con em, xứng đáng với danh hiệu dòng họ khoa bảng lớn.

Trong nhiều năm dưới triều nhà Lê, làng Hội Phụ từng mang chữ “Cự Trình” với hàm ý có nhiều người học hành giỏi giang, đỗ đạt. Ở đầu làng có một gò đất mang tên gò Mã Nghè - tương truyền là nơi xe các quan nghè buộc ngựa. Từ làng lên có một con đường mang tên Đường Quan – ý nói đường đi dành riêng đón các tân khoa vinh quy bái tổ.

Trần Siêu

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lang-khoa-bang-tren-minh-chim-phuong-hoang-post660546.html