Lan tỏa thông điệp nhân văn

Dư luận cả nước đánh giá cao về Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vừa được thông qua tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIV. Bởi, với các điều, khoản được bổ sung sẽ chấm dứt tình trạng 'xe điên, tài say' và những vụ tai nạn giao thông thảm khốc như trong thời gian qua. Điều đáng nói là, trong khi chờ luật có hiệu lực thì cả nước đang lan tỏa một thông điệp rất đậm tính nhân văn 'Đã uống rượu, bia - không lái xe'.

Những năm qua, tình hình tai nạn giao thông ở nước ta diễn biến rất phức tạp, riêng trong 5 tháng đầu năm 2019, cả nước xảy ra 6.779 vụ tai nạn giao thông, làm chết 3.128 người và bị thương 5.254 trường hợp. Trong đó, tai nạn giao thông, đường bộ 6.695 vụ, làm chết 3.077 người, bị thương 5.229 trường hợp. Tại Bình Phước, trong tháng 5-2019, toàn tỉnh xảy ra 22 vụ tai nạn giao thông, làm chết 16 người, bị thương 13 trường hợp, tăng 37,5% số vụ so với cùng kỳ năm trước. Nâng số vụ tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh trong 5 tháng đầu năm 2019 lên 100 vụ, với 76 người chết và 59 trường hợp bị thương. So với cùng kỳ năm 2018, Bình Phước tăng 3,09% số vụ, tăng 3,51% người bị thương và số người chết giảm 3,8%. Những số liệu nêu trên cho thấy, tình hình tai nạn giao thông ở nước ta nói chung diễn ra ngày càng phức tạp và rất nghiêm trọng.

Đã có nghiên cứu khoa học phân tích các nguyên nhân như hạ tầng cơ sở xuống cấp, ý thức chấp hành luật giao thông của một số người dân kém hay tình trạng đua xe trái phép, phóng nhanh, vượt ẩu, lạng lách... đã gây ra tai nạn giao thông. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, tình trạng người điều khiển phương tiện tham gia giao thông sau khi sử dụng rượu, bia đã gây ra nhiều vụ tai nạn thảm khốc. Theo đánh giá của cơ quan chức năng, số vụ tai nạn giao thông có liên quan đến bia, rượu đang chiếm tỷ lệ rất cao ở nước ta hiện nay. Nhiều vụ như xe Innova chạy lùi trên cao tốc Hà Nội - Thái Nguyên bị xe đầu kéo rơ-moóc đâm vào làm 6 người thương vong; vụ xe BMX tông chết nhiều người ở TP. Hồ Chí Minh; vụ xe sang lao vào đám tang tại Quy Nhơn hay hàng loạt trường hợp “xe điên” gây tai nạn liên hoàn đều do tài xế đã sử dụng bia, rượu gây ra. Ở Bình Phước, cũng đã có không ít vụ tai nạn giao thông do tài xế say xỉn gây ra làm hoang mang dư luận.

Vì vậy, trước khi Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia có hiệu lực, nhân dân cả nước, các tổ chức đoàn thể xã hội... đã chuyển tải thông điệp đậm tính nhân văn “Đã uống rượu, bia - không lái xe” để giáo dục và nhắc nhở mọi người chung tay đẩy lùi tai nạn giao thông, mang lại bình yên cho xã hội. Tại Bình Phước, đầu tháng 7 này, Bộ chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh đã tổ chức lễ phát động “Đã uống rượu, bia - không lái xe” trong toàn lực lượng. Theo đó, 100% cán bộ, chiến sĩ trong toàn lực lượng đã có bản cam kết nội dung “Đã uống rượu, bia - không lái xe” gắn cuộc vận động với phong trào Thi đua quyết thắng hằng năm của đơn vị. Trước đó, trên sân vận động tỉnh, mỗi khi Câu lạc bộ bóng đá Bình Phước ra sân thi đấu, các cầu thủ và cổ động viên đều mang theo băng rôn khẩu hiệu “Đã uống rượu, bia - không lái xe” để cổ động và kêu gọi mọi người chung tay thực hiện lái xe lành mạnh, đảm bảo an toàn giao thông.

Hy vọng, với thông điệp đậm tính nhân văn này sẽ trở thành khẩu hiệu hành động của các cơ quan, ban, ngành và các tầng lớp nhân dân trong cuộc sống.

Tấn Phong

Nguồn Bình Phước: http://baobinhphuoc.com.vn/content/lan-toa-thong-diep-nhan-van-26349