Làm sao để chọn sách tham khảo có chất lượng cho con?

Để có thể chọn cho con em mình một cuốn sách tham khảo ưng ý, nhiều phụ huynh đã phải 'đau đầu' trong việc cân nhắc, quyết định lựa chọn giữa hàng trăm đầu sách với đủ chủng loại, mẫu mã.

Vào đầu năm học mới, bên cạnh việc mua sách giáo khoa cho con, sách tham khảo cũng là vấn đề ưu tiên hàng đầu của nhiều bậc phụ huynh vì nó là nguồn bổ sung kiến thức quan trọng. Nhưng để có thể chọn cho con em mình một cuốn sách tham khảo ưng ý, nhiều phụ huynh đã phải "đau đầu" trong việc cân nhắc, quyết định lựa chọn giữa hàng trăm đầu sách với đủ chủng loại, mẫu mã.

Đến bất cứ nhà sách nào, dù lớn hay nhỏ, chúng ta cũng dễ dàng nhận thấy lượng sách tham khảo chiếm diện tích lớn gấp nhiều lần so với sách giáo khoa. Dễ nhận thấy nhất là sách tham khảo cho học sinh tiểu học. Trong khi sách giáo khoa Toán, Tiếng Việt chỉ có 1-2 cuốn nhưng sách tham khảo có tới vài chục cuốn. Số lượng nhiều, mẫu mã bắt mắt, nhưng tựa đề sách và nội dung lại na ná, vay mượn của nhau. Thậm chí có nhiều cuốn sai sót cả về mặt kiến thức.

Số lượng sách tham khảo dường như tăng dần theo bậc học.

Chẳng hạn như trong cuốn “Vở bài tập Tiếng Việt nâng cao 1, tập 1 (NXB ĐH Sư phạm), ở trang 25, ở câu hỏi số 3, yêu cầu học sinh phân biệt cột chữ nào cần viết hoa, trong đó có từ “chỉ chỏ”. Đây là một từ sai, phải là “chỉ trỏ” mới đúng, còn từ “chỉ chỏ” không có trong từ điển tiếng Việt.

Thực ra số lượng sách tham khảo ở bậc tiểu học còn ít so với các cấp học lớn hơn. Số lượng sách tham khảo dường như tăng dần theo bậc học, từ mầm non đến các bậc tiểu học, trung học cơ sở, phổ thông trung học và đến lớp 12 thì số lượng sách tham khảo không đếm xuể, được chia thành bộ nhiều tập của rất nhiều tác giả biên soạn.

Chủ nhật vừa rồi tôi cùng con trai năm nay học lớp 7 đi nhà sách gần nhà để mua sách cho cháu chuẩn bị vào năm học mới. Chọn sách giáo khoa xong, cháu nói muốn mua thêm sách tham khảo cho môn Văn vì học yếu môn này.

Sách tham khảo có thể hỗ trợ học sinh, nhưng cũng có thể khiến các em nảy sinh tâm lý ỷ lại, học rập khuôn.

Tới kệ sách, chỉ nhìn sách tham khảo môn Văn thôi mà tôi hoa cả mắt. Nào là sách Học tốt Ngữ văn Lớp 7, Những bài văn nghị luận đặc sắc Lớp 7, Những bài văn hay Lớp 7, Rèn luyện tư duy sáng tạo làm bài văn hay 7, 199 dàn bài và bài văn hay Lớp 7, 199 bài và đoạn văn hay Lớp 7, Bồi dưỡng học sinh giỏi Ngữ văn Lớp 7, Hướng dẫn học và làm bài văn Ngữ văn 7 (tập 1, 2), Rèn kỹ năng làm bài và bài văn mẫu Lớp 7, Sổ tay Ngữ văn 7, Hướng dẫn học ngữ văn theo chuẩn kiến thức - kỹ năng Lớp 7...

Tất cả đến mười mấy cuốn. Tôi không biết con thực sự cần quyển sách nào và quyển sách nào mới phù hợp cho con để lựa chọn. Mua hết về thì hẳn là không nên vì chắc gì con đã có thời gian mà đọc cho hết, hơn nữa ngần ấy quyển sách cũng không phải ít tiền, bởi quyển nào cũng có giá vài chục nghìn đồng trở lên.

Đấy mới là sách tham khảo cho môn Văn, còn sách tham khảo cho môn Toán, môn Lý hay môn tiếng Anh cũng nhiều không kém.

Thực tế cho thấy, các bậc làm cha mẹ đang ngày càng đầu tư cho việc học tập của con cái qua việc cho con học ở những trường danh tiếng, cho con đi học thêm hay mua các loại sách mà con yêu cầu. Người cần mua sẽ có người bán.

Hiện tượng tràn lan sách tham khảo cũng do xã hội có nhu cầu cao. Nhưng cũng chính vì nhu cầu cao của xã hội mà lợi nhuận do sách tham khảo đem lại rất lớn, khiến nhiều tác giả “lao” vào viết sách, nhà xuất bản “lao” vào phát hành nên nhiều đầu sách không được đầu tư nghiêm túc dẫn đến sự trùng lặp về nội dung, sai sót về mặt kiến thức.

Trước sự đa dạng về số lượng nhưng kém về chất lượng của các loại sách tham khảo, phụ huynh trở nên lo lắng, khó lựa chọn được một cuốn sách tham khảo hay và có chất lượng là điều dễ hiểu. Nhưng quan trọng hơn là làm sao để chọn được những cuốn sách phù hợp nhất cho con đọc.

Sách tham khảo rất nhiều, mẫu mã bắt mắt, nhưng tựa đề và nội dung lại na ná, vay mượn của nhau.

Bởi sách tham khảo cũng có hai mặt, nó có thể khuyến khích khả năng tìm tòi và tư duy sáng tạo, nâng cao khả năng diễn đạt ngôn ngữ, tìm ra những kiến thức mới và nâng cao năng lực bản thân của học sinh, và đặc biệt rất bổ ích đối với những học sinh khá, giỏi, giúp các em nâng cao kiến thức đã được học.

Tuy nhiên, nếu sử dụng sách tham khảo không đúng cách sẽ khiến các em nảy sinh tâm lý ỷ lại, mất phương hướng, làm bài tập và có cách học rập khuôn, lười nhác trong tư duy.

Chúng ta nên tìm chọn những cuốn sách có nội dung dễ hiểu, đọc kỹ phần giới thiệu và mục lục, mua những cuốn sách có nguồn gốc rõ ràng, ưu tiên sách của NXB có uy tín và lâu năm.

Cụ thể nên mua loại sách củng cố kiến thức cho học sinh trung bình trở xuống, chọn loại sách để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức đối với học sinh khá, giỏi. Thêm vào đó không nên mua nhiều sách tham khảo, chỉ nên chọn một vài cuốn thực sự quan trọng, vì nếu mua nhiều quá vừa khó có thời gian đọc hết, lại còn gây tâm lý sợ học cho học sinh. Tốt nhất nên nhờ tới sự tư vấn của giáo viên bộ môn để có thể lựa chọn được những cuốn sách tham khảo thực sự hữu ích.

Trường Xuân

Nguồn CSTC: http://cstc.cand.com.vn/phong-su-tieu-diem/lam-sao-de-chon-sach-tham-khao-co-chat-luong-cho-con-559604/