Lạm phát 'rất cứng đầu'
'Lạm phát đang rất cứng đầu và lan rộng hơn những gì chúng ta nghĩ. Và điều đó có nghĩa là các ngân hàng trung ương cũng cần phải cứng rắn trong cuộc chiến chống lạm phát' - Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bà Kristalina Georgieva đưa ra khuyến nghị tại một sự kiện ở Washington (Mỹ) có sự tham gia của ông Francois Villeroy de Galhau - đại diện Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB).
Bà Georgieva nhấn mạnh, nếu chính sách tài khóa của các quốc gia không được căn chỉnh phù hợp thì có thể trở thành “kẻ thù của chính sách tiền tệ vì tiếp lửa cho lạm phát”. Người đứng đầu IMF cảnh báo, giá dầu cao đã đẩy giá tất cả hàng tiêu dùng lên, dẫn tới một vòng xoáy tăng lương khi người dân lo rằng giá lương thực và giá xăng dầu sẽ tiếp tục tăng, họ sẽ yều cầu mức lương cao hơn và điều này sẽ dẫn đến tình trạng lạm phát kéo dài dai dẳng.
“Sự leo thang bất ngờ của lạm phát chỉ là một mảnh nhỏ trong số những bất ổn mà khó khăn mà nền kinh tế toàn cầu đang phải đối mặt. Vì thế các ngân hàng trung ương cần có phản ứng cứng rắn. Nếu không kịp thời thì lạm phát sẽ gây ra sự xói mòn mức sống của người dân. Và khi đó suy thoái sẽ xuất hiện, đòi hỏi nhiều thời gian mới có thể vượt qua” - Tổng giám đốc IMF khuyến cáo.
Tuy nhiên, trả lời phỏng vấn kênh CBS News, Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ, bà Janet Yellen, cho rằng lạm phát “sẽ giảm dần theo thời gian” nhờ các động thái thắt chặt chính sách tiền tệ của Cục Dự trữ liên bang (FED).
Ngày 20 và 21/9 tới, FED sẽ tổ chức cuộc họp chính sách tiền tệ định kỳ. Và câu hỏi lớn đang được đặt ra là ngân hàng trung ương quyền lực nhất thế giới sẽ nâng lãi suất với bước nhảy như thế nào? Theo các chuyên gia tài chính, nhiều khả năng FED sẽ có đợt nâng lãi suất với bước nhảy 0,75 điểm phần trăm thứ ba liên tiếp, sau khi mức tăng này đã được áp dụng hai lần trong các cuộc họp vào tháng 6 và tháng 7.
Phát biểu trước báo giới cuối tuần qua, ông Christopher Waller - một quan chức cao cấp của FED nói, kỳ vọng một đợt tăng lãi suất lớn trong tháng 9. Tuy nhiên, ông Waller cũng nói rằng các nhà hoạch định chính sách nên “dừng việc cố gắng đoán về tương lai, và thay vào đó nên hướng sự chú ý vào các dữ liệu kinh tế”. Ông Waller cũng cho biết, trong cuộc họp sắp diễn ra ông sẽ ủng hộ một đợt tăng lớn nữa về lãi suất.
Ngày 18/9, các nhà giao dịch trên thị trường tài chính Mỹ đặt cược khả năng 90% FED nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm trong cuộc họp vào ngày 20/9. Trước đó 1 tuần, sự đặt cược này mới đạt mức 57%, theo dữ liệu từ công cụ Fedwatch Tool của sàn CME. Đây là bước nhảy lãi suất lớn nhất kể từ khi FED bắt đầu sử dụng lãi suất tham chiếu như một công cụ chính sách tiền tệ chủ chốt vào đầu thập niên 1990.
Nếu FED nâng lãi suất 0,75 điểm phần trăm lần này, lãi suất tham chiếu của Mỹ sẽ tăng lên mức 3-3,25%. Và nếu lạm phát vẫn không dịu đi trong thời gian còn lại của năm nay, thì rất có thể FED còn phải tăng lãi suất lên cao hơn nhiều mức 4% - ông Waller đưa ra dự đoán và cảnh báo rằng không nên mừng vội khi xuất hiện một số tín hiệu chỉ số lạm phát giảm. “Lịch sử từng đưa ra những cảnh báo thận trọng về việc nới lỏng chính sách quá sớm. Tôi có thể đảm bảo rằng hậu quả của việc bị đánh lừa bởi sự dịu đi tạm thời của lạm phát sẽ gây ra những tác động rất tai hại”.
Đi trước nước Mỹ, ngày 8/9 Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã quyết định nâng lãi suất cơ bản 0,75 điểm phần trăm, bước nhảy lớn chưa từng có trong lịch sử ECB, đồng thời cam kết sẽ tiếp tục tăng lãi suất với mục tiêu ưu tiên chống lạm phát khi nền kinh tế khu vực Eurozone đứng bên “miệng hố” suy thoái và đối mặt nguy cơ phải chia khẩu phần khí đốt trong mùa đông sắp đến.
“Chúng ta đang tiến dần tới ngưỡng lạm phát 2 con số, số tiết kiệm của các hộ gia đình đang rỗng dần” - Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói; đồng thời cho biết để kéo giảm lạm phát tháng 7 vừa qua, ECB đã có đợt nâng lãi suất đầu tiên sau 11 năm, với bước nhảy lớn hơn dự báo là 0,5 điểm phần trăm.
Trong khi đó, tiến sĩ Jorg Kramer của Commerzbank nhận xét: “Chúng tôi vẫn kỳ vọng rằng lãi suất tiền gửi của ECB sẽ tăng lên mức 1,75% vào đầu năm tới. Để kiểm soát bền vững được lạm phát, ECB phải tăng lãi suất lên cao hơn mức này”.
Dẫn lời Tổng giám đốc IMF Georgieva rằng “lạm phát rất cứng đầu”, ông Kramer cho rằng trước mắt cuộc chiến với lạm phát phải được tập trung ở những quốc gia giàu có, vì trên thực tế những nền kinh tế ấy mang tính dẫn dắt kinh tế toàn cầu.
Tăng trưởng chậm đang đẩy tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu gia tăng. Báo cáo của Viện Tài chính quốc tế (IIF) có trụ sở ở Washington (Mỹ) với tiêu đề “Giám sát nợ toàn cầu: Rủi ro gia tăng ở các thị trường mới nổi”, công bố cuối tuần qua cho biết tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu nhích lên dù tổng nợ của toàn cầu, tính theo đồng USD, giảm 5,5 ngàn tỷ USD, xuống còn 300 ngàn tỷ USD trong quý 2 năm nay, mức giảm hàng quý đầu tiên kể từ năm 2018. Tuy nhiên, báo cáo của IIF cho rằng: “Mặc dù nợ toàn cầu giảm phần lớn là do hiệu ứng định giá lại theo mức tăng giá của đồng USD, nhưng cần lưu ý rằng chi phí đi vay đang tăng nhanh và sự quan tâm của nhà đầu tư giảm xuống. Những lo ngại về tốc độ tăng trưởng toàn cầu chậm và căng thẳng xã hội gia tăng do giá năng lượng và lương thực cao hơn có thể sẽ khiến các chính phủ phải vay nhiều hơn”.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/lam-phat-rat-cung-dau-5696978.html