Làm giàu không chờ tuổi
Năm 1984, chiếc xe Zép, chiến lợi phẩm trong đại thắng Mùa Xuân 1975 của UBND huyện Đạ Huoai ì ạch đưa chúng tôi - những công nhân đường dây, đem hệ thống truyền thanh về lắp đặt tại xã Đạ Ploa. Ngày ấy, con đường từ Ngã 3 Bà Sa vào Đạ Ploa còn gập ghềnh sỏi đá, nhiều chỗ lầy lội, xe không qua được phải nhờ người đẩy phụ. Còn chiếc cầu bắc qua con suối chỉ được ghép bằng năm cây gỗ to, phải là tay lái giỏi mới dám cho xe qua… Vậy mà sau 36 năm, hôm nay tôi có dịp trở lại, được tận mắt thấy những đổi thay của vùng đất này đến kinh ngạc. Điện, đường, trường, trạm, nhà ở của dân… mang vóc dáng của thời công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nơi mà đa phần đồng bào dân tộc thiểu số gốc Tây Nguyên sinh cơ lập nghiệp.
Đón chúng tôi ở văn phòng, ông Đinh Công Định - Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Ploa phấn khởi cho biết:
- Chúng tôi vừa tổ chức xong Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 rất thành công. Cán bộ, đảng viên và Nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng vào thời kỳ mới, thời kỳ xây dựng Đạ Ploa thành xã nông thôn mới nâng cao tiến tới nông thôn mới kiểu mẫu.
Tự hào về diện mạo mới của quê hương mình, ông nói tiếp:
- Một trong những nguyên nhân làm đổi thay Đạ Ploa như hôm nay phải kể đến đời sống của Nhân dân được phát triển khá mạnh nhờ chuyển đổi cơ cấu cây trồng đúng hướng, trong đó chú trọng phát triển kinh tế vườn. Diện tích toàn xã 89.000 ha, thì có hơn 2.100 ha cây ăn trái, riêng sầu riêng có 431 ha. Nhiều hộ gia đình như ông Lê Minh Hải, Trần Minh Châu, Nguyễn Văn Đấu, đều là dân miệt vườn miền Tây Nam Bộ, lên lập nghiệp, đã hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng cây ăn trái, nhất là sầu riêng, măng cụt. Trong số họ ai cũng là thành viên “Câu lạc bộ tỷ phú” ở đây. Tôi hỏi:
- Còn Đinh Minh Miên là ai ạ?
- À, một người ham làm giàu từ khi còn rất trẻ. Anh có muốn thăm không?
Tôi chưa kịp trả lời, ông Phó Chủ tịch đã giục, đi đi, tay này được lắm.
** *
Đinh Văn Miên sinh năm 1981 tại huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình. Anh là con thứ ba trong gia đình có sáu anh chị em. Do hoàn cảnh khó khăn, Miên chỉ học hết lớp bảy rồi nghỉ. Bố anh là công nhân cầu đường, đồng lương thấp nên xin thôi việc. Năm 1989, khi vừa 8 tuổi, anh theo gia đình vào lập nghiệp tại Thôn 1, xã Đạ Ploa, huyện Đạ Huoai.
Năm 2001, Miên lập gia đình. Vợ anh là chị Đinh Thị Ngọc Trang, người Lệ Thủy - Quảng Bình kém anh hai tuổi. Hai người thật đẹp đôi. Những ngày mới cưới, họ ở chung với bố mẹ, hàng ngày cùng lên đồi làm vườn. Ở tuổi đôi mươi, Miên không bằng lòng với cách làm việc của bố. Ông chỉ dựa vào kinh nghiệm và thói quen cũ nên năng suất, chất lượng sản phẩm không theo kịp thị trường. Ngay như việc thu hái sầu riêng cũng phải chọn giờ lành, ngày tốt nên không đáp ứng kịp với sự nhanh nhạy trong mua bán. Có lúc sầu riêng thu về cả đống mà không ai mua vì lỡ hẹn với chủ vựa. Anh bàn với vợ:
- Em ạ, mình ra ở riêng thôi.
- Không được đâu, bố không cho mà. Trang thỏ thẻ: Em muốn lắm… nhưng...
- Không nhưng gì nữa. Làm ăn cò con thế này bao giờ ngóc đầu lên được.
Miên đặt vấn đề với bố. Ông cụ khăng khăng:
- Anh thích… ở đâu thì ở. Tôi không biết.
Miên không trách bố. Nhưng sức trẻ thôi thúc anh, phải làm giàu bằng cái đầu và đôi tay của mình. Quyết ở riêng, anh chỉ xin bố cho đất làm kế sinh nhai. Cốt thuận vợ thuận chồng thì lo gì biển Đông không tát cạn.
Vậy là, năm 2007, sau sáu năm ở chung với bố mẹ, vợ chồng Miên cất tạm ngôi nhà. Ban đầu, anh tính chuyện mua xe, kinh doanh vận tải. Nhưng nghĩ đi không bằng tính lại, anh quyết định chọn công việc làm vườn, lấy sầu riêng làm cây chủ lực để phát triển kinh tế.
Năm 2011, Miên bàn với vợ vay vốn ngân hàng để đầu tư cho sản xuất. Nhớ lại ngày tháng ấy, anh bật cười thành tiếng:
- Anh ạ, chẳng có chuyện gì tự dưng nó đến cả. Mình đi vay thì phải trả cả gốc lẫn lãi. Nhưng đâu có được, họ bảo mình còn ít tuổi, tài sản thế chấp nhỏ, sợ thất thoán vốn. Thế là em phải nhờ người nhiều tuổi hơn, có tài sản, đứng ra vay… hộ, được ba mươi triệu đồng.
Có tiền, Miên mua vật tư, thiết bị tưới cho cây. Từ con suối lên đồi dài 400 m. Anh cho đào ao trên đồi rộng 300 m2, sâu 2 m để chứa nước. Mua máy bơm công suất lớn 32 mã lực để bơm nước lên ao. Đặt hệ thống bơm tự động, đảm bảo đủ tưới cho 2,5 ha với gần 400 cây sầu riêng từ 3 đến 9 năm tuổi.
Lần này Miên vay ngân hàng năm mươi triệu đồng, nhưng không cần nhờ người vay hộ nữa. Thêm vốn, anh mua xe ba bánh trên 70 triệu đồng để vận chuyển vật tư, phân bón và trái cây. Anh thuê người đào 4 ao cá bên suối, trong đó nuôi cá trong 2 ao. Nước dùng tích trữ để tưới cây. Cá để bồi dưỡng sức lao động. Dự định, Miên sẽ xây nhà nuôi chim yến, đặt giữa 4 ao trên nhằm phát triển kinh tế theo hướng đa cây đa con. Rồi đây, khi cây vườn ổn định, anh sẽ nâng cấp thành vựa trái cây để chủ động nguồn nguyên liệu cho xuất khẩu sầu riêng. Vốn vay ngân hàng Miên đã trả xong từ lâu. Bây giờ chỉ làm và tích lũy.
Nghe anh nói, nhìn anh làm mới thấy ở Miên một nghị lực và ý chí làm giàu mãnh liệt. Thấy anh được bình chọn là nông dân sản xuất giỏi lại nhận được giấy khen của các cấp, có người đã khuyên: Thôi, làm thế đủ rồi. Ai cũng sầu riêng thì bán cho ai? Miên cười, để lộ hàm răng sáng bóng, khẳng định:
- Phải có niềm tin. Tin ở mình, tin ở sự phát triển của quê hương, đất nước. Chỉ cần mình làm ăn trung thực, giữ được chữ “Tín” thì… “sầu riêng” sẽ thành niềm “vui chung”. Đúng không?
* * *
Thưởng thức múi sầu riêng ngọt thơm do vợ chồng Miên đãi khách, Phó Chủ tịch UBND xã Đạ Ploa Đinh Công Định nói với chúng tôi:
- Miên có chí làm giàu khi còn rất trẻ. Bây giờ anh đã có gần 3 ha vườn đồi. Trong đó, một ha rưỡi đang vào năm thứ ba. Trên một ha cho thu hoạch đã 9 năm. Sầu riêng của anh được công nhận thương hiệu Quốc gia, được dán tem đăng ký sản phẩm sạch. Chưa kể các nguồn thu từ măng cụt và cá, chỉ mới một ha sầu riêng đã cho thu trên một tỷ đồng.
Còn Miên thì vui ra mặt:
- Em đã và đang sinh hoạt trong “Câu lạc bộ yêu thích” làm vườn của xã với hai mươi thành viên. Chúng em nương tựa vào nhau cùng phát triển. Anh xem, em vừa sắm con xe Inôva 7 chỗ này.
Nhìn cử chỉ của vợ chồng Miên - Trang, chúng tôi thấy họ rất hạnh phúc. Chưa đầy 40 tuổi, họ đã có gần như tất cả. Tuổi trẻ - Niềm tin - Lập nghiệp - Giàu có. Đó là con đường đi lên hạnh phúc.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202009/lam-giau-khong-cho-tuoi-3023239/