Làm gì khi nghi ngờ có dấu hiệu ung thư vú?
Khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của cơ thể, đặc biệt là tại hai vú, nên đi tầm soát ung thư vú ngay để phòng ngừa bệnh trở nên phức tạp.
Ung thư vú là tình trạng khối u ác tính phát triển ở các tế bào vú. Khối u ác tính là tập hợp các tế bào ung thư có thể sinh sôi rất nhanh ở các mô xung quanh, hoặc có thể lan ra (di căn) các bộ phận khác trong cơ thể. Ung thư vú hầu hết xuất hiện ở nữ giới.
Cần làm gì khi nghi ngờ có dấu hiệu ung thư vú?
BS.CKII Đỗ Thanh Huy Hoàng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM cho biết, khi nghi ngờ có dấu hiệu ung thư vú, người bệnh hãy đến gặp bác sĩ để được khám và lên liệu trình điều trị kịp thời.
Ban đầu, bác sĩ sẽ khám lâm sàng và cho người bệnh thực hiện một số xét nghiệm sau để chẩn đoán chính xác tình trạng bất thường ở vú của người bệnh, bao gồm:
Siêu âm vú: Siêu âm vú là xét nghiệm hình ảnh sử dụng đầu dò có sóng âm tần số cao di chuyển trên vú và các mô xung quanh để chụp cấu trúc bên trong. Hình ảnh thu thập được giúp bác sĩ nhìn rõ vị trí nghi ngờ và xác định khối u thuộc dạng u nang chứa đầy dịch (thường lành tính) hoặc u đặc (có khả năng ác tính).
Chụp X-quang vú: Chụp X-quang là sử dụng loại bức xạ ánh sáng hoặc sóng vô tuyến tạo ra hình ảnh rõ nét về hệ cơ xương và một số mô trong cơ thể giúp bác sĩ chẩn đoán, theo dõi và điều trị nhiều loại bệnh.
Chụp MRI: Chụp MRI là xét nghiệm hình ảnh sử dụng nam châm lớn, sóng vô tuyến và máy tính để tạo ra hình ảnh chi tiết mô vú. Bác sĩ dùng phương pháp này để tìm kiếm, đánh giá nguy cơ ung thư mà chụp X-quang hoặc siêu âm không phát hiện ra.
Sinh thiết vú: Sinh thiết vú là thủ thuật sử dụng kim sinh thiết để lấy mẫu mô mang đi xét nghiệm nhằm tìm kiếm dấu hiệu ung thư vú. Phương pháp này thường được bác sĩ đề nghị thực hiện sau khi người bệnh khám lâm sàng và chụp X-quang thấy có nguy cơ cao ung thư.
Ngoài ra, còn một số phương pháp chẩn đoán khác, bao gồm: Xét nghiệm miễn dịch mô hóa học để kiểm tra thụ thể hormone. Xét nghiệm di truyền để xác định đột biến gây ung thư vú.
Các giai đoạn phát triển của ung thư vú, chị em cần lưu ý
Theo các bác sĩ Bệnh viện K, ung thư vú được chia làm 5 giai đoạn, cụ thể gồm: giai đoạn ung thư tại chỗ (nội ống), giai đoạn I, giai đoạn II, giai đoạn III, giai đoạn IV.
Giai đoạn 0: giai đoạn ung thư tại chỗ (nội ống). Ở giai đoạn này, tế bào ung thư bắt đầu phát triển bất thường trong ống dẫn sữa hoặc tuyến sữa tuy nhiên
không có tính xâm lấn, không lan sang các mô khác ở vú hoặc các cơ quan khác trong cơ thể. Nếu được kịp thời phát hiện và chữa trị trong giai đoạn này, cơ hội thành công là khoảng 90-100%.
Giai đoạn I: Ung thư xâm lấn bắt đầu từ ung thư vú giai đoạn đầu, các tế bào ung thư dú đã phá vỡ tự do để tấn công các mô khỏe mạnh. Giai đoạn I chia làm 2 giai đoạn nhỏ hơn:
• Giai đoạn IA: Ung thư đã lan vào các mô mỡ ở vú. Bản thân khối u kích thước không quá khoảng 2cm
• Giai đoạn IB: Một lượng nhỏ tế bào ung thư được tìm thấy trong một vài hạch bạch huyết.
Giai đoạn II. Ung thư đã phát triển, lan rộng hơn Ung thư vú ở giai đoạn 2 cũng chia làm 2 giai đoạn nhỏ hơn:
• Giai đoạn IIA: Khối u (nếu có) trong vú vẫn còn nhỏ. Các tế bào ung thư có thể không có trong các hạch bạch huyết, hoặc đã di căn đến giai đoạn III.
• Giai đoạn IIB: Khối u vú lúc này có thể có kích thước đã từ 2-5cm. Khối u có thể có hoặc không có ở bất kỳ hạch bạch huyết nào.
Giai đoạn III. Ung thư tiến triển nặng hơn. Ung thư vú giai đoạn 3 chưa di căn đến xương hoặc các cơ quan khác nhưng được coi là đã tiến triển nặng và khó điều trị hơn.
• Giai đoạn IIIA: Ung thư đã được tìm thấy trong số các hạch bạch huyết, tạo thành một chuỗi từ dưới cánh tay đến xương đòn của bệnh nhân. Hoặc đã lan đến các hạch bạch huyết sâu trong vú. Một vài bệnh nhân được phát hiện có khối u lớn ở vú trong giai đoạn này.
• Giai đoạn IIIB: Khối u đã phát triển vào thành ngực hoặc da xung quanh vú, ngay cả khi nó chưa lan đến các hạch bạch huyết.
• Giai đoạn IIIC: Ung thư đã được tìm thấy trong 10 hạch bạch huyết trở lên, hoặc đã lan rộng trên/dưới xương đòn.
Giai đoạn IIIC cũng có thể biểu hiện rằng có ít hạch bạch huyết bên ngoài vú bị ảnh hưởng nhưng những hạch bạch huyết bên trong lại phì đại hoặc ung thư.
Giai đoạn IV. Di căn. Đối với ung thư vú giai đoạn cuối, tế bào ung thư vú đã lan ra xa vú và các hạch bạch huyết xung quanh, di căn đến xương, phổi, gan và não ….. Giai đoạn này được gọi là “di căn”, có nghĩa là ung đã lan rộng ra ngoài vùng cơ thể nơi được phát hiện đầu tiên.
Theo các bác sĩ, chị em nên chú ý đến việc tự kiểm tra vú hằng ngày tại nhà thường xuyên. Bên cạnh đó, khám, theo dõi sức khỏe định kỳ mỗi 6 tháng một lần cũng là điều cần ghi nhớ.
Theo một số thống kê, ung thư vú nếu phát hiện chậm có thể dẫn đến di căn. Sau giai đoạn này, diễn biến bệnh thường khá nhanh và thời gian sống của bệnh nhân tiên lượng sẽ dè dặt hơn. Vì vậy, khi phát hiện những dấu hiệu bất thường của cơ thể, đặc biệt là tại hai vú, nên đi tầm soát ung thư vú ngay để phòng ngừa bệnh trở nên phức tạp.